Công nghệ bùng nổ thúc đẩy chuyển đổi số

Các doanh nghiệp đang hướng tới giải pháp công nghệ nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, tăng trải nghiệm khách hàng, đem lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh.

Cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới, cải tiến quy trình và phương thức hoạt động để giảm thiểu chi phí, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng doanh thu, đem lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh. Theo một nghiên cứu mới nhất của Gartner công bố hồi tháng 3/2018, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có 3 nội dung mà các CIO quan tâm là: Hiệu quả hoạt động - Tăng trưởng và thị phần - Chuyển đổi số.

Vai trò của đám mây

CIO là người dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp. Nếu như trước đây họ chỉ phải lo về hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, thì ngày nay còn phải quan tâm tới kiến trúc điện toán đám mây cùng nhiều công nghệ mới nổi, gia tăng phân tích để trao quyền nhiều hơn cho lực lượng lao động giúp họ gần gũi khách hàng hơn.

Chia sẻ tại sự kiện Azure Summit 2018 diễn ra hôm 24/5/2018 tại TP.HCM, ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, 5 năm trước các doanh nghiệp Việt Nam thường băn khoăn với câu hỏi “làm sao để bảo vệ dữ liệu trên mây?”, nhưng giờ đây họ đã thấy rõ rằng “dữ liệu để trên mây an toàn hơn tự giữ rất nhiều”.

Điện toán đám mây đem lại cho doanh nghiệp những lợi ích thấy rõ, như giảm chi phí, tiện cho làm việc di động, linh hoạt trong lưu trữ và khả năng mở rộng. Dĩ nhiên vẫn còn những e ngại về vấn đề an ninh bảo mật đối với dữ liệu quan trọng, nhất là đang ở vào thời điểm nhạy cảm của các công ty công nghệ lớn với vấn đề quyền riêng tư. Nhưng, Bộ luật bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR) đã bắt đầu có hiệu lực (kể từ ngày 25/5/2018), và mặc dù luật chỉ áp dụng cho dữ liệu của những ai đang ở Liên minh châu Âu (EU), nhưng bản chất toàn cầu của Internet có nghĩa là mọi dịch vụ trực tuyến sẽ bị ảnh hưởng, buộc các công ty công nghệ phải tuân thủ các điều luật nghiêm ngặt bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng được qui định trong bộ luật này.

Đám mây không chỉ đơn thuần là để lưu trữ dữ liệu. Các dịch vụ đám mây đã phát triển nhanh những năm gần đây. Nhiều giải pháp cho phép doanh nghiệp cân bằng giữa tính linh hoạt, bảo mật, chi phí và tốc độ, đảm bảo duy trì công việc liên tục cả khi mất kết nối Internet. Theo nghiên cứu chuyển đổi số khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2018 do Microsoft phối hợp với IDC thực hiện, các doanh nghiệp tiên phong trong cuộc đua chuyển đổi số nhận định rằng, điện toán đám mây chính là công nghệ nền tảng mà các doanh nghiệp cần đầu tư, nhằm tạo dựng những lợi thế cạnh tranh với đối thủ của mình.

Cũng theo nghiên cứu này, điện toán đám mây chính là nền tảng để phát triển những công nghệ vượt trội như AI. Tầm quan trọng của đám mây theo chia sẻ của ông Phạm Thế Trường là: “Không có đám mây các doanh nghiệp sẽ khó thực hiện lưu trữ dữ liệu với quy mô lớn. Không có dữ liệu lớn, những công nghệ như AI/ Cognitive/ Robotics sẽ không thể thực hiện được”.

Nhiều công nghệ chín muồi

Từ lâu chúng ta đã nói về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), nhưng công nghệ AI mới chỉ bùng nổ trong thời gian gần đây. Đó là nhờ điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data) và các thuật toán máy học (machine learning) đã chín muồi. AI đang thâm nhập rộng rãi vào cuộc sống, từ các hệ thống nhà thông minh, thành phố thông minh cho đến tự động hóa trong trồng trọt, hay các xe tự lái chạy thử nghiệm trên đường ngày càng nhiều.

