Game thủ Việt có đang thật sự thiếu siêu phẩm?

Đa phần các game thủ Việt vẫn chưa có thói quen bỏ tiền ra để sở hữu các tựa game siêu phẩm.

Dạo qua một vòng các quán net, có thể thấy đa phần các game thủ Việt vẫn chỉ đang loanh quanh, bó hẹp trong một vài tựa game đã quá phổ biến và quen thuộc như cờ nhân phẩm, LMHT, DOTA 2 hay gần đây nhất là Genshin Impact. Đồng ý rằng thời gian gần đây, làng game Việt thật sự thiếu vắng đi những tựa game mang tính đột phá, siêu phẩm có thể làm điên đảo thị trường. Tuy nhiên, việc "hết" game hay để chơi cũng một phần xuất phát từ định kiến đã đi sâu vào tiềm thức của các game thủ Việt, khi chỉ chuộng những tựa game FREE.

Thực tế lạ lùng ở các game thủ Việt

Có một thực tế khá lạ lùng ở các game thủ Việt, đó chính là việc họ có thể không bao giờ cảm thấy tiếc tiền, thậm chí sẵn sàng vung tay để chiều chuộng nhân vật - đứa con tinh thần trong game của mình. Thế nhưng, đa số lại tỏ ra khá "dị ứng" với những tựa game mà thiếu đi cái mác "Free to Play". 

Game thủ Việt có đang thật sự thiếu siêu phẩm, hay chỉ đơn giản vì vẫn chưa thoát được suy nghĩ miễn phí thì mới chơi - Ảnh 1.

Các game thủ từng rất dị ứng khi VLTK thu "thuế" giờ chơi

Cùng nhìn lại trong quá khứ, đã từng có thời mà những MU Online hay thậm chí là cả VLTK cũng đã từng có những thời gian ra các dịch vụ thu phí giờ chơi. Cụ thể, vào năm 2005, VNG đã vấp phải một cơn mưa phản đối từ phía game thủ Việt sau khi đề ra việc thu phí thông qua hình thức thẻ cào với những mốc như 20.000 VND đổi được 25 giờ chơi hoặc chơi trong 7 ngày. Và để chơi trong 25 ngày, con số chỉ là 60.000 VND. Nhưng chừng đó là đủ để vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng game thủ.

Một ví dụ đơn giản như vậy chỉ để lấy dẫn chứng rằng, chơi game free dường như đã trở thành một nét văn hóa ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều game thủ Việt. 

Gần như chẳng có tựa game trả phí nào có thể là siêu phẩm ở Việt Nam

Cùng nhìn lại những tựa game đã từng làm mưa làm gió làng game Việt trước nay và hiện tại. Sau một thời gian thì VLTK cũng không còn thu phí, và những tựa game kiếm hiệp sinh sau đẻ muộn như Kiếm Thế hay TLBB cũng tương tự như vậy. Các tựa game eSports, đi đầu là LMHT và DOTA 2 ở Việt Nam thì chẳng bao giờ có khái niệm trả phí, việc nạp hay không nạp hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người chơi mà thôi. Genshin Impact gần đây cũng đi vào con đường tương tự.

Game thủ Việt có đang thật sự thiếu siêu phẩm, hay chỉ đơn giản vì vẫn chưa thoát được suy nghĩ miễn phí thì mới chơi - Ảnh 2.

PUBG là tựa game trả phí hiếm hoi vẫn được thị trường game Việt đón nhận

Nhưng sở dĩ chúng ta phải dùng từ gần như vì cách đây khoảng 3-4 năm, vẫn có một tựa game trả phí thật sự đã gây bão làng game Việt. Đó chính là PUBG. Với mức giá chỉ khoảng 10$ - một con số không quá lớn và dễ chấp nhận, PUBG đã thành công phần nào trong việc thay đổi nhận thức của các game thủ Việt. Tuy nhiên, thực tế thì cũng có không ít những shop bán hay cho thuê acc PUBG mọc lên để giải quyết nhu cầu "ít tiền mà vẫn được chơi" của các game thủ nghèo.

Tiền nào của nấy, game càng siêu phẩm thì càng có mức giá cao

Đó chính xác là thực trạng ở thời điểm hiện tại, và cũng là lý do khiến các game thủ Việt than phiền về việc "hết game" để chơi. Thực tế thì vẫn còn nhiều lắm chứ, đặc biệt là với không ít các tựa game trên nền tảng console như Red Dead Redemption, God of War, Ghost of Tsushima hay Sekiro... Các tựa game offline trên Steam cũng tương tự như vậy như Total War, GTA. Nhưng có một thực tế rằng cộng đồng các tựa game này ở Việt Nam lại không hề lớn chút nào, và vô hình chung khiến cho những siêu phẩm này cũng trở nên lạ tai đối với nhiều người.

Game thủ Việt có đang thật sự thiếu siêu phẩm, hay chỉ đơn giản vì vẫn chưa thoát được suy nghĩ miễn phí thì mới chơi - Ảnh 3.

Các tựa game phải bỏ tiền ra mua như Red Dead Redemption không quá được lòng các game thủ Việt

Có thể nói là game thủ Việt không hợp, hoặc không thích những tựa game mang phong cách như vậy. Điều này không sai, nhưng chắc chắn rằng trong tương lai, với xu thế hiện tại, các tựa game trả phí mới chính là "lẽ sống" với làng game thế giới. Còn với các tựa game không trả phí ư, họ cũng sẽ có vô vàn cách khiến bạn phải móc hầu bao của mình mà thôi. Vì như thế thì nhà phát hành mới có "đất sống chứ".