Ở Trung Quốc, Esports là 1 ngành "công nghiệp không khói". Không chỉ phát triển mà Esports tại đây còn được xem như 1 nghề thực sự mà rất, rất nhiều thanh thiếu niên mong muốn được làm. Những tuyển thủ chuyên nghiệp tại Trung Quốc, từ Liên Minh Huyền Thoại đến các game như DOTA 2 cũng đã từng xảy ra việc bán độ. Nhưng LMHT thì các vụ án này nổi bật hơn. Đơn giản, LMHT là tựa game "quốc dân" và ở Trung Quốc, đây là môn Esports hàng đầu.
Từ những vụ bán độ ở cả giải lớn lẫn giải nhỏ
Hồi tháng 03/2020, cả LPL rúng động khi WeiYan - người đi rừng của Rogue Warriors (tiền thân của Anyone's Legend) bị phát hiện bán độ. Riot Trung Quốc và Ban quản lý Kỷ luật giải đấu LMHT chuyên nghiệp của LPL đã quyết định xử phạt WeiYan: cấm thi đấu 24 tháng, từ 27/3/2020 - 27/03/2022. Sự nghiệp của tuyển thủ này xem như kết thúc và trước đó, RW cũng đã thanh lý hợp đồng khi WeiYan chỉ mới ở dạng tình nghi.
WeiYan - cựu rừng của Rogue Warriors tiêu tan sự nghiệp vì bán độ
Vào tháng 12/2020, đến lượt tuyển thủ Huanfeng khiến các fan của anh chàng nói riêng, của LPL và LMHT thế giới nói chung không khỏi sửng sốt khi vạ miệng về việc anh sẽ không ngại bán độ, miễn là được trả giá hợp lý. Dù Angel (người trò chuyện với Huanfeng khi đó) liên tục ngăn cản, nhưng Huanfeng thì lại vô cùng dửng dưng và cho rằng bán độ khi được giá là chuyện đương nhiên. Dẫu rằng có thể Huanfeng không bao giờ bán độ hay những việc tương tự, nhưng thái độ xem chuyện gian lận, bán độ là việc bình thường thì thực sự đáng lo ngại.
Huanfeng từng trò chuyện và nhắc về bán độ như là lẽ đương nhiên và bản thân anh chàng cũng không ngại làm vậy nếu được giá
Đến Mùa Xuân 2021, một sự việc nữa liên quan đến bán độ bị phanh phui và lần này là ở nội bộ nhà vô địch CKTG 2019 - FunPlus Phoenix. Cụ thể, tuyển thủ đi rừng Bo đã tự thú chuyện bán độ khi còn thi đấu ở LDL - giải hạng 2 xứ Trung. Tuy rằng Bo đã thành tâm khai nhận nhưng anh cũng đã "dính chàm". Án phạt cho Bo là 4 tháng nhưng sự nghiệp của Bo tại LPL đã kết thúc từ đó. Dù rất tiềm năng nhưng với khán giả xứ Trung, 1 tuyển thủ Esports bán độ thì không bao giờ được tha thứ.
Bo cũng nhận cái kết đắng vì bán độ
Rồi mới đây, 1 giải đấu thậm chí chỉ mang tính giải trí, trình diễn, tổng duyệt quân lần cuối của các đội LPL, LDL là Demacia Cup cũng dính bán độ. Một đội do 1 streamer là Mangofish (boy-one-champ Fizz nổi tiếng thế giới) lập ra để tham gia giải này thì có 4/5 tuyển thủ, trừ chính Mangofish, tham gia bán độ. Sự việc chỉ bị bại lộ khi 1 trong 4 người này còn có 1 nhóm chat dàn xếp tỷ số riêng và bị 3 người còn lại chửi bới, tố cáo.
Mới đây, đến lượt 1 giải mang tính trình diễn như Demacia Cup cũng dính phốt bán độ, dàn xếp tỷ số
Tác dụng phụ của một nền thể thao điện tử cực thịnh
Một dân mạng ở LPL đã từng đặt câu hỏi: "Nếu là bạn, bạn có bán độ không?" trên MXH Weibo và bất ngờ, không ít khán giả cho rằng, "chỉ cần được giá là được". Như đã nói ở trên, ở Trung Quốc, Esports hay LMHT là 1 ngành công nghiệp. Và khi đã là 1 công việc thì chắc chắn, đối với những tuyển thủ - những nhân viên, điều quan trọng là lợi nhuận, thu nhập từ công việc đó.
Đây là tựa game yêu thích của tôi, ước nguyện của tôi là được chiến đấu hết mình vì nó. Muốn bán độ thì tăng giá đi
Nếu đang cần tiền thì bán độ cũng được
Ở LPL, tiền tài, danh vọng chỉ có khi tuyển thủ đó, đội tuyển đó có danh hiệu. Nhưng, có 1 sự thật: không phải tuyển thủ nào ở top team hay đội có lực mạnh là đều được đối xử ngang nhau. Điển hình như RNG, thì không phải tuyển thủ nào của họ cũng có cuộc sống tốt sau khi giải nghệ. Điển hình là trường hợp của Mlxg. Cựu rừng của RNG thậm chí không đủ tiền để mở 1 quán thịt nướng như mong muốn và sống trong cảnh nghèo khó.
Không phải cứ ở top team là có kết cục tốt đẹp, Mlxg là ví dụ
Từ đó, câu hỏi là: những tuyển thủ kém tiếng hơn hay ở những đội yếu sẽ sống như thế nào với số tiền ít ỏi kiếm được? Dù một số vẫn sẽ chọn cách cố gắng và tìm con đường mới, thì cũng có những tuyển thủ sẵn sàng "nhúng chàm" vì ma lực quá lớn của đồng tiền.
Ở một nơi mà Esports được xem như ngành công nghiệp, thì cũng sẽ có những kẻ trục lợi bất chính trên chính ngành công nghiệp này. Đa phần các tuyển thủ đều là những người trẻ, thiếu kinh nghiệm sống do thời gian của họ gắn liền với tập luyện và thi đấu. Bản lĩnh đương đầu với những cám dỗ cũng gần như bằng 0, nhất là với những tuyển thủ ở các đội nhỏ, giải nhỏ.
Việc 1 tuyển thủ bán độ, tức là họ đặt cược sự nghiệp của mình. Và có lẽ, đến khi nhận án phạt và cảm nhận được sự nghiệp của mình đã tan vỡ, thì các tuyển thủ này mới hối hận cũng đã muộn màng. Cuối cùng, nạn nhân của những sự việc gian lận, trục lợi bất chính đối với ngành công nghiệp Esports nói chung và LMHT nói riêng, cũng chỉ có các tuyển thủ mà thôi.
Về phần những người đứng đầu, nhiệm vụ hàng đầu là cố gắng tạo ra 1 môi trường Esports cạnh tranh lành mạnh cũng như tạo điều kiện tối đa để bất kỳ tuyển thủ nào cũng có thể sống được với nghề cũng như quan tâm sâu sát hơn đến các tuyển thủ, nhất là những người trẻ. Chỉ có vậy, mới có thể có hy vọng dẹp yên nạn bán độ - "bóng ma" đè nặng lên Esports hay LMHT nói riêng và lên thể thao thế giới nói chung.