Ông chủ WE công khai tố RNG “gài” Uzi và Ming ký vào bản hợp đồng nô lệ

Thông tin này đang biến tổ chức vĩ đại thứ nhì lịch sử LPL trở thành kẻ xấu trong mắt nhiều người.

谢帆, cổ dông của Team WE và cũng là chủ sở hữu của Famulei (hội nhóm streaming tầm cỡ nhất Trung Quốc), tuyên bố Royal Never Give Up đã “gài” Uzi ký vào cái gọi là bản hợp đồng nô lệ. Người này cùng với Mlxg, cựu tuyển thủ của RNG, khẳng định rằng hai bên đã không còn bất cứ ràng buộc nào sau ngày 22/02/2021. Thế nhưng Bilibili Gaming vẫn phải trả cho RNG “một số tiền lớn” chưa rõ là bao nhiêu để có được sự phục vụ của siêu sao này ở kỳ chuyển nhượng tiền mùa giải 2022.

Chưa hết, 谢帆 còn úp mở tình hình hợp đồng phức tạp giữa Ming và RNG trong cuộc phỏng vân với quản lý của JD Gaming, Jasper. Tình huống cấp bách trên sóng livestream buộc Jasper phải làm rõ, “Chúng tôi chắc chắn không thể nói về điều này (ngay tại đây). Thay vào đó, có thể nói chuyện này với Doinb.” Vì thế mà người hâm mộ có lý do để tin rằng RNG đã và đang chơi không đẹp với những công thân đã giúp họ vô địch LPL và Mid-Season Invitational (MSI) trong quá khứ.

 
Uzi và Ming từng giúp ĐTQG LMHT Trung Quốc đánh bại Hàn Quốc giành Huy chương Vàng Á vận hội 2018

谢帆 chốt rằng anh không thể tiết lộ thêm thông tin mật nữa vì tài khoản WeChat gần như bị “bom” vì tin nhắn của quá đông người hỏi han chi tiết câu chuyện. Giới chủ của WE cũng phải yêu cầu gỡ bỏ đoạn phỏng vấn với Jasper để tránh đưa mọi chuyện đi xa hơn. Chính hành động này càng khiến cho fan tin rằng tin đồn RNG phá sản và đang phải làm mọi cách – dù không tốt – để kiếm tiền từ các bản hợp đồng tuyển thủ. Cộng đồng Trung Quốc từng lan truyền một câu đùa đầy chua chát với đại ý rằng: Nếu Doinb muốn trở thành đường giữa của RNG (suýt nữa thành hiện thực hồi đầu Mùa Hè 2023) phải mang tới đó tới tám luật sư để không bị lừa.

Trong khi Ming đã tạm nghỉ và chưa rõ tương lai ra sao thì Uzi đã gia nhập EDward Gaming tại LPL Mùa Hè 2023, đây là lúc để chúng ta hiểu hơn về cái gọi là “hợp đồng nô lệ” của LMHT chuyên nghiệp Trung Quốc. Hợp đồng truyền thống của một tuyển thủ esports có độ dày từ 10-100 trang. Nếu không có sự hướng dẫn của những người am hiểu luật pháp (thường là luật sư hoặc các công ty đại diện) thì tuyển thủ khó lòng nắm bắt chi tiết hợp đồng.

Hầu hết các tuyển thủ đều nói rằng, “Tôi đã bất cẩn khi ký hợp đồng”. Nghe thì có vẻ nực cười nhưng ai cũng có thể hiểu được bối cảnh lúc đó. Từng có một tuyển thủ ký vào dạng hợp đồng nô lệ nhưng không khiếu nại. Anh tạm nghỉ thi đấu một thời gian và xử lý tình huống rất mượt mà để rồi trở lại sàn đấu mà không chịu bất cứ ràng buộc vô lý nào cả. Fan lờ mờ đoán ra đây rất có thể là JackeyLove với Invictus Gaming.

Nếu người chơi đặt bút ký đã đủ 18 tuổi thì hợp đồng có hiệu lực. Nó chỉ bị vô hiệu hóa nếu trái luật và vi phạm các quy tắc của LPL. 谢帆 cho biết đã có một tuyển thủ từng bị tổ chức “làm trắng thành đen” một trang hợp đồng và kiện là giải pháp duy nhất. Các quan chức LPL được mở đường và tạo điều kiện để nhanh chóng giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hợp đồng giữa tuyển thủ với tổ chức.  Nếu một tổ chức được xác nhận là đã vi phạm hợp đồng, các quan chức LPL có thể trực tiếp đưa ra phán quyết có lợi cho tuyển thủ, tiết kiệm nhiều thời gian giải quyết các vấn đề pháp lý (thường khoảng hai đến ba năm).

Tất cả các trường hợp mà 谢帆 nghe được đều được giới chức LPL phân xử anh minh và nhanh chóng. Do đó, nếu tuyển thủ bị đối xử bất công, nhìn chung thì LPL sẽ vào cuộc và can thiệp có lợi cho bên bị hại. Tóm lại, nếu một tổ chức vi phạm hợp đồng thì tuyển thủ sẽ được LPL hoặc tòa án bảo vệ. Ngược lại, nếu tuyển thủ phá hợp đồng thì phải chịu phạt một số tiền lớn để tự bảo lãnh hoặc sẽ bị bỏ tù nếu không thể lo liệu.