Trong thời buổi đói kém thương hiệu mới của ngày nay, các bộ manga đang bị khai thác cực mạnh để làm nên rất nhiều tựa game ăn theo nhằm thu hút cộng đồng. Các bộ kinh điển có thể kể ra như Dragon Ball, Bleach, Naruto, One Piece… Có thể nói những năm qua chưa bao giờ thị trường game lại khát anime/manga Nhật để chuyển thể game như thế. Tuy nhiên chú mèo máy Doraemon dường như nằm ngoài cơn sốt này mặc dù bộ truyện có thể nói là không kém cạnh gì về độ nổi tiếng.
Mọt Leo Cây tui chợt nghĩ đến điều này từ hồi chơi và đánh giá con game Doraemon Story of Seasons. Và tất nhiên, Mọt lại lọ mọ đi tìm câu trả lời cho điều này để cùng bàn với bà con tại đây.
Game về Doraemon chỉ hiếm bên ngoài Nhật Bản
Mọt tui lò dò đi tìm danh sách các game Doraemon từng được sản xuất và… té ngửa khi có đến hơn 60 game khác nhau được sản xuất dài từ những năm 1983 tới nay. Tuy nhiên các tựa game này hầu hết là bản tiếng Nhật và sản xuất riêng cho thị trường nội địa.
Những game này có rất nhiều thể loại từ nhập vai cho tới đua xe Kart, từ hệ máy cổ đại chạy bằng cassette (Super Cassette Vision) cho đến Nintendo Switch và Android/iOS. Lý do chính mà game thủ Việt chúng ta ít thấy và tiếp xúc với những game này là chúng hầu hết nằm ở các hệ máy ít phổ biến tại Việt Nam như Nintendo DS, Gamecube, Nintendo 64, Gameboy.
Kết hợp cả 2 yếu tố ngôn ngữ và hệ máy ít phổ biến lại, chúng ta có một nguyên nhân rất rõ ràng cho việc game thủ Việt ít nhìn thấy các game về Doraemon. Nhưng tại sao đến 60 game về chú mèo máy mà lại quá ít bản tiếng Anh cho thị trường phương Tây?
Phương Tây không chuộng mèo máy?
Nguyên nhân của việc quá ít bản tiếng Anh trong kho game đồ sộ nói về Doraemon chính là từ bộ truyện gốc vốn chẳng được giới trẻ phương Tây biết đến. Có rất nhiều câu hỏi thắc mắc về việc tại sao chú mèo máy này quá nổi tại châu Á nhưng ở châu Âu và Mỹ hầu như không ai biết đến sự tồn tại của nhân vật này.
Câu trả lời thường là do Doraemon tiếp cận thị trường phương Tây quá trễ khiến cho thời điểm vàng để nổi danh trôi qua. Manga Doraemon bắt đầu phát hành năm 1970 nhưng không được mang đến phương Tây mà thay vào đó là lan truyền sang các nước châu Á. Đến khi được phổ biến sang phương Tây thì nhóm đối tượng chính đã tiếp cận với công nghệ mới hấp dẫn hơn nên không còn mặn mà.
Một điều nữa là đặc tính nội dung của Doraemon không phù hợp với sở thích của độc giả phương Tây. Trong khi đặc tính truyện ngắn và nội dung đơn giản dành cho trẻ em chinh phục độc giả châu Á thì người xem Âu – Mỹ lại thích kiểu truyện tranh già dặn, đen tối và có pha chút bạo lực (như truyện tranh siêu anh hùng DC/Marvel). Chính sự lệch pha này khiến các nhà xuất bản không mặn mà trong việc bê cả series khổng lồ hơn 1000 tập truyện của Doaremon sang thị trường phương Tây trong khi khả năng thành công lại khá thấp.
Một điều nữa là văn hóa và ngôn ngữ sử dụng trong Doraemon quá khó để dịch nguyên bản ra tiếng Anh. Lưu ý điều khoản “dịch như bản gốc” thường được các nhà xuất bản Nhật xem là bắt buộc trong hợp đồng khi bán bản quyền ra hải ngoại. Tức là phải dịch sát nghĩa nhất có thể, không được chế lại hay làm khác đi để né tránh ý nghĩa.
Trong khi đó bộ Dragon Ball ra mắt vào thập niên 80 lại phổ biến nhờ vào đánh đúng khẩu vị độc giả phương Tây. Và nếu bạn xem kỹ thì các bộ manga khác phổ biến tại thị trường khó tính này cũng đều mang các đặc điểm như đen tối, bạo lực, triết lý già dặn hoặc bi kịch.
Chơi được game Doraemon nào tại Việt Nam?
Nói là hiếm chứ thực sự không phải không có game về Doraemon có thể chơi tại Việt Nam. Đầu tiên, như Mọt nhắc ở trên đó là Doraemon Story of Seasons. Đây là một tựa game dựa trên nền của Harvest Moon: Story of Seasons và lồng ghép một cuộc phiêu lưu dạng truyện dài của nhóm bạn Doraemon – Nobita. Bạn sẽ trải qua cuộc phiêu lưu trồng trọt làm nông kiểu Harvest Moon trong vai Nobita đồng thời đi tìm các món bảo bối bị thất lạc của Doraemon giúp đưa cả nhóm trở về nhà.
Game thứ 2 không “chính chủ” nhưng cũng khá nổi một thời trong cộng đồng game Việt, đó là Nobihazard. Game này được tạo bởi chương trình RPG Maker dựa trên bộ truyện do fan vẽ có cùng tên. Bộ truyện và game này kết hợp thế giới Doraemon và thảm họa zombie, nhiều chi tiết được lấy cảm hứng từ Resident Evil (thế nên mới có cái tên Nobihazard).
" alt=""
Ngoài ra bạn cũng có thể tìm một vài game trên nền tảng Android/iOS có thể tải về từ Store Việt Nam (không bị cấm vùng miền) như:
- Doraemon Repair Shop Seasons
- Doraemon MusicPad
- Doraemon Gadget Rush
Kết
Nhìn chung, Doraemon rất phổ biến tại thị trường Châu Á tuy nhiên nó không quá nổi tiếng tại phương Tây. Chính vì vậy hầu hết game về chú mèo máy này đều được làm riêng cho thị trường Nhật Bản và không có bản tiếng Anh cho Âu – Mỹ. Điều này khiến những game thủ ngay tại châu Á và Việt Nam không thể tiếp cận được với những video game này, trừ khi bạn biết tiếng Nhật.
Tuy vậy, thời gian gần đây sự chú ý của làng game với chú mèo máy Doraemon có vẻ đang tăng lên, bằng chứng là Doraemon Story of Seasons được phát hành có hỗ trợ tiếng Anh. Nó thắp lên một tia hy vọng về những tựa game về chú mèo máy trong tương lai sẽ đến được với game thủ Việt.