Ngành công nghiệp game hiện tại có quy mô lớn hơn cả phim và âm nhạc – hai ngành công nghiệp giải trí cổ điển – cộng lại, nhưng rất nhiều người vẫn khinh thường game và xem nó chỉ là một bộ môn giải trí “hạng hai”. Nhưng cái nhìn đó giờ đã lỗi thời, bởi Mọt đang có một số minh chứng cho thấy rằng khi là một game thủ hạng nặng, bạn sẽ có cơ hội tìm kiếm những công việc tốt đẹp hơn.
Lợi ích rõ ràng
Thật vậy, theo những số liệu mà Game Academy có được, những game thủ thích chơi những tựa game giải đố kiểu Portal hay thủ trụ như Defense Grid có lợi thế hơn hẳn khi làm việc trong ngành IT, bởi những trò chơi này dạy cho game thủ cách suy nghĩ logic và nhìn nhận vấn đề một cách hệ thống. Trong khi đó, những tựa game như Civilization, Total War hay X-Com thiên về yếu tố chiến thuật giúp tạo ra những nhân sự cấp cao có kỹ năng quản lý hiệu quả hơn bình thường. Những số liệu mà Game Academy có được từ việc phân tích thói quen của game thủ thông qua bảng thành tích chơi game của họ cho thấy điều đó, và tổ chức này thậm chí còn đưa ra những lớp huấn luyện các kỹ năng cần thiết cho công việc thông qua game.
Nếu bạn cảm thấy rằng chỉ dựa vào lời của một tổ chức như Game Academy là chưa đủ, hãy để Mọt nhờ đến quân đội Anh. Một người phát ngôn của Không quân Hoàng gia Anh nói rằng “khả năng kết hợp thông tin, phản ứng nhanh nhạy và phối hợp hành động trong khi giữ bình tĩnh dưới áp lực là những đặc tính của những game thủ giỏi”. Đó là những yêu cầu quan trọng cho nhiều vị trí trong không quân Anh, và lực lượng này từng bày tỏ họ muốn thử thuê game thủ vào những vị trí điều khiển máy bay không người lái Reaper trên chiến trường.
Trong khi đó, Ryan Gardner, một giám đốc khu vực của công ty “săn đầu người“ Hays Plc (Anh) nói rằng “có rất nhiều kỹ năng mềm mà game thủ có thể sử dụng trong môi trường chuyên nghiệp, chẳng hạn khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và lên kế hoạch chiến lược”. Theo ông Ryan, một thành tích tốt trong game hoàn toàn có thể được đưa vào bản CV xin việc của game thủ, chỉ cần bạn có thể liên kết thành tích đó với những kỹ năng cần thiết trong công việc của mình, hoặc làm cho nhà tuyển dụng thấy được tiềm năng của bạn.
Hay một minh chứng khác đến từ nghiên cứu của trường Đại học Glasgow công bố hồi tháng 5/2017. Nghiên cứu này kết luận rằng việc chơi game cải thiện kỹ năng giao tiếp, khả năng thích nghi và sự tháo vát cho game thủ. Nó thậm chí còn có ảnh hưởng tốt đến khả năng học tập của họ, bởi game tập cho người chơi khả năng suy nghĩ phản biện (critital thinking) và học hỏi từ kinh nghiệm (reflective learning). “Các tựa game hiện đại thường đòi hỏi game thủ phải biết thích nghi, biết tận dụng mọi thứ, và tìm ra nhiều cách để hoàn thành một nhiệm vụ. Cách mà chúng được thiết kế thường khuyến khích tư duy phản biện và học hỏi từ kinh nghiệm, thường được xem là những yếu tố được trông đợi từ các cử nhân,” nghiên cứu này kết luận.
Không nhiều game thủ biết được thế mạnh phát triển kỹ năng này, nhưng với những người biết, họ hiểu rõ lợi thế mình có. Matthew Ricci, sếp của một công ty ảo trong EVE Online với hàng trăm nhân viên nói đùa rằng bất kỳ ai chơi EVE Online đều có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Điều này có thể nghe khá lạ lùng với người ngoài nhưng hoàn toàn có lý với những ai biết đến tựa game “mô phỏng bảng tính Excel” này. Nền kinh tế trong EVE Online hoạt động dựa trên các quy tắc thị trường thực sự, và vì thế một game thủ có khả năng kiếm lời từ EVE Online thực sự biết cách kinh doanh. Bằng những kỹ năng có được từ việc điều hành công ty trong game, anh tái cấu trúc lại công ty Zentech Marketing của cha mình và biến nó thành một trong những công ty marketing lớn, đáng tin cậy mà các công ty nước ngoài muốn chinh phục thị trường Canada thường tìm đến.
Hay Mark Long, một nhà vật lý xạ trị với 12 năm kinh nghiệm tại bệnh viện công Surrey (Anh) nói rằng “hầu hết các game là những câu đố chờ được giải, và giải quyết câu đố là một phần lớn trong công việc của tôi.” Theo Mark, việc tạo ra các kế hoạch trị liệu cho bệnh nhân có thể được so sánh với việc ganh đua để đạt thành tích tốt nhất trong một trò chơi – anh cần phải tối ưu liều lượng phóng xạ và giảm thiểu ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh, và mỗi lần trị liệu là một giải pháp mới, khác biệt đôi chút để cải thiện kết quả, chẳng khác gì việc giành được một điểm số cao trong game.
Và một minh chứng nữa cho việc chơi game có lợi cho công việc là… chính bản thân tác giả. Nói chẳng phải khoe, Mọt tui đang làm công việc yêu thích của mình khi vừa được nhận game miễn phí từ các nhà phát hành, vừa được chơi và chia sẻ quan điểm về game với bạn đọc – những người có cùng sở thích với mình, dù đôi khi cũng hơi buồn vì bạn đọc chưa xem nội dung bài đã phán Mọt tui là “lều báo”.
Những cái “nhưng”
Dĩ nhiên là cho đến giờ phút này, thành kiến “game thủ = xấu” vẫn còn cắm rễ sâu trong rất nhiều người. Tiến sĩ Matthew Barr, một trong các tác giả của nghiên cứu trên hiện đang viết một quyển sách về đề tài này, và ông nói rằng “thành kiến đó sẽ dẫn đến việc tiết lộ bạn là một game thủ thường ảnh hưởng xấu đến cơ hội được nhận. Nhưng nếu một game thủ có thể thể hiện rõ ràng rằng mình đã dẫn dắt một nhóm người trong game như thế nào, họ có thể thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng đó là một kỹ năng hữu dụng cho công việc.”
Bên cạnh đó, việc chơi game một cách “casual” cũng thường không giúp ích gì cho việc phát triển kỹ năng làm việc, đặc biệt là khi bạn không suy nghĩ nhiều về những gì mình đang làm trong game. Ông David Barrie, đồng sáng lập Game Academy nói rằng các khóa học của họ được thiết kế để “hô biến” game thủ casual thành những người biết áp dụng kỹ năng từ game để phát triển công việc của họ. “Chúng tôi xem việc chơi game là một nguồn tài năng. Tại sao chúng ta không thể đưa các chiến thắng và thành tựu trong game vào CV của mình? Nếu nhà tuyển dụng muốn có khả năng lãnh đạo, tại sao tôi không thể chỉ ra rằng mình có nhiều năm kinh nghiệm dẫn đầu các cuộc raid trong World of Warcraft?”
Ông David nói rằng trong tình trạng hiện tại, game thủ sẽ vẫn phải “leo núi” khi đem kỹ năng chơi game của mình ra trước mắt nhà tuyển dụng. Thật vậy, quá nhiều người vẫn còn nghĩ rằng game là thứ giết thời gian vô bổ dành cho các cậu bé tuổi teen, rằng chỉ có một số rất ít người có thể sống được bằng những kỹ năng học từ game… Mọt tin chắc rằng những quan niệm này sẽ dần thay đổi trong tương lai, khi game thủ chúng ta lớn lên và thể hiện khả năng mình học được từ các trò chơi là có ích cho gia đình và xã hội.