Cả bầy thức giấc khi nước dâng lên chạm đến lưng, cũng là lúc trời vừa hửng sáng. Bão tan, nước vẫn dâng lên nhưng chậm rãi, chỉ còn một ít mưa lất phất tô điểm thêm cho màu nắng nhạt nhòa soi lấp lánh giữa một vùng nước ngập mênh mông.
Cả bầy ngồi dậy dụi mắt, ngỡ như tối qua chỉ là mơ. Nhưng tôi thì không muốn để mọi chuyện mập mờ như thế. Tôi bàn với thằng Huy trèo lên gác xem xét.
Cả hai thằng ho sù sụ như thể bị lao mãn tính. Gác đóng lớp bụi dày cộp không biết đã bao nhiêu năm dồn lại, mùi bụi bặm cộng với mùi ẩm mốc xộc thẳng lên tận óc đến khó chịu. Một đống rác do lũ chuột tha lên, gặm nham nhở nằm tứ tung khắp các phía. Dường như chẳng có ai leo lên đây ngoài chúng tôi, ít nhất là trong vài năm trở lại đây. Thằng Huy vừa che miệng vừa làu bàu:
– Có lúc mô hôm qua mi nhìn nhầm mắt chuột không? Tau nghe nói mắt chuột cũng đỏ lắm.
– Chuột cái đầu mi. Có con chuột mô mắt bự như rứa không. Có thì cũng là chuột thành tinh!
Chúng tôi đang lục đục trèo xuống thì anh chủ quán tới, anh ngạc nhiên khi nhìn thấy hai đứa tôi mình mẩy dính đầy những bụi bặm bẩn rình và tóc thì quấn đầy những mạng nhện chi chít.
– Nước cao lắm à? Lên đó ngủ hả?
– Ngủ cái thằng cha anh! Ngồi xuống đây kể cho mà nghe này!
Rồi chúng tôi thuật lại câu chuyện kinh hãi vừa xảy ra tối qua. Anh chủ quán ngồi chăm chú nghe, gương mặt anh đều đều, không sợ hãi, cũng không ngạc nhiên. Dường như đây là chuyện mà anh biết rằng trước sau gì cũng xảy ra.
– Mấy nay thằng Hin có ra thắp hương không?
– Thằng cứt nhác như quỷ! Tụi em muốn uống nước còn phải tự đi lấy.
– Bỏ mẹ rồi!
Cả bầy ngớ người ra.
– Mấy đứa biết vì răng anh cứ phải một hai đi kiện mụ Sen không?
– Che hết mặt trời chói qua tim cha chi? – Thằng Trung lẻo mép.
– Cái nớ thì anh đục một lỗ làm giếng trời thôi chứ rảnh quá đi kiện chi cho cực thân!
Ngớ người lần hai. Vậy là anh rít một hơi thuốc, kể cho chúng tôi nghe những chuyện xưa cũ tưởng chừng như đã trôi theo những dòng lũ suốt mấy chục năm qua.
Giữa những mùa bom đạn mù trời ngày ấy, xóm này vốn là một vùng ngầm nuôi bộ đội, nhà chị Miên là nơi che chở cho năm anh lính đặc công. Chị Miên có một đứa con trai tầm mười tuổi, gầy gò nhưng khôn khéo, mồm mép liến thoắng nên rất được người trong xóm thương. Chồng chị ra chiến trường rồi hy sinh khi thằng Tin còn đỏ hỏn, suốt ngày nằm vạ vật trong cái thau khóc o e giữa những những trưa hè nắng gắt dưới bến sông Đập Đá. Chị Miên đi giặt áo quần thuê để kiếm sống, nào giặt xong sớm lại tranh thủ mò chút ốc chút cá ở sông để trang trải qua ngày, hôm nào được gia chủ thương thì họ lại cho ít cơm thịt về ăn cho có sữa cho con bú. Cuộc sống của chị cứ thế trôi qua, cho đến ngày năm anh lính đặc công đến xóm, chị không chần chừ nhận họ về nhà mình mặc cho những cái nhìn ái ngại của hàng xóm dành cho thằng cu Tin.
– Cu Tin, mấy chú đi mô hết cả rồi?
– Chú Linh với chú Mỹ vừa đi ra ao cá…
Chị Miên vung cây roi mây, quất thật mạnh vào người thằng Tin. Thằng tin giật bắn người, hét lên một tiếng đau đớn.
– Mẹ hỏi lại, bộ đội đi mô rồi?
– Chú Linh… hức… ở ao cá.
Chị lại quất thêm hai phát vào đùi thằng bé, Tin khuỵu xuống, quằn quại khóc:
– Con nói thiệt… đau… con không nói láo
– Chú Linh là ai? Chú Mỹ là ai? Nhà ni làm chi có đàn ông?
Vừa nói chị vừa vung những làn roi dứt khoát lên người thằng bé, thằng Tin co người như con sâu chiếu bị dí đuôi, nấc lên những tiếng mệt nhọc.
