“Bẫy” đầu tư tài chính
“Tôi đã mất sạch tiền tiết kiệm và mắc một khoản nợ lớn. Tôi không biết mất bao lâu mới trả hết số tiền này”, người phụ nữ tên Lý Lan (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) nghẹn ngào khi kể lại trải nghiệm của mình với phóng viên của tờ 163.
Theo đó, vào tháng 1 năm nay, cô đã tải một một ứng dụng để thực hiện đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, cô không biết đây là một ứng dụng giả được tạo dựng để chiếm đoạt tiền của những người tham gia.
Lý Lan nhớ rất rõ rằng cô bắt đầu chuyển tiền vào ứng dụng để đầu tư lúc 16h30 ngày 3/1. Đến 21h30 ngày 7/1, số tiền này đã tăng lên gấp 4 lần, đạt khoảng 1,2 triệu NDT.
Đối với những nạn nhân như người phụ nữ này, cô nghĩ rằng tiền của mình đã được chuyển vào sản giao dịch. Song thực tế, ứng dụng này không được kết nối với thị trường thực. Số tiền mà nạn nhân đầu tư sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của kẻ lừa đảo.
“Anh ta nói rằng làm việc tại một công ty chứng khoán và công khai số điện thoại nghề nghiệp trong nhóm đầu tư. Tôi đã kiểm tra trên trang web chính thức của Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc và quả thực số điện thoại và họ tên của chủ sở hữu trùng khớp”, Lý Lan chia sẻ lại trải nghiệm của mình.
Dưới sự hướng dẫn của người tự xưng là môi giới, cô đã quét mã QR và tải xuống ứng dụng này để thực hiện việc đầu tư chứng khoán. “Người đàn ông hướng dẫn tôi giới thiệu rằng đây là phần mềm được phát triển dưới sự hợp tác của một công ty nước ngoài và quy trình đăng ký rất đơn giản”, vừa nói, người phụ nữ vừa đưa cho phóng viên xem giao diện của ứng dụng này. Giao diện không khác gì so với một ứng dụng đầu tư chứng khoán thật.
Sau khi đã thuyết phục được các nhà đầu tư tải ứng dụng, người tự xưng là nhân viên môi giới chứng khoán bắt đầu tung ra những “mồi nhử” để nạn nhân ‘bơm’ tiền vào ứng dụng.
Ảnh minh hoạ
Theo lời của Lý Lan, người này nói rằng nếu số tiền gốc của bạn trong khoảng 10.000-50.000 NDT thì sẽ nhận được khoản lãi cao gấp 2 lần. Tuy nhiên, số tiền gốc từ 60.000-200.000 NDT thì tiền lãi nhận về tăng gấp 3 lần. Còn từ 210.000-500.000 NDT, tiền lãi sẽ tăng gấp 4 lần. Hiểu một cách đơn giản, vốn càng lớn tiền lãi nhận về càng cao.
Ban đầu, Lý Lan nghi ngờ về mức lợi nhuận cao như vậy. Song người tự xưng là nhân viên môi giới này đã đưa hình ảnh chứng minh về những nhà đầu tư trước đó nhận được khoản lãi tương ứng. Thậm chí, những thành viên trong nhóm do người này lập ra đều đưa hình ảnh chứng minh số tiền mình đã kiếm được. Lúc này, cô hoàn toàn tin tưởng, không chút nghi ngờ.
“Sập bẫy” theo cách không ngờ
Phấn khích với khoản lãi cao, ngay lần đầu tiên, Lý Lan quyết định nạp hết toàn bộ tiền tiết kiệm 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) vào ứng dụng này. Theo lời kể của cô, trong những ngày đầu, khoản tiền lãi thông báo trên ứng dụng đúng như những gì người môi giới nói. “Tiền lãi tăng chóng mặt. Đầu từ 300.000 NDT, trong vòng 5 ngày đầu, tôi đã thấy ứng dụng báo khoản lãi nhận được là 1,2 triệu NDT”, cô nói.
Nhận thấy tiền lãi bắt đầu tăng cao, Lý Lan quyết định chuyển khoản tiền này từ ứng dụng đầu tư về thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, khi thực hiện thao tác này trên ứng dụng, cô lại nhận được thông báo phải nạp vào ứng dụng 190.000 NDT thì mới rút được khoản tiền lãi. Thấy lạ với quy định này, cô quyết định liên lạc với những người trong nhóm đầu tư. Tất cả thành viên trong đây xác nhận đều phải nạp vào khoản tiền đó và đã rút tiền thành công.
“Không còn tiền, tôi quyết định đi vay mọi người để có được 190.000 NDT nhằm chuyển vào ứng dụng. Ngay sau khi nạp tiền vào, ứng dụng tiếp tục báo thẻ ngân hàng không khả dụng, yêu cầu tôi tiếp tục chuyển vào 50.000 NDT để xác minh”, Lý Lan kể lại.
Với chiêu thức này, chỉ vài ngày sau khi nạp vào ứng dụng 300.000 NDT, cô tiếp tục chuyển vào đây 240.000 NDT. Tổng cổng số tiền cô đã tiêu tốn là 540.000 NDT (khoảng 1,8 tỷ đồng).
Sau khi chuyển tiền theo yêu cầu, người phụ nữ này hy vọng sẽ