Gloryy, BeanJ… “kêu oan” sau lệnh ban tại VCS, liệu Riot Games có ban nhầm?

Lệnh ban tuyển thủ tại VCS về hành vi bán độ, cá độ đã được thực hiện, các tuyển thủ kêu oan và liệu Riot Games có ban nhầm?

Cuối cùng ngày này cũng đến, một ngày được dự đoán sẽ là ngày thanh trừng của giải đấu VCS. Trước đó, như chúng ta đã biết, có tổng cộng 32 tuyển thủ bị Riot Games tạm dừng thi đấu vô thời hạn để phục vụ cho công tác điều tra bán độ. Một thông tin mà có lẽ không ai mong muốn khi phân nửa giải đấu bị dính nghi án bán độ.

Bẵng đi một thời gian, giai đoạn Playoffs các giải đấu và MSI 2024 cũng đã trôi qua êm đẹp. Kết quả cho cuộc điều tra cũng phần nào đó được sáng tỏ sau nhiều đồn đoán từ người hâm mộ, leak thông tin mật… Cụ thể, có tổng số 26/32 tuyển thủ nhận án phạt tại khắp các đội tuyển và có lẽ các bạn cũng phần nào đó nắm được thông tin từ chiều đến giờ khi người hâm mộ bàn tán.

Theo hai điều 3 và 4.1 Bộ quy tắc hay chính là bộ luật của Riot Games cho các tuyển thủ và tổ chức, các tuyển thủ sẽ dính án phạt từ 6 tháng đến vĩnh viễn tùy vào mức độ nghiệm trọng của hoạt động. Tất cả các đội tuyển đều có tuyển thủ phải nhận án phạt và điều này cũng khiến giải đấu đảo lộn cùng hoạt động tuyển dụng tài năng được đẩy lên cao hơn để tìm nhân sự thay thế khi VCS Mùa Hè 2024 đã cận kề.

Trở lại với án phạt, với các tuyển thủ trực tiếp tham gia cá độ/bán độ, tức vi phạm điều 3 sẽ bị nhận mức án từ 1,5-3 năm cấm thi đấu. Trong khi đó, vi phạm điều 4.1 tức là che giấu, bao che, dung túng cho hành vi này sẽ bị phạt nhẹ hơn từ 6 tháng đến 1,5 năm. Thời gian thực hiện cấm thi đấu bắt đầu từ ngày 28/03 khi các tuyển thủ chính thức bị Riot Games điều tra.

Đương nhiên, các tuyển thủ cũng lên tiếng kêu oan và trình bày rằng cá nhân mình không bán độ, như một số tuyển thủ như Gloryy… Có những tuyển thủ suy sụp như BeanJ khi bị cấm thi đấu và cũng có những tuyển thủ thừa nhận hành vi của mình, biết mà không báo như Eddie và hứa hẹn sẽ trở lại vào năm sau khi thời gian cấm thi đấu kết thúc. Không ít người hâm mộ đã tìm hiểu và chia sẻ với các tuyển thủ, một số lại chia sẻ rằng lúc cầm tiền bán có nghĩ không? Câu hỏi được đặt ra là có khi nào Riot Games đã ban nhầm các tuyển thủ hay không?

Riot Games đã ban nhầm?

Có lẽ nếu các bạn còn nhớ, chủ đề này đã được mình mổ xẻ từ sau thời điểm Riot Games đưa lệnh ban dành cho các tuyển thủ của SBTC Esports khi VCS Mùa Hè 2023. Các thủ Vinboiz, DNK hay Nper cũng đã kêu oan với thái độ thách thức, dửng dưng khi đòi Riot Games bằng chứng, có không mà ban, “thích thì ban không thích thì ban”.

Tại sự việc lần này, Riot Games phải làm việc với rất nhiều bên để xác thực thông tin từ 32 tuyển thủ, việc có thể đưa ra một lí luận cũng như bằng chứng cụ thể cho hành động bán độ thực sự là một vấn đề “khó nói”. Các bên sẽ thường trao đổi qua tin nhắn, gmail… và các dữ liệu này dễ dàng bị xóa bỏ mà gần như không thể khôi phục được để làm bằng chứng. Nên khi có biến, gần như chắc chắn mọi thông tin sẽ biến mất chỉ trong 10-15 phút mà thôi nên bên thứ 3 tố cáo chắc chắn sẽ phải ghi lại chi tiết nếu muốn tố cáo.

Sau sự việc của SE, có lẽ các tuyển thủ và người tham gia vào quá trình này cũng cảnh giác hơn nhiều. Chắc chắn, các bằng chứng sẽ được xóa sạch chỉ sau một thời gian ngắn và có lẽ cũng khó có thể để lại giấu vết gì, trừ khi bên mua độ có mục đích riêng, muốn trực tiếp tố cáo hoặc khiến sự việc đi xa hơn.

Những nghi ngờ bắt đầu từ thời điểm MBE quyết định không phá nhà chính của TW trong trận đấu tại VCS Mùa Xuân 2024. Khi MBE dẫn trước 12k vàng, quét sách đối thủ nhưng không quyết định end game mà lại đi ăn rồng và đó là sự bắt đầu của nghi ngờ. Đến Caedrel, khán giả theo dõi và BLV Hữu Trung cũng phải ping chấm hỏi từ bàn bình luận về tình huống xử lý đó. Froggy và Sorn có lẽ cũng là những người đã trực tiếp tham dự để kéo dài trận đấu đến phút 30.

Đương nhiên nếu không hài lòng, các tuyển thủ cũng có quyền kháng cáo hoặc nếu cùng đường đi chăng nữa, có thể đăng tải mọi thứ lên mạng xã hội để chứng minh sự trong sạch của mình. LMHT có lẽ không chỉ là đam mê của phần lớn tuyển thủ bị ban mà có lẽ đã trở thành công việc nên những dòng trạng thái kêu oan có lẽ cũng để xoa dịu cộng đồng là chính và tìm hướng đi mới trong tương lai.

Không chỉ những tuyển thủ bị điều tra, những tuyển thủ kêu oan trước đó như Nper, Penguin và DNK vẫn bị điều tra và án phạt không chỉ dừng ở 3 năm mà lệnh ban còn tăng lên vĩnh viễn. Điều đó cho chúng ta biết một điều rằng Riot Games cũng có thể nhầm nhưng những người tham dự vào hoạt động bán độ sẽ khó có thể chối tội của mình. Thực sự là một vấn đề nhức nhối nhưng khó nói.