“Bạn sẽ làm gì để tạo ra một trải nghiệm Singleplayer tốt hơn, hay chí ít cũng phải ngang ngửa với phần chơi đơn của một trong những tựa game FPS hay nhất của năm trước?” Đó chính là một trong những câu hỏi lớn mà đội ngũ studio Treyarch phải tìm được lời giải đáp xác đáng ngay từ khi công bố Call of Duty: Black Ops Cold War.
Trọng trách lần này có phần nặng nề hơn cả bởi tựa game trên sẽ đóng vai trò đại diện cho series Call of Duty bước chân lên các hệ máy Next-Gen (PS5 và Xbox Series X).
Với những gì mà Modern Warfare đã thể hiện vào năm 2019, có thể nói Treyarch đã lãnh trên vai một nhiệm vụ rất là lớn lao khi họ gần như bắt buộc phải tạo ra một phần chơi đơn xứng tầm với kì vọng của người hâm mộ bởi trước đây studio game của ông lớn Activision này đã để lại một nỗi thất vọng lớn cho các fan khi quyết định không thực hiện phần Campaign cho Black Ops 4.
Để tạo ra Black Ops Cold War, Treyarch đã kết hợp cấu trúc của Black Ops 3 với engine đồ họa mới của Modern Warfare. Bằng cách này, Treyarch hy vọng Cold War sẽ làm hài lòng các fan lâu năm với những tinh túy của các bản Black Ops năm xưa trong một lớp áo mới.
Và quả thật, game ‘có vẻ’ đã làm được điều đó khi mang đến cho người chơi rất nhiều thứ mới mẻ trong phần chơi chiến dịch và đi kèm với một nền tảng đồ họa có thể nói là “một chín một mười” so với Modern Warfare 2019. Tuy vậy, bấy nhiêu đó liệu có đủ để giúp phần Campaign của Black Ops Cold War để lại được dấu ấn nào trong giới mộ điệu?
Phụ lục
Khởi đầu Black Ops Cold War vừa lạ vừa quen
Không giống như Modern Warfare 2019 vốn là tựa game reboot lại toàn bộ vũ trụ Modern Warfare, Call of Duty: Black Ops Cold War được đặt vào mốc thời gian giữa Black Ops 1 và 2.
Khởi đầu của game khiến người chơi không thể không liên tưởng đến phần 1 khi nó cũng bắt đầu với ánh đèn chập chờn của một quán bar, một không gian đầy khói thuốc lá cùng những con người lắc lư theo điệu nhạc trong một thế giới đang nhiễu nhương vì ảnh hưởng của Chiến Tranh Lạnh.
Có điều thay vì là ở Cuba thì bây giờ game bắt đầu tại thành phố Amsterdam những năm 80.
Sau khi được trang bị hàng nóng, người chơi cùng đồng bọn bắt đầu hành trình truy đuổi một tên khủng bố người Trung Đông trên các mái nhà với những trường đoạn y hệt những bộ phim hành động hạng B của thập niên 80.
Những tưởng nhiệm vụ sẽ kết thúc với một đoạn cắt cảnh theo như truyền thống của series thì không, ngay vào lúc cuối màn game thủ sẽ được giới thiệu với cơ chế tưởng chừng như đã thất truyền từ hồi Black Ops 2: lựa chọn (choice). Bạn có thể chọn bắt giữ, giết hoặc tha mạng cho tên khủng bố này.
Khỏi phải nói câu chuyện trong Black Ops Cold War trở nên bắt đầu thú vị và hấp dẫn ngay từ thời điểm này trở đi.
Game “gần như” là sàn diễn của người chơi
Sau khi bạn hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên, người chơi sẽ vào vai một lính mới có mật danh là “Bell” tham gia vào một đội đặc nhiệm do CIA lập ra với mục đích truy tìm và tiêu diệt một điệp viên nguy hiểm người Nga với bí danh “Perseus”.