Lấy ví dụ với hệ thống AI dựa trên đám mây Azure của Microsoft. Một chiếc camera nối với máy tính có khả năng nhận biết độ tuổi, giới tính, cảm xúc, chỉ số hạnh phúc của đối tượng, phân biệt người và vật thể trong khu vực quét ảnh, đếm số người theo giới tính... Những tính năng này có thể hiện diện trong nhiều giải pháp triển khai cho nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn triển khai tại sân bay giúp lọc đối tượng trong đám đông dựa trên đặc điểm nhận dạng, cảm xúc khuôn mặt. Ứng dụng nhận dạng trên mây thậm chí có thể được dùng để làm thủ tục check in cho khách với thời gian chỉ mất vài giây.

AI phát triển đem lại cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp trong các giải pháp chăm sóc khách hàng, từ cải thiện đáng kể sự tương tác tự động giữa khách hàng và doanh nghiệp, cho đến hỗ trợ các đội bán hàng. Chẳng hạn, khi một khách hàng vừa bước chân vào cửa hàng thời trang thì nhân viên bán hàng biết ngay món hàng nào phù hợp và chuẩn bị sẵn mẫu quần áo cho khách trong phòng thử đồ.

Người dùng di động đã quen với sự thông minh của các trợ lý ảo như Amazon Alexa, hay Siri của Apple, Google Now. Đó là động lực và cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai những giải pháp dựa trên giao diện người dùng tương tác tự nhiên bằng giọng nói. Một ứng dụng nổi bật là Seeing AI của Microsoft giúp người khiếm thị nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Ứng dụng sử dụng công nghệ AI để phân tích, nhận dạng cảm xúc, mã vạch đến chữ viết tay, sau đó đọc kết quả cho người khiếm thị.

Internet of Things (IoT) hứa hẹn mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống, nhưng trước đây các doanh nghiệp không mấy mặn mà vì sợ tốn kém và phức tạp trong triển khai. Giờ đây đã có nhiều nền tảng IoT sẵn có cho phép các doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhanh hơn với nhiều tính năng hơn mà vẫn tiết kiệm chi phí.

Ông Phạm Anh Vũ, chuyên gia công nghệ của Microsoft, trình diễn khả năng nhận dạng của Azure AI tại sự kiện Azure Summit 2018.

Thời gian gần đây, công nghệ Blockchain bỗng nhiên “hot” cùng với sự lên ngôi của Bitcoin vào cuối năm vừa qua. Blockchain tuy mới mẻ nhưng được cho là có tiềm năng ứng dụng cho nhiều ngành. Sổ cái không thể bị thay đổi này ứng dụng trong lĩnh vực dịch vụ công không chỉ tiết giảm chi phí và loại bỏ sự phức tạp của khâu trung gian, mà  còn cho phép người dân kiểm soát một số dữ liệu khi sử dụng dịch vụ.

Blockchain đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, như kho vận, Fintech, chăm sóc sức khỏe…. Chẳng hạn trong ngành kho vận, vận đơn theo truyền thống thường được lập bằng giấy, yêu cầu nhiều chữ ký của nhân viên kiểm tra và người nhận trước khi hàng hóa có thể được giao. Thậm chí cả khi đã áp dụng hệ thống điện tử thì qui trình vẫn rườm rà vì đòi hỏi nhiều bên ký kết. Để đơn giản hóa qui trình, công ty vận chuyển công-ten-nơ lớn nhất thế giới, Maersk, gần đây đã sử dụng sổ cái dựa trên Blockchain trong việc quản lý và theo dõi đường đi của hàng chục triệu công-ten-nơ bằng cách số hóa chuỗi cung ứng. Mỗi thành viên trong chuỗi cung ứng vận chuyển có thể xem lộ trình hàng hóa thông qua sổ cái Blockchain, biết được công-ten-nơ đang ở đâu trong quá trình vận chuyển. Họ cũng có thể xem tình trạng tài liệu hải quan, không ai có thể sửa đổi, xóa hay thậm chí thêm vào bất kỳ block nào mà không có sự đồng thuận của những người khác trong mạng.

Tại những nước có nền y tế phát triển như Mỹ, nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe đang tích cực chuyển đổi số để tạo ra những trải nghiệm số tích cực cho bệnh nhân. Hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa tích hợp những ứng dụng cho phép người dùng tự tìm bác sĩ cho mình, đặt lịch hẹn khám, khám bệnh qua video, đăng ký ngày nhập viện… Khám bệnh từ xa qua video, khả năng nhận tin nhắn cập nhật về các cuộc hẹn hay nhắc nhở uống thuốc, và sự phát triển của các thiết bị đeo tất cả tạo cho y tế trở thành một trong những lĩnh vực dẫn đầu về chuyển đổi số.

PC WORLD VN, T6/2018