Những hiệu ứng đồ họa vô dụng bạn phải tắt ngay khi chơi game

Đây là những hiệu ứng đồ họa cực kỳ vô dụng trong game, khiến chúng ta phải tắt quách đi cho đỡ nặng máy.

Sẽ chẳng nói làm gì nếu bạn có một dàn máy siêu khủng với giá vài chục triệu đồng và sẵn sàng bật đồ họa lên mức "max setting" khi chơi game. Không, chúng ta không nói đến những trường hợp ấy, bởi đại đa số game thủ ngoài kia vẫn đang phải đắn đo xem nên tắt, nên bật hiệu ứng nào để lúc chơi game vừa mượt mà lại đẹp.

Nhưng vấn đề ở chỗ trong khi nhiều hiệu ứng giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thổi sức sống vào game, thì một số khác lại như "hoa lá cành" thêm vào cho có. Những hiệu ứng này gần như không có tác dụng tăng cường về mặt chất lượng hình ảnh, cho phép game thủ có thể tắt hay giảm xuống mức thấp nhất để tiết kiệm hiệu năng cho máy tính Tuy nhiên câu hỏi ở đây là những hiệu ứng nào được xếp vào hàng "vô dụng" như thế? Chúng ta nên để và giữ những hiệu ứng nào? Bạn đọc hãy cùng KenhTinGame tìm hiểu ngay sau đây: Shadow Shadow hay "bóng đổ" là những hiệu ứng cho phép game thủ thấy được bóng của nhân vật hay đồ vật trong màn chơi. Thiết lập càng cao thì bóng càng trở sắc nét và chân thật hơn. Tuy nhiên hãy thật với lòng mình, đẩy Shadow lên cao cũng chẳng khiến chất lượng hình ảnh nói chung được cải thiện là mấy. Mặt khác Shadow lại là một trong những hiệu ứng ngốn tài nguyên nhất trong game PC, vì thế đây sẽ là thứ mà bạn cần tắt/giảm đi nếu thấy máy mình có dấu hiệu ì ạch.

Motion Blur Motion Blur hay tạm dịch là "làm mờ chuyển động", vốn là hiệu ứng thấy nhiều trong các tựa game đua xe. Nó giúp mô phỏng lại phần ngoại cảnh xung quanh bị mờ đi do tốc độ di chuyển nhanh của người chơi hay xe cộ. Tuy nhiên trong các tựa game hành động hay bắn súng, hiệu ứng này được liệt vào hàng vô dụng nhất. Không những nó khiến nhiều người bị chóng mặt mà trong game hành động nó còn khiến hình ảnh thiếu sự rõ ràng, ảnh hưởng đến trải nghiệm chung. Chính vì thế, bạn nên tắt Motion Blur ngay khi có thể.

Depth of Field Lại thêm một hiệu ứng có cũng như không, gây cản trở nhiều hơn là tăng cường chất lượng hình ảnh. Về chức năng, Depth of Field bắt chước hiệu ứng máy ảnh đang ở chế độ focus, cho cảnh nền phía sau bị mờ đi trong khi vật thể trở nên rõ nét hơn. Mục tiêu của nó là tạo nên một trải nghiệm giống phim ảnh nhưng trên thực tế gần như vô dụng trong game. Ở một số tựa game, việc bật tắt Depth of Field gần như chẳng thể phân biệt bằng mắt người, trong khi với một số sản phẩm thiên về hành động, thì việc làm mờ cảnh nền còn cản trở tầm nhìn hơn nữa.

Dynamic Reflections Dynamic Reflections có chức năng chính là giúp các vật thể trong game phản chiếu hình ảnh lên những bề mặt gương như nước, kính hay kim loại. Nói chung nó tạo nên một trải nghiệm sống động hơn cho người chơi. Tuy nhiên tùy thuộc vào bối cảnh, hiệu ứng này chỉ mang tính "tình huống" thay vì hiện diện liên tục trước mắt game thủ. Trên hết, Dynamic Reflections còn hao tốn tái nguyên máy khá nhiều và thường là một trong những nguyên nhân gây giật lag, vốn cũng là yếu tố ảnh hưởng đến các game đấu mạng hay thiên về hành động. Ví như trong Overwatch, nếu tắt Dynamic Reflections bạn có thể cải thiện tốc độ khung hình của game từ 30 cho đến 50%.

SSAA Với những bạn đọc nào còn lạ lẫm thì khi hình ảnh 3D được tạo ra trên máy tính, chúng thường xuất hiện các răng cửa ở mép vật thể, cũng là nguyên do để các nhà phát triển thêm vào chức năng Anti Aliasing hay "Khử răng cưa". Có rất nhiều loại AA khác nhau, ví như FXAA với khả năng áp dụng một hiệu ứng "làm mềm" trên toàn bộ game, giúp triệt tiêu bớt răng cưa nhưng lại khiến mọi thứ mờ đi trông thấy; hay MSAA hoạt động bằng cách thêm một màu trung gian giữa cảnh nền và răng cưa của vật thể, từ đó tạo nên một cảm giác mượt mà hơn ở mép của mô hình.

Và tất nhiên chúng ta có SSAA hay Supersampling Anti-Aliasing, một trong những loại AA tốn tài nguyên máy tính nhất. Không giống như 2 loại phổ biến ở trên, SSAA bắt máy tính phải tạo nên khung hình ở độ phân giải cao hơn và thu hẹp nó về vừa với kích thước màn hình. Ví như bạn đang chơi game ở độ phân giải 1600x900 thì SSAA sẽ sinh ra một khung hình ở 1960 x 1080, từ đó tạo nên một hình ảnh rõ nét và bớt răng cưa hơn. SSAA là một trong những phương pháp AA hiệu quả nhất, nhưng cũng dễ dàng "hủy diệt" máy tính nhất vì trên thực tế máy bạn đang chạy ở độ phân giải cao hơn bình thường. Chính vì thế nếu máy tính bạn chỉ có cấu hình tầm trung thì nên cân nhắc tắt SSAA đầu tiên và chuyển sang sử dụng MSAA hoặc FXAA. Trong tương lai KenhTinGame sẽ liên tục có các bài hướng dẫn giúp game thủ chạy game mượt và tránh giật lag hơn. Vì thế các bạn nhớ đón đọc.