Vén màn sự thật sau bom tấn của Epic Games, nơi buộc nhân viên phải 'bán mạng' làm việc

Đằng sau một tựa game bom tấn là một dàn nhân viên đang dần kiệt quệ vì phải bán mạng làm việc.

Với thành công không tưởng từ khi ra mắt,Fortnite chuẩn là cỗ máy in tiền tỷ của Epic Games nhưng cái gì cũng phải có cái giá của nó. Để duy trì một tựa game bom tấn như Fortnite, đội ngũ phát triển ngày càng “héo hon” và kiệt quệ bởi lịch trình làm việc kinh khủng, deadline kín mít lúc nào cũng chực chờ đổ sập xuống đầu.

Theo những tiết lộ mới nhất, họ thường xuyên phải làm việc từ 70-100 giờ trong nhiều tuần để có thể theo kịp với lịch trình cập nhật nội dung mới dày đặc của trò chơi. Và điều ngược đời ở đây là trong khi Epic Games nói việc làm việc ngoài giờ là hoàn toàn tự nguyện, nếu ai đó không đủ sức khỏe và từ chối việc tăng ca, họ có thể sẽ bị sa thải ngay lập tức. “Trung bình tôi phải làm việc 70 giờ mỗi tuần. Không phải riêng tôi mà có ít nhất 50 đến 100 người khác cũng phải làm việc với cường độ khủng khiếp như vậy. Nhiều người thậm chí còn phải làm việc đến 100 giờ mỗi tuần”. Nhân viên này cũng cho biết thêm, về mặt lý thuyết, Epic cho phép nhân viên nghỉ không giới hạn nhưng thực tế họ không thể làm điều đó. “Nếu tôi xin nghỉ phép, những người khác sẽ phải đảm nhiệm toàn bộ lượng công việc mà tôi bỏ lại và đó chắc chắn là một cơn ác mộng.”

Với lịch trình cập nhật dày đặc, Epic Games biến nhân viên của họ thành những cỗ máy làm việc không ngừng nghỉ. Nếu có bất cứ vấn đề nào xảy ra, như một vũ khí bị lỗi, chúng cần được sửa chữa ngay lập tức trong khi những nội dung mới vẫn phải được hoàn thành đúng deadline. Các nhân viên nói rằng nếu deadline bị trễ do ai đó xin nghỉ phép hoặc thậm chí nghỉ cuối tuần, người đó sẽ bị Epic Games cho thôi việc luôn. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống cá nhân của những nhân viên nơi đây.

Epic, tất nhiên, không phải là công ty duy nhất phải đối mặt với những cáo buộc về văn hóa làm việc “bán mạng” của mình. Trước đó, BioWare cũng bị phanh phui bởi những bất ổn trong quản lý và cách làm việc của mình với sự bết bát của bom xịt Anthem. Nhiều nhân viên Epic do không chịu được áp lực công việc quá căng thẳng như vậy đã phải ngậm ngùi chia tay đồng nghiệp trong nước mắt. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp game như hiện nay, việc ép nhân viên “bán mạng làm việc” là điều không thể tránh khỏi và có lẽ cũng khó lòng mà thay đổi được.