Nhìn lịch học và quyết tâm của nam sinh này chỉ có thể dành chữ khâm phục nhưng cũng khiến người ngoài “toát mồ hôi”.
Ở Trung Quốc, việc học luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là đối với những gia đình khó khăn thì học tập là con đường tiến thân duy nhất giúp họ vượt cảnh nghèo khó. Điển hình như chàng nam sinh có tên Zhu Zheng, học sinh trường trung học số 11 Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc trong bài viết này. Anh đã trở thành nguồn cảm hứng sau khi lịch học “khủng khiếp” của anh trong kỳ nghỉ đông được giáo viên đưa lên MXH.
Thời điểm tháng 9, Zhu giành giải nhất cuộc thi Toán quốc gia, được đề nghị tham gia khóa đào tạo chuyên sâu tại Đại học Thanh Hoa danh giá ở Bắc Kinh. Nam sinh này cũng là người duy nhất mặc đồ cũ của trường trung học, lý do là vì Zhu Zheng đã hứa không mua đồ mới trong 1 năm để tiết kiệm tiền cho cha mẹ.
Zhu dành 17 tiếng mỗi ngày để học và không hề có kỳ nghỉ thực sự. Lịch học của Zhu sẽ bắt đầu vào 6h40 và kết thúc vào 23h50. Trong ngày, em tham gia các lớp Toán ngoại khóa và dành thời gian ôn tập những môn học khác. Ngoài ra, Zhu còn viết vô số những lời tự động viên bản thân trong lịch học, như “Cuộc sống không có kỳ nghỉ đông hay nghỉ hè. Không có thành công đến muộn mà là bạn không đủ cứng rắn với bản thân” hay “tự giác, tự tiến bộ”, “hiểu các ghi chú, không sao chép” và “không bao giờ chạm vào điện thoại di động”.
Thực tế, việc Zhu cố hết sức như vậy cũng là dễ hiểu khi sắp tới, em sẽ tham dự kỳ thi Gaokao (kỳ thi tuyển sinh Đại học toàn quốc của Trung Quốc) – kỳ thi được đánh giá khó nhất thế giới. Gaokao không chỉ giúp xác định ngôi trường mỗi sĩ tử theo học mà còn được cho là xác định cả nghề nghiệp và mức lương trong tương lai.
Theo giáo viên của Zhu, cả nhà nam sinh đều rất nghèo khó, và chính bản thân Zhu, dù học vất vả như vậy nhưng cũng sống rất đạm bạc: “Em sống rất đạm bạc, chỉ ăn một bát cháo và một chiếc bánh bao cho bữa sáng, bữa trưa giá không quá 4 nhân dân tệ (khoảng 14.000 đồng)”.
Chứng kiến lịch học và sinh hoạt của Zhu, càng thấm hơn sự khó khăn, khắc nghiệt của nền giáo dục Trung Quốc và càng hiểu rõ hơn lý do mà các học sinh nước này quyết tâm như vậy trong kỳ thi Gaokao. Đó không chỉ đơn thuần là kỳ thi, mà là con đường duy nhất dẫn đến thành công, dẫn đến cơ hội đổi đời cho những học sinh xuất thân từ hoàn cảnh nghèo khó.