Viết phần mềm - nghề kiếm bạc tỷ
Dịp Tết năm 2014, cái tên Nguyễn Hà Đông nổi bật trên các trang báo trong nước khi tựa game Flappy Bird trở thành hiện tượng.
Báo chí nước ngoài sau đó ước tính, trong suốt thời gian tồn tại trên hai chợ ứng dụng lớn nhất là App Store và Google Play, tựa game miễn phí này đã giúp Nguyễn Hà Đông kiếm được khoảng 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) mỗi ngày và khoảng 3 triệu USD từ quảng cáo trong game.
Mới đây, Cục thuế thành phố Hà Nội chia sẻ thông tin, một cô gái 9X ở quận Cầu Giấy, Hà Nội có thu nhập 330 tỷ đồng từ nghề viết ứng dụng trên Google Play và App Store. Cô gái này sau đó nộp thuế 23,4 tỷ đồng. Một nam giới 30 tuổi ở Cầu Giấy có thu nhập 260 tỷ đồng, cũng nhờ sáng tạo ra nhiều ứng dụng trên Google Play và App Store. Người này sau đó đã nộp 18,1 tỷ đồng tiền thuế. Đây là những cá nhân nộp thuế nhiều nhất trong năm qua tại Hà Nội.
Những thông tin trên hé lộ những điều ít người biết đến về nghề viết ứng dụng đăng tải trên hai chợ ứng dụng lớn nhất thế giới là App Store và Google Play.
Nguyễn Mạnh Quân (Thanh Xuân, Hà Nội), thành viên của một nhóm chuyên viết ứng dụng trên chia sẻ, có nhiều cách kiếm ra tiền khi đưa ứng dụng lên chợ.
Theo Quân, một số ít ứng dụng người mua phải trả phí, đa phần các ứng dụng, trò chơi được cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, câu chuyện thực chất không hề miễn phí, chỉ là người dùng không phải bỏ tiền ra, thay vào đó họ trả công người viết phần mềm bằng việc xem quảng cáo đính kèm trong các ứng dụng. Nếu không muốn xem quảng cáo, người dùng thường phải trả phí để mua ứng dụng.
Các phần mềm khi được đưa lên chợ ứng dụng có thể tiếp cận với người dùng toàn cầu, trong khi đó, so với thị trường quảng cáo tại Việt Nam, đơn giá tính quảng cáo tại các nước khác cao hơn nhiều lần. Đây cũng là nguồn thu chính của những người viết ứng dụng. Ứng dụng càng có nhiều người dùng thường xuyên thì tiền quảng cáo càng nhiều. Ngoài ra, người viết ứng dụng còn có thể thu tiền từ việc bán vật phẩm trong game. Tuy nhiên, trường hợp như vậy không nhiều.
Theo Ngô Hải Nam (Cầu Giấy, Hà Nội), khi tham gia vào cuộc chơi, những người viết ứng dụng thường có nguồn tiền thụ động liên tục kéo dài do hầu hết các ứng dụng thường tồn tại lâu dài trên các chợ, trừ khi chủ nhận của ứng dụng tự động rút khỏi chợ, hoặc vi phạm các quy định.
Nam cũng chia sẻ, những người có kinh nghiệm viết ứng dụng nhiều năm thường có khoản tích lũy kha khá do có thể tạo ra nhiều ứng dụng khiến tỷ lệ người dùng tăng lên, tiền thu về từ quảng cáo sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, Nam cho rằng việc kiếm được nhiều tiền hay không cũng phụ thuộc nhiều vào may rủi và không phải ai cũng thành công rực rỡ bởi nhiều ứng dụng đăng tải lên không có người dùng hoặc người dùng quá ít trong khi đầu tư thời gian và công sức không hề nhỏ.
Hơn nữa, trên thị trường hiện nay có sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các team làm ứng dụng, nếu sản phẩm không thực sự được người dùng đón nhận thì nguy cơ bại trận khá cao. “Vì vậy viết app là công việc có thể kiếm tiền tỷ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều sự cạnh tranh gay gắt và cả nguy cơ thất bại”, Nam nói.
Kiếm 330 tỷ: Chuyện có dễ không?
Nghề viết phần mềm hay viết code cơ bản là lập trình phần mềm trong nhiều mảng như mobile, web, data, AI (trí tuệ nhân tạo)... Mỗi phần mềm sẽ có các tính năng, rồi chia nhỏ thành các nhiệm vụ.
Hiện các công ty công nghệ có thể tuyển nhân viên về viết code hoặc thuê ngoài (outsource), tùy vào từng hình thức mà công việc cũng sẽ khác nhau.
Để học được viết code quả thực cần quá trình dài hơi và rất vất vả. Ngoài các kiến thức, thuật toán, người học còn phải học sử dụng các ngôn ngữ: C, Java, C++.
Thực tập sinh viết code thì lương dao động dưới 6 triệu đồng/tháng; mới ra trường có thể kiếm lương từ 8-12 triệu đồng/tháng. Những người làm 2-3 năm có thể có lương tầm 15-20 triệu/tháng. Khi đạt được tới trên 3 năm kinh nghiệm thì lương càng cao hơn.
Theo nhà phát triển game CodinGames, một lập trình viên ở Mỹ trung bình có thể kiếm được 95.744 USD mỗi năm trong khi đó, một lập trình viên ở Đức có thể kiếm được 61.022 USD/năm. Một kỹ sư hệ thống của một Trung tâm kỹ thuật cho hay, để làm ra được 1 phần mềm (app) tốn rất nhiều chất xám và thời gian để lập trình. Đó là chưa kể để lên nhóm đầu (top) của các cửa hàng ứng dụng (global store) như Google Play và App Store khá khó khăn, phải có thủ thuật. Hoặc là app đó phải thật sự chất lượng. Vì vậy, để có thu nhập "khủng" như vậy cần nhiều app lên nhóm dẫn đầu lượt tải về. Cho nên, có lẽ sẽ cần nhiều người cùng làm hoặc để làm nhanh sẽ có kiểu sửa đổi lại các app đã có. Và vì vậy, chuyện bạn nữ Việt Nam kiếm 330 tỷ nói trên được nhận xét là hàng hiếm có khó tìm.