Sự tự do của Cold War bắt đầu được thể hiện rõ nét hơn khi game yêu cầu người chơi lựa chọn tên, giới tính, tính cách và các kĩ năng của bản thân. Phải công nhận việc Treyarch áp dụng tính năng nhập vai vào trong game đã bước đầu giúp cho người chơi có cảm giác bản thân thực sự là một phần của game cũng như là một thành viên của đội đặc nhiệm.
Không chỉ có vậy, Black Ops Cold War còn cho phép game thủ tự do thực hiện một số màn chơi theo cách riêng của mình. Ví dụ điển hình nhất đó chính là “Desperate Measures” mà tại đó game thủ vào vai một sĩ quan cấp cao của Liên Xô và đồng thời là một gián điệp hai mang.
Mục tiêu của người chơi đó là bằng mọi cách lấy trộm chiếc thẻ từ đang được giữ bởi một vị tướng để mở cửa cho đội đặc nhiệm của nhân vật chính đột nhập vào bên trong tổng hành dinh của lực lượng tình báo KGB.
Để hoàn thành được công việc trên thì có rất nhiều phương thức khác nhau để game thủ chọn lựa: giết/đánh ngất/hạ độc ông tướng kia, cạy tủ, làm giả giấy tờ vu khống ông tướng để thừa cơ lấy trộm thẻ hoặc tạo một bản sao y hệt của chiếc thẻ trên…
Thật không quá khi nói “Desperate Measures” là màn chơi hay nhất trong toàn bộ game bởi người chơi hoàn toàn tự chủ được mình sẽ làm những gì để hoàn thành mục tiêu. Bên cạnh đó trong một số màn khác cũng sẽ có một vài quest phụ nho nhỏ để game thủ tùy ý thực hiện.
Đây thực sự là những khoảng khắc cần thiết giúp nhịp game chậm lại sau những màn đấu súng và rượt đuổi nghẹt thở.
Đó là chưa kể trong suốt quá trình chơi, game thủ sẽ có cơ hội thu thập một vài món đồ vật và khai thác một số đầu mối thông tin quan trọng thông qua việc trao đổi với các nhân vật khác nhau trong nhiệm vụ hoặc tại safehouse.
Xâu chuỗi và giải mã những thứ trên sẽ giúp người chơi mở được các side mission cũng như toàn bộ các tình tiết ẩn được giấu một cách khéo léo trong game. Công việc mang hơi hướng thám tử điều tra này vô hình chung khiến cho game có được một phong cách rất giống với những bộ phim điệp viên, trinh thám của ngày xưa.
Điều này rất quan trọng trong việc định hình nên một bản sắc rất riêng của Black Ops Cold War.
Black Ops Cold War là món ăn chưa tròn vị?
Tuy nhiên càng về sau người chơi sẽ nhanh chóng nhận ra sự phi tuyến tính trong game được Treyarch áp dụng một cách khá hời hợt, nếu không muốn nói là “làm cho có”. Thực tế game chỉ có một hai khoảnh khắc mà người chơi thực sự cảm thấy tự do giống như màn chơi “Desperate Measures” được đề cập ở trên và vào một nhiệm vụ gần cuối game.
Ở phần còn lại thì Black Ops Cold War vẫn luôn trung thành với công thức tuyến tính vốn đã quá quen thuộc bấy lâu nay của series là cắt cảnh – chạy và bắn – cắt cảnh – chạy và bắn tiếp cho đên hết màn.
Nói đến những đoạn cắt cảnh của game thì nói thật hầu như chúng chẳng đọng lại trong người chơi một tí cảm xúc nào bởi đa phần được “xào nấu” lại theo kịch bản của những tựa game trước đó.
Ngay cả việc lựa chọn hội thoại cũng chẳng ảnh hưởng mấy đến cốt truyện trong game. Đây quả thật là một điều rất đáng tiếc bởi trong quá khứ Treyarch đã từng rất thành công với Black Ops 2 thông qua việc cho phép người chơi gần như thay đổi toàn bộ mạch truyện chính của game thông qua những lựa chọn khác nhau trong hầu hết mọi màn chơi.
