Thống trị mọi giải thưởng cao quý nhất làng game trong giai đoạn 2016, phủ sóng truyền thông trên toàn cầu ở thời kỳ đỉnh cao, song rốt cuộc, Overwatch lại kết thúc sứ mệnh của mình với danh nghĩa “bom xịt” không hơn không kém.
TIN LIÊN QUAN
Vào ngày 3/10 vừa qua, Overwatch đã chính thức kết thúc hành trình kéo dài hơn nửa thập kỷ của mình. Tựa game này đã bị Blizzard khai tử để nhường chỗ cho Overwatch 2 – Một sản phẩm được giới thiệu là mang tới nhiều cải tiến đột phá so với người tiền nhiệm, và đặc biệt là hoàn toàn miễn phí.
Điều đáng nói là, sự ra đi của Overwatch dường như chỉ nhận lại thái độ thờ ơ của phần lớn cộng đồng game thủ, và đó là minh chứng cho thấy sự thụt lùi thê thảm về danh tiếng của siêu phẩm này ở thời điểm hiện tại. Càng chứng kiến sự lạnh nhạt của cộng đồng, những người yêu mến Overwatch lại càng có lý do để ngậm ngùi tiếc nuối cho một tựa game đã từng đứng trên đỉnh cao danh vọng trong quá khứ. Thậm chí, mỉa mai hơn, khi rất nhiều game thủ trên các diễn đàn game hiện tại, khi nhắc đến cái tên Overwatch, lại chỉ nhớ tới những sản phẩm… 18+ phiên bản fan-art của tựa game này.
Cho tới khi “đóng nắp quan tài”, hầu hết giới chuyên môn cũng như cộng đồng yêu game đều có thể khẳng định rằng Overwatch là một “bom xịt” đúng nghĩa, bất chấp những giải thưởng cao quý và những kỷ lục huy hoàng của nó trong quá khứ, tiêu biểu là giải thưởng ESports Game of the Year ,Game of the Year… tại The Game Awards 2016, Best eSports Game tại The Game Awards 2017 và The Game Awards 2018…
Vậy đâu là lý do khiến một siêu phẩm từng được ca tụng là “bước đột phá nhảy vọt” của làng game, giờ đây lại phải ra đi không kèn không trống chỉ sau chưa đầy 10 năm tồn tại?
Giá thành chưa phù hợp với giá trị mang lại
Thời điểm mới ra mắt, Overwatch có giá niêm yết là 909.000 đồng (40 USD). Đây là một mức giá thông thường đối với những tựa game AAA, tuy nhiên, phần lớn cộng đồng game thủ thời đó lại đánh giá đây là một con số quá đắt đỏ, so với những giá trị trải nghiệm mà Overwatch mang lại.
Đầu tiên, tựa game này là một sản phẩm Esports thuần tuý, tức là chỉ xoay quanh các chế độ chơi PvP. Thậm chí, các chế độ chơi trong Overwatch dù được phân thành khá nhiều thể loại, nhưng thực chất lại không hề đa dạng hay có sự khác biệt quá lớn nào với nhau. Một số chế độ chơi đặc biệt thì chỉ được mở giới hạn theo các sự kiện lớn trong năm. Điều này khiến cho Overwatch trở thành một sản phẩm quá đơn điệu về lối chơi, nếu so sánh với những tựa game trong cùng phân khúc giá.
Số lượng nhân vật, màn chơi trong Overwatch cũng tỷ lệ thuận với các chế độ chơi, nghĩa là rất hạn chế và ít được update, trong khi các gói vật phẩm đắt đỏ cũng không mang lại giá trị đột phá nào ngoài việc nâng cấp ngoại hình nhân vật hoặc giao diện game.
Game không hề có một chế độ chơi PvE nào, trong khi phần cốt truyện vốn được đánh giá rất cao. Đối với một sản phẩm Esports thuần tuý chỉ chú trọng vào các chế độ chơi PvP, việc bỏ ra gần 1 triệu VNĐ để mua Overwatch là điều khiến nhiều game thủ phải lắc đầu ngao ngán.
Đối thủ cạnh tranh quá gay gắt
Overwatch là lá cờ đầu cho trào lưu MOBA-FPS trên thế giới, và tương tự như PUBG sau này, ngay sau khi Overwatch ra mắt, thế giới cũng chứng kiến vô số các sản phẩm “ăn theo”. Và quá đen cho Blizzard, khi các phiên bản “hàng nhái” của Overwatch thậm chí còn được đánh giá là chất lượng hơn cả bản gốc, và quan trọng là hầu hết chúng đều miễn phí. Điển hình có thể kể đến như Paladins.
