Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến ngành thể thao điện tử như thế nào?

Không thể phủ nhận những tác động lớn từ đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona (COVID-19) gây ra cho mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực thể thao điện tử.

Virus COVID-19 (Coronavirus) lần đầu tiên được phát hiện tại một khu chợ buôn bán động vật hoang dã tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Loại virus này nhanh chóng lây lan trong cộng đồng, truyền từ người sang người gây nên bệnh viêm phổi cấp, suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Kể từ thời điểm bùng phát cuối tháng 12/2019 cho đến nay tình hình vẫn diễn biến phức tạp khi lây lan tới nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng sự ổn định của an sinh, đời sống cũng như lĩnh vực khác như thể thao điện tử.

Là một trong những ngành quan trọng hàng đầu của thế giới game, eSports được xem là linh hồn phản ánh nhịp sống, nhịp chuyển động của ngành Gaming. Thể thao điện tử mang đến sự thúc đẩy cho nền kinh tế, sự gắn kết cộng đồng những người chung đam mê và là nơi tìm kiếm phát triển tài năng trẻ. Bằng chứng là lĩnh vực này đã trở thành một trong những nội dung thi đấu tại kỳ SEA Games 30 vừa qua với các bộ môn là Dota 2, Starcraft II, Hearthstone, Tekken 7, Arena of Valor (Liên Quân Mobile), Mobile Legends: Bang Bang. Đứng trước tình hình khó khăn của đại dịch COVID-19, ngành eSports đầu năm 2020 cũng bị chao đảo và chịu những ảnh hưởng rõ nét.

Đầu tiên có thể thấy là hàng loạt giải đấu lớn đều bị hủy bỏ trước sự lây lan nhanh chóng của virus và sự lo ngại của giới chức về việc tổ chức sự kiện đông người. Các giải đấu eSports về Overwatch, CS:GO vốn dĩ diễn ra tại Trung Quốc nhưng đều phải chuyển sang Hàn Quốc. Ngay bản thân giải đấu tầm cỡ của PUBG – PUBG Global Series Berlin – dự kiến diễn ra tại Đức vào tháng 03 song cũng phải hoãn lại. Những sự kiện eSports tầm cỡ nói trên là khoản đầu tư khổng lồ về kinh phí, địa điểm, truyền thông kết nối. Đó sẽ là một tổn thất đáng kể khi các sự kiện phải hoãn hoặc hủy bỏ vì dịch bệnh Corona!

Gần như là một hệ lụy có tính lan truyền khi các sự kiện thể thao điện tử lớn trong năm 2020 không diễn ra theo đúng dự kiến. Ban tổ chức, các nhà tài trợ, KOLs, caster, streamer cho đến game thủ (vận động viên) đều không thể tham gia vào “bữa tiệc” đó. Điều này ảnh hưởng đến tài chính, lớn hơn là tâm lý cho nhóm người có liên quan mật thiết đến sự kiện đó. Virus Corona bỗng làm họ trở nên “xa rời” nhau khi không hội ngộ trong một sự kiện sôi động… Mặt khác phải kể đến người hâm mộ không thể tới cổ vũ, gặp gỡ và chứng kế thần tượng, đội yêu thích thi đấu cũng trở nên chán nản, tiếc nuối. Tất cả là hiệu ứng tâm lý không tốt!

Dịch virus Vũ Hán còn có tác động gián tiếp song khá mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết bị chơi game (Gaming Gear). Thị trường Trung Quốc vốn là “công xưởng” của các nhà đầu tư sản xuất thiết bị chơi game. Huawei, Xiaomi, Oppo cho đến công ty nước ngoài như Apple, Nintendo… đều là các “ông lớn” trong ngành sản xuất điện thoại, máy tính, console, phụ kiện chơi game… cũng phải lao đao vì dịch bệnh Vũ Hán. Gần như các hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm đều bị đình trệ. Năm nay chắc chắn sẽ thiếu nguồn cung thiết bị tay cầm Switch của Nintendo do ảnh hưởng của đại dịch, thông báo từ nhà phát triển cho hay. Và còn nhiều ảnh hưởng lớn nhỏ khác nữa đã xảy ra hoặc còn tiềm tàng.

Nhìn một cách tổng quan, dịch Corona đã làm đời sống ngành eSports gặp nhiều khó khăn cũng như bị trì trệ trong một thời gian khá dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chỉ khi nào dịch bệnh gần như được kiểm soát hoàn toàn lúc đó thể thao điện tử mới có thể trở lại đúng quỹ đạo bình thường của nó. Điều quan trọng nhất hiện tại chính là phòng tránh, ngăn chặn dịch để các lĩnh vực trong đó có eSports khởi sắc trở lại.