LCK: KT Rolster, Gen.G Esports, Afeeca Freecs
Đây đều là những cái tên góp mặt tại CKTG 2018 và gây thất vọng lớn với người hâm mộ Hàn Quốc khi bị loại sớm ngay trên sân nhà. Trở về LCK Mùa Xuân 2019, họ lại tiếp tục chuỗi thành tích tệ hại và dường như không có dấu hiệu dừng lại.
KT Rolster được gọi là "Super Team" của năm 2018, đội hình của KT lúc bấy giờ được giới chuyên môn đánh giá rất cao và đã lên ngôi vô địch LCK Mùa Hè 2018 trong trận chung kết nghẹt thở với Griffin. KT Rolster của năm 2019 đánh dấu sự ra đi của Deft và Mata dường như để lại khoảng trống quá lớn đối với các thành viên ở lại. Sau 8 tuần thi đấu, KT Rolster chỉ có vỏn vẹn 4 trận thắng mà thôi.
Deft và Mata rời đi, SnowFlower và Gango không thể lấp đầy khoảng trống họ để lại.
Gen.G là một đội tuyển khá may mắn có thể đến với CKTG 2018 với sự xuất sắc đến từ Ambition, nhưng vào đầu mùa giải Mùa Xuân 2019 Gen.G mua về Peanut và biến tuyển thủ này trở thành người Đi rừng hưởng lương cao nhất LCK. Peanut vốn dĩ là một người chơi có khả năng carry với lối chơi cướp rừng và hổ báo ngay từ những phút đầu trận, nhưng Gen.G cần người đi rừng của họ kiểm soát bản đồ và chơi xoay quanh các mục tiêu hơn.
Nhìn lại những năm tháng ở SKT T1, Peanut đã lạc lõng ra sao khi liên tục bị chỉ trích vì thi đấu kém cỏi, đơn giản Peanut là người chơi Carry không phải là người đi rừng "Make-Play". Thành tích của Gen.G bết bát là vậy, vì họ đang cố thay đổi Peanut để em trưởng thành hơn trong lối đánh và suy nghĩ. Vấn đề của Gen.G nan giải là vậy khi gần đến hết giai đoạn Mùa Xuân họ mới nhận ra sao? Hiện tại đã là tuần thi đấu thứ 8, Gen.G đang có 5 trận thắng và quyền tự quyết của họ thuộc về Hanwha Life Esports nếu thua 4 trận ở hai tuần thi đấu cuối, điều đó gần như không thể xảy ra.
Peanut cần hòa nhập, trưởng thành hơn ắt Gen.G sẽ mạnh!
Kể đến Afreeca Freecs, họ mất đi đường giữa và cặp đôi xạ thủ hỗ trợ gần như tốt nhất giải. Cùng với sự bổ sung khá mạnh mẽ của các đội tuyển khác, việc Afreeca Freecs rơi xuống vị trí thứ 6 là điều hoàn toàn dễ hiểu, việc Dread đi rừng và Aiming xạ th thay thế cho Spirit và Kramer là một luồng gió mới cho Afreeca Freecs, nhưng những gì Dread và Aiming thể hiện còn khá nhiều sự chuệch choạc do thiếu kinh nghiệm. Điều đó ít nhiều làm ảnh hưởng đến Kiin và Ucal với nhiều áp lực hơn. Nhưng họ đều là những tuyển thủ trẻ với độ tuổi trung bình 19, Afreeca Freecs hứa hẹn sẽ rất mạnh trong tương lai.
LPL: Snake Esports, Suning Gaming
Đã hai mùa giải trôi qua cùng Snake, SofM vẫn chưa gặt hái được thành công tại đây, khi ước mơ Chung kết thế giới của em vẫn còn dang dở và ngày càng trở nên xa vời. Snake là đội tuyển bất ổn nhất tại LPL, khi liên tục là sự thay đổi ở đường giữa và đường dưới, tất cả những thay đổi đó với mục tiêu duy nhất là hợp với SofM. Cũng giống như thời SofM còn ở Full Louis, thường xuyên là những thay đổi về vị trí và lối chơi thiếu kỷ luật cũng nguyên nhân thất bại của Full Louis trước Saigon Joker năm nào. Snake hiện tại cần một sự ổn định về nhân sự con người, rồi tiến đến là chiến thuật lối chơi để trở lại mạnh mẽ vào giải Mùa Hè 2019.
MVP đầu tiên của SofM trước V5 không giúp Snake Esports thoát khỏi phong độ phập phù
Cái tên gây thất vọng nhất trong số này, chắc chắn là Suning Gaming. Đội tuyển này quyết định chơi lớn khi mua hàng loạt các ngôi sao như Maple, SwordArt và Smlz để tạo thành một "Super Team" với tham vọng vô địch LPL Mùa Xuân 2019. Tất cả những gì Suning gaming làm được hiện tại chỉ là 5 chiến thắng và 8 thất bại, "Super Team" cho thấy lối chơi không gắn kết đến từ mọi vị trí, gần nhất là hai trận thua trước JD Gaming và Topsports Gaming với cùng tỉ số 2-1 cũng đủ cho thấy Suning đang không biết cách triển khai những lợi thế mà họ có được, để rồi bị lật lại và thua một cách chóng vánh.
Maple và SwordArt cần tìm thấy tiếng nói chung với các đồng đội của mình!