Hình ảnh no mắt, âm thanh đã tai
Không thể phủ nhận bằng việc sử dụng chung engine của Modern Warfare 2019, Treyarch đã mang đến cho người chơi một màn trĩnh diễn đồ họa cực kì mãn nhãn: từ tạo hình vũ khí, model nhân vật, hiệu ứng cháy nổ cho đến cảnh quang của mỗi màn chơi…
Tất cả khi kết hợp lại đã tạo ra một bữa tiệc hình ảnh hoành tráng làm hài lòng ngay cả những game thủ khó tính nhất. Không như Modern Warfare vốn lấy tông màu xám xịt và thực tế của chiến trường hiện đại làm chủ đạo, phong cách đồ họa trong Black Ops Cold War có phần nhỉnh hơn người anh em của mình bởi game diễn ra tại rất nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới và mỗi màn chơi đều có đặc trưng rất riêng không đụng hàng.
Không khó để nhận ra không khí không lẫn vào đâu được của thập niên 80 ngay tại màn đầu tiên, hoặc sự căng thẳng khẩn trương tại cơ quan đầu não của KGB. Và tất nhiên đối với các game thủ như chúng ta thì chắc chắn những màn chơi ở ‘đâu đó’ sẽ đem lại cảm giác thân thuộc với những cánh rừng xanh bạt ngàn, đồi núi trập trùng cùng với những khung cảnh vừa quen vừa lạ.
Bên cạnh phần đồ họa thì âm thanh cũng là một trong những mặt của Black Ops Cold War được Treyarch chăm chút rất kĩ lưỡng, từ những thứ cơ bản nhất như tiếng súng, tiếng động của môi trường xung quanh cho đến nhạc nền của mỗi màn chơi.
Thế nhưng mọi thứ trên theo Mọt thì không là gì so với phần thể hiện của các nhân vật trong game, đặc biệt là giọng lồng tiếng. Diễn xuất của các vai chính lẫn phụ đều rất tự nhiên và có hồn khiến người chơi không thể rời mắt khỏi màn hình mỗi khi họ xuất hiện.
Cá nhân Mọt cực kì thích nhân vật Adler bởi mỗi lời nói của anh chàng đặc vụ CIA ngầu lòi này đều thể hiện rằng đây là một con người luôn biết cách khiến mọi người xung quanh phải tâm phục khẩu phục mình. Không quá khi có thể khẳng định Black Ops Cold War là một trong những tựa game có phần voice acting xuất sắc nhất của năm 2020.
Cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm
Mặc dù đã rất nỗ lực để tạo ra một phần chơi chiến dịch đáng nhớ thế nhưng thật đáng tiếc bấy nhiêu đó vẫn là chưa đủ để Black Ops Cold War thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của Modern Warfare chứ đừng nói là Black Ops 2 năm xưa.
Tuy nhiên đối với những ai đang tìm kiếm một trải nghiệm chơi đơn “dư xài” vào những ngày cuối năm thì phần Campaign của Call of Duty: Black Ops Cold War cũng là một sự lựa chọn rất đáng để lưu tâm.
Điểm mạnh:
- Gameplay máu lửa, đúng theo tinh thần của series Call of Duty
- Đồ họa đẹp mắt, âm thanh xuất sắc
- Diễn xuất của các nhân vật đều rất đỉnh
- Một số nhiệm vụ mang đến cho người chơi nhiều sự lựa chọn để hoàn thành theo các cách khác nhau
- Phần thu thập bằng chứng và giải đố được chăm chút tỉ mỉ giúp game có giá trị chơi lại cao
Điểm yếu:
- Cốt truyện cliche, dễ đoán, không có nhiều plot twist như Black Ops 1
- Không đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng người chơi như trong các bản COD khác