– Mẹ hỏi lại: Bộ đội trốn ở đâu?
– Nhà mình… có hai… mẹ con thôi
Chị ôm con vào lòng, khóc nức nở:
– Cu Tin giỏi lắm, nhà mình chỉ có hai mẹ con thôi, ba con chết ngoài chiến trường rồi, con nhớ chưa!
– Dạ… con nhớ!
Chị luộc hai quả trứng gà, lăn lên những vết bầm máu đương nổi lên đỏ ngắt. Thằng Tin vẫn khóc vạ vật, đau đớn nhưng không trách mẹ nửa lời khi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của mẹ. Nó vẫn chưa hiểu gì, nhưng nó không muốn mẹ khóc.
Chị Miên không chỉ tự mình dạy con, chị còn nhờ cả hàng xóm dò hỏi cu Tin về tin tức bộ đội bằng đủ cách: từ ngọt nhẹ, cho kẹo cho đến hù dọa. Mỗi khi thằng bé lỡ mồm nói về điều gì, chị đều phạt đánh hoặc quỳ ở góc tường, lẩm bẩm câu “Nhà con chỉ có hai mẹ con”.
Dần dà, thằng Tin học được cách kín mồm trước mọi tình huống và dường như hiểu được “trách nhiệm” của gia đình. Nó luôn chú ý cửa nẻo, tự cầm chổi quét đất búa xua để xua đi những vết chân mà bộ đội đi về trong nhà, thậm chí những hôm trời mưa, nó còn làm ướt giày rồi giẫm quanh nhà xóa dấu, phòng khi “mấy thằng cục súc” bất ngờ xông vào.
Nhà chỉ có hai mẹ con, thằng con thì còn nhỏ, mặt lại ngờ nghệch, trong nhà cũng chẳng có đàn ông, nên mấy thằng lính cũng không chú ý lắm. Nuôi thằng con dại đã cực rồi, ai hơi đâu ôm đồm thêm Việt Cộng, mà nuôi thì chả mấy chốc hỏi vài câu thì thằng con lại phụt ra hết. Chúng nghĩ vậy nên cũng chỉ qua loa nhà chị lấy lệ để khỏi bị nhờn mặt. Nhưng nhiều lần rượt bộ đội không thành, lùng sục khắp xóm cũng không ra, chúng không thể không nghi ngờ nhà chị, bởi chỉ có nhà chị là chưa bao giờ soát, chỉ có vào dằn mặt hỏi, dù rằng lúc nào thằng cu cũng dứt khoát bảo không dù có bị chĩa súng vào mặt.
Chúng để ý nhà chị nhiều hơn, nhưng chị nào sợ. Cu Tin được mẹ dạy cũng không cảm thấy lúng túng sợ sệt gì.
Một buổi sáng, chị ra đập giặt áo quần sớm, mò được mớ ốc, bán vội được ít tiền. Chị biết các anh thích ăn khoai, bèn ra chợ sớm mua nùi khoai về luộc sẵn, chờ các anh trinh sát về. Nồi khoai chín thơm phưng phức, nước vẫn còn đang sôi ùng ục, tỏa hơi cả một góc bếp. Chị bê nồi khoai lên bàn, định bụng để lại cho thằng Tin hai củ, còn lại sẽ mời các anh ăn hết. Anh Mỹ tác chiến về, không biết đã đi đến tận đâu mà cả người ướt sũng, bước chân đi nhóp nhép như con chuột bị dính mưa. Chị phì cười vì bộ dạng đó. Bỗng có tiếng đập cửa, quát tháo inh ỏi. Chị nghe tiếng súng đập mạnh vào cửa. Chưa kịp nói gì thì chúng đã ùa vào nhà, chị chỉ kịp đẩy chiếc ghế đẩu cho anh Mỹ đu lên trần nhà. Thằng chỉ huy quát lớn:
– Con mẹ Miên, muốn sống thì giao Việt Cộng ra đây không tao bắn nát đầu hai mẹ con!
Chị tỉnh bơ:
– Mấy chú nói chi lạ, nhà tui mẹ đơn con chiếc, ăn còn không đủ lấy mô ra nuôi giấu Việt Cộng.
– Chà, gái một con, nhà không có đàn ông cũng khổ ha. Không lẽ ở được vậy mãi? – Thằng chỉ huy cợt nhả, khóe môi hắn xách lên như xuyên thấu vào tim gan của chị. – Giờ giao ra hay để tao cho thằng con ăn “kẹo”?
Chị vờ như không nghe thấy, tay đẩy nhẹ chiếc ghế về chỗ cũ, len lén nhìn vào chỗ anh Mỹ nấp. Trời ơi, cây cột anh Mỹ đu lên nước chảy ròng ròng, thấm ướt cả một vạt đất ngay dưới.
Ôi mạ ơi, lần này thì lộ hết rồi.
(Còn tiếp)