Kể từ khi thuật ngữ game xuất hiện, đi kèm với đó đã là khái niệm hack, cheat hay thậm chí là lợi dụng bug của trò chơi để trục lợi tới từ một bộ phận game thủ. Và đừng nghĩ hack cheat là điều gì đó cao xa. Hiểu theo một cách đơn giản, đó là khi mà bạn lợi dụng những sơ suất, thiếu sót của trò chơi để tìm cách trục lợi cho cá nhân mình theo xu hướng không công bằng. Thế nên, nói một cách không oan ức thì ngay từ thuở nhỏ, không ít người trong số chúng ta cũng đã hack cheat với combo kinh điển hack 30 mạng trong Contra "lên, lên, xuống, xuống, trái, phải, trái, phải, B, A, Start" đâu.
Nói vậy để hiểu rằng, hack cheat luôn là một phần của cuộc chơi và luôn tồn tại song hành với rất nhiều tựa game. Tuy nhiên, theo một thống kê gần đây nhất, thể loại game dễ bị "tổn thương" bởi nạn hack cheat nhất đáng buồn thay lại chính là dòng game FPS, những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất, và đôi khi là cả góc nhìn thứ 3 nữa.
Kể ra thì cũng đúng thôi, khi nếu như chúng ta nhìn lại trong quá khứ, đã có không biết bao nhiêu những siêu phẩm bị tàn phá nặng nề bởi nạn hack cheat vô tội vạ như CS:GO, PUBG... hay quen thuộc với cộng đồng game thủ Việt Nam hơn thì là Đột Kích - Crossfire. Tất cả đều hack được, và khá nhiều người đã rời bỏ dòng game FPS cũng vì quá chán nản với câu chuyện hack cheat.
Câu hỏi được đặt ra ở đây chính là tại sao lại là game FPS mà không phải là bất kỳ tựa game MOBA nào đó. LMHT, DOTA 2 mấy khi có hack, và tại sao lại cứ phải là CS:GO hay PUBG. Hiểu theo một cách đơn giản, thông thường, việc hack sẽ dựa trên quy trình người chơi can thiệp vào các thông số trên máy tính, trò chơi của họ. Tuy nhiên, với DOTA 2 và LMHT, khi các thông số đều được xử lý trên một máy chủ, sẽ chẳng có cách nào để bạn hack được một cách thực sự, trừ khi bạn ở đẳng cấp có thể hack được cả một cụm máy chủ. Trong trường hợp ấy, khi nhận được thông tin sai lệch, không thể xử lý, máy chủ sẽ nhận dạng bạn đang cố tình sử dụng hack cheat và có biện pháp ngay sau đó. Còn với các tựa game FPS như CS:GO, PUBG thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Theo đó, với các tựa game bắn súng thông thường, để áp dụng phương pháp này ngoài việc đòi hỏi một băng thông cực lớn, server xử lý thông tin phải siêu mạnh thì còn rất nhiều khó khăn bên cạnh nữa mà điển hình nhất chính là việc độ trễ, lag có thể sẽ bị ảnh hưởng - yếu tố cực kỳ quan trọng trong bất kỳ tựa game bắn súng nào. Thế nên, đa phần các tựa game ở thời điểm hiện tại đều sẽ áp dụng phương pháp chống hack cao cấp bằng quét hệ thống và phân tích dữ liệu. 90% các phần mềm, thuật toán hack cơ bản sẽ bị phát hiện - nhưng nếu bạn nằm trong số 10% giàu có, sẵn sàng chạy theo, sở hữu các công nghệ hack mới thì xin chúc mừng, phương pháp cũng phải bó tay mà thôi.