Tin nhắn Facebook Messenger thông báo trúng thưởng chiếc xe tay ga trị giá hơn 100 triệu đồng, email chào mời mua vé số điện toán của nước ngoài, SMS giới thiệu chương trình cá độ bóng đá gửi qua iMessage,... là những gì người dùng internet tại Việt Nam có thể gặp phải trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát vừa qua. Khi nhận các thông tin này, người dùng phải thật sự tỉnh táo và kiểm tra thận trọng để đảm bảo không rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
Với các thông tin trúng thưởng nhắn qua Facebook hay cuộc gọi, người dùng phải tự nghiệm lại bản thân có từng đăng ký hay tham gia chương trình đó hay không. Hầu hết những chương trình như vậy sẽ được tổ chức bởi một đơn vị uy tín và thông qua trang Facebook có "tick" xanh. Nếu mọi chi tiết đều đảm bảo độ xác thực, người dùng không có lý do gì từ chối món quà may mắn của mình.
Ngược lại, nếu nhận thông tin trúng thưởng "từ trên trời rơi xuống" từ một tài khoản Facebook hay số điện thoại lạ hoắc, người dùng internet phải cẩn trọng vì khả năng rất cao đó là lừa đảo. Khi đó, người dùng tuyệt đối không gửi bất kỳ thông tin cá nhân nào cho đối phương, đặc biệt không chuyển bất kỳ khoản tiền nào gọi là "thuế quà tặng" hay "phí ship".
Còn với lĩnh vực xổ số điện toán, dịch vụ mua hộ các loại vé số của Mỹ qua mạng (có thể thông qua đại lý tại Mỹ) không phải mới tại Việt Nam. Hà Nội, TP.HCM cùng nhiều tỉnh, thành đang tạm dừng hoạt động xổ số để phòng, chống dịch COVID-19 càng tạo ra cơ hội cho những dịch vụ như thế này. Mở ra trước mắt người chơi là những giải thưởng trị giá tính bằng trăm triệu đô, tỉ đô của Mega Millions hay Powerball, nhưng người chơi phải mất thêm phí dịch vụ mua hộ và còn đó một số vấn đề pháp lý cần làm rõ.
Theo các thỏa thuận tự do thương mại quốc tế, các trò chơi giải trí có thưởng luôn là dịch vụ không nằm trong cam kết mở cửa và nhiều quốc gia có đạo luật nghiêm cấm các dịch vụ xuyên biên giới này.
Quy định của Powerball nêu rõ họ có thể từ chối trả thưởng cho người mua vé số bên ngoài phạm vi bán vé.
Quy định của Mega Millions cũng là không bán vé bên ngoài nước Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên Facebooker Lê Trung Nhân đặt câu hỏi "Ví dụ trúng Jackpot rồi công ty chạy mất thì sao?" trên fanpage của một dịch vụ mua hộ vé số Mỹ. Đó là nỗi lo hiện hữu không chỉ với người này mà còn với những người chơi khác tại Việt Nam muốn mua vé số xuyên biên giới thông qua các dịch vụ chưa có pháp nhân chuẩn chỉnh. Ngoài ra, tính pháp lý sẽ ra sao khi một công dân Việt Nam sống tại Việt Nam trúng Jackpot của chương trình xổ số ở Mỹ?
Theo quy định của Powerball, người chơi không nhất thiết phải là công dân Mỹ hoặc định cư tại Mỹ. Tuy nhiên, để mua vé thì người chơi phải tới khu vực mà Powerball được phép hoạt động, đồng thời chỉ có thể mua vé trực tiếp tại đại lý được cấp phép hoặc ủy quyền của công ty xổ số này. Điều đó có nghĩa, chỉ khi sang Mỹ (định cư, du lịch,...) và tới tiểu bang có Powerball hoạt động thì người Việt Nam mới có thể sở hữu chính danh tờ vé số.
Trường hợp mua online, tùy đại lý ủy quyền mà họ có thể bán vé Powerball qua mạng dành cho người chơi ở khu vực Powerball hoạt động. "Việc bán vé Powerball qua internet hoặc qua đường bưu chính xuyên biên giới bị cấm. Công ty xổ số có thể từ chối trả thưởng cho vé Powerball được mua trên bất kỳ trang web nào khác ngoài trang web của đại lý ủy quyền", quy định của Powerball nêu rõ.
Còn theo quy định pháp luật của Việt Nam, xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ các doanh nghiệp được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh mới được bán các sản phẩm xổ số, và chỉ các sản phẩm xố số do các công ty này phát hành mới được pháp luật bảo vệ.
Năm 2021 này, việc các giải bóng đá lớn tầm quốc tế như VCK EURO, Olympic và vòng loại EURO liên tiếp diễn ra còn kéo theo loạt tin nhắn mời gọi người chơi tham gia các sàn cá độ. Hầu hết là những dịch vụ có máy chủ ở nước ngoài với rủi ro thua tiền rất cao, đã được Bộ Công an cảnh báo liên tục trong mùa EURO 2020 vừa qua.