Về mọi khía cạnh, Paladins đều sở hữu nội tại đủ sức đánh bật Overwatch trên thị trường: Cấu hình đòi hỏi thấp hơn rất nhiều so với Overwatch, đồ hoạ có nhiều hạn chế nhưng lại được khắc phục bằng phong cách thiết kế nhân vật đặc sắc, mang nhiều chất riêng. Chế độ chơi và hệ thống nhân vật được cập nhật, nâng cấp liên tục, và tính cân bằng trong meta game cũng tối ưu hơn. Quan trọng hơn nữa, phải nhắc lại lần thứ 2, đó là nó hoàn toàn miễn phí.
Trong khi Blizzard vẫn bảo thủ với tư duy “game thượng đẳng” của mình, thì Paladins thậm chí đã tiến một bước dài, và chiếm lĩnh rất nhiều thị trường chủ chốt. Có chăng, nếu để tìm một điểm hiếm hoi mà Overwatch vượt trội hơn so với kẻ sao chép của mình, thì đó chỉ là hệ thống giải đấu Esports mà thôi. Còn đối với phần lớn game thủ, khi so sánh việc bỏ ra gần 1 triệu đồng để chơi một tựa game cấu hình nặng nhưng lối chơi đơn điệu, so với việc được chơi miễn phí một tựa game khác cùng thể loại, chỉ khác biệt về đồ hoạ, thì phần lớn đều sẽ lựa chọn phương án thứ 2.
Lối chơi “nửa nạc nửa mỡ”
Như đã đề cập, Overwatch là một trong những sản phẩm “tiên phong” trong việc thúc đẩy trào lưu game MOBA-FPS phát triển trên thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách kỹ lưỡng, thì hoá ra, chính Overwatch lại mắc phải một sai lầm chí tử, đó là hội tụ đầy đủ những… nhược điểm của 2 thể loại game kể trên.
Nếu trên phương diện của một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất, Overwatch từng bị cộng đồng fan FPS mỉa mai vì lối chơi không có một chút yếu tố bắn súng nào. Những món vũ khí của các anh hùng trong game tỏ ra khá vô dụng khi sử dụng những đòn tấn công thông thường, nhân vật thì sở hữu lượng máu quá trâu bò để có thể bị kết liễu chỉ sau một vài pha đấu súng, trong khi cục diện trận đấu lại phụ thuộc hoàn toàn vào bộ kỹ năng của các nhân vật.
Điều này đi ngược lại hoàn toàn so với lối chơi truyền thống của dòng game FPS: Thể loại game đòi hỏi phản xạ chớp nhoáng, đòi hỏi sự tập trung cao độ từ người chơi.
Còn xét trên khía cạnh của một tựa game MOBA, yếu tố chiến thuật gần như bị triệt tiêu hoàn toàn, bởi dưới góc nhìn thứ nhất, game thủ không thể bao quát được cục diện trận đấu, như cái cách mà người chơi Dota 2 hay LMHT có thể thực hiện với góc nhìn từ trên cao. Góc nhìn FPS của Overwatch cũng khiến những người chơi vốn đã quen với góc máy cố định của Dota 2 hay LMHT khó lòng thích nghi. Không những vậy, số lượng anh hùng và các chế độ chơi trong Overwatch thực sự là quá ít ỏi so với tiêu chuẩn của một tựa game MOBA, khiến tựa game này khó lòng mang tới những trải nghiệm mới mẻ cho người chơi trong một khoảng thời gian dài.
Sự thoái trào của Blizzard
Overwatch thực tế đã có một bước khởi đầu vô cùng thuận lợi. Thậm chí, những yếu điểm kể trên cũng hoàn toàn có thể được khắc phục, khi mà danh tiếng cũng như mức độ phủ sóng của tựa game này trong giai đoạn 2016 – 2018 là cực kỳ lớn. Tuy nhiên, những chính sách bảo thủ và sai lầm của Blizzard đã dần đẩy Overwatch vào một tình cảnh không thể cứu vãn. Kể từ sau năm 2018, cùng với sự ra đời của trào lưu “bắn súng chạy bo”, với PUBG là tiêu điểm, thì Overwatch cùng thể loại MOBA-FPS gần như đã bị kết án tử.
Có thể nói, bản thân Overwatch không phải là một tựa game tệ, nhưng nó cũng không hẳn là một sản phẩm xuất sắc, như cái cách mà nó được ca tụng thông qua những giải thưởng danh giá. Để rồi rốt cuộc, siêu phẩm đình đám số 1 thế giới game ngày nào, giờ đây lại đi vào dĩ vãng một cách đầy ngang trái và trớ trêu, khi cái tên Overwatch thậm chí còn được biết tới trên các web phim người lớn, nhiều hơn cả trong cộng đồng game.