Mua lại Bioware
EA vốn được biết đến với thành tích mua lại rồi bóp chết rất nhiều nhà phát triển game tài năng nhằm chiếm được các sản phẩm sở hữu trí tuệ từ họ, hoặc đơn giản công ty tái cấu trúc và cần sa thải nhân sự từ các studio bị cho là không đạt chỉ tiêu doanh thu. Gần đây nhất chính là việc tuyên bố đóng cửa Visceral Games, một studio lâu năm và có nhiều đóng góp lớn cho EA. Trở về hơn 10 năm trước, EA bỏ ra hơn 800 triệu $ để mua liên minh Bioware – Pandemic Studios. Trong khi Pandemic bị đóng cửa không lâu sau đó thì Bioware tiếp tục vươn xa trước khi bắt đầu xuống dốc như hiện tại. Theo tiết lộ từ biên kịch của Dragon’s Age là David Gaiden, dù Bioware đạt rất nhiều thành công, hãng cũng có lúc phải đối mặt với vấn đề tài chính nghiêm trọng cùng nguy cơ phá sản. Rất may EA đã đưa ra đề nghị mua lại nhằm cứu vớt Bioware. Dù vậy, hệ quả là Dragon’s Age 2 phải bị rush để có một sản phẩm hoàn chỉnh gây ấn tượng với EA khi đó. Bên cạnh đó, theo Bioware thì chí ít EA hiếm khi buộc họ phải làm 1 việc cụ thể nào đó, họ gần như vẫn được tự do sáng tạo như 1 đặc quyền trong khi các studio khác có vẻ không được như vậy.
Cứu Brutal Legend
Brutal Legend vốn được dự định phát hành bởi Sierra Entertainment. Tuy nhiên năm 2008, nhờ thương vụ sáp nhập với đơn vị game của Vivendi để lập nên Activision Blizzard, Brutal Legend được nhượng cho Activision phát hành. Activision cho rằng game đã bị muộn so với lịch trình, ngân sách vượt dự kiến và game nhìn chung cũng không có tiềm năng. Dự án bị đẩy vào tình thế vô cùng khó khăn khi mà bản thân nhà phát triển Double Fine Productions đã công bố ngày phát hành vào 2009. Rất may là EA tỏ ra có hứng thú với thương hiệu này và tháng 12/2008 EA chính thức trở thành nhà phát hành mới, cứu được 1 tựa game hay và độc đáo.
Đẩy mạnh việc phát triển các IP mới (2007-2010)
Trước kia EA dựa rất nhiều vào các game thể thao ra mắt đều đặn hàng năm cùng các game ăn theo thương hiệu điện ảnh. Suốt những năm 2000, ngoại trừ một số dòng game như FIFA, Need for Speed, Battlefield, Medal of Honor,… thì quanh năm EA chỉ hồng hộc kiếm bản quyền cũng như đẻ ra thật nhiều game ăn theo phim. Cũng có kha khá các game trong số đó rất đáng nhớ nhưng nhìn chung hầu như mục đích của chúng là kiếm chác chút ít từ tiếng tăm của các phim đình đám khi ấy. Bước vào hệ console thứ 7, dần dần EA cũng nhận ra là không thể dựa vào kiểu làm ăn này mãi được. Vậy là hãng nhanh chóng quyết định rằng bản thân sẽ tự phát triển cũng như hợp tác với các đơn vị bên ngoài để tạo ra các dòng game mới nhằm khai thác tối ưu lợi thế của Xbox 360 và PS3 cũng như cho các studio có cơ hội thỏa sức sáng tạo thay vì tiếp tục đào mỏ các game ăn theo. Kết quả là một thời kì hoàng kim cho EA với những Crysis, Dead Space, Mirror’s Edge, Spore, Mass Effect, Spore, Army of Two, Dragon’s Age,… Thật đáng tiếc là giờ đây EA có lẽ sẽ không còn lặp lại điều tương tự.
EA Games Changers
EA vốn có mối quan hệ không tốt đẹp mấy với cộng đồng game thủ, nhưng chí ít họ có vẻ đang cố cải thiện điều đó. EA Games Changers là môt chương trình hợp tác nhằm giúp gắn kết các nhà làm game với cộng đồng chặt chẽ hơn. Cụ thể là trong chương trình này, những người tạo nội dung cùng game thủ chuyên nghiệp sẽ được tiếp cận từ rất sớm các dự án của EA, tham gia trực tiếp vào việc trợ giúp, đưa ra ý kiến xây dựng cũng như thử nghiệm nhằm giúp cải thiện tối đa chất lượng game. Đương nhiên vẫn có rất nhiều tranh cãi xung quanh chương trình này, đặc biệt là khi không ít người tố cáo đây là vỏ bọc cho việc EA đang tìm cách thao túng, mua chuộc để những người tham gia sẽ nói tốt về các dự án đó. Dù sao thì đây cũng là 1 ý tưởng tốt và nên được phát huy đúng cách.
EA Originals
Vốn là 1 hãng game tham lam, cố gắng vắt kiệt mọi thứ nhằm kiếm ra tiền nhiều nhất có thể, triển khai liên tục các đợt tái cấu trúc nhằm sa thải nhân viên để tạo lợi nhuận cao nhất,… Thế nhưng ít ra EA cũng khá là hào phóng với chương trình EA Originals. Cụ thể đây là 1 chương trình nhằm cung cấp tài chính cùng trợ giúp phát hành cho các nhà phát triển game indie. Kết quả là các tựa game rất chất lượng A Way Out, Unravel và Unravel 2, FE, Sea of Solitude. Đặc biệt hơn cả là dù trực tiếp đầu tư và phát hành nhưng toàn bộ lợi nhuận của các game trên sẽ về tay các nhà phát triển của chúng. Chúng ta nên khuyến khích các hành động tương tự từ EA nhiều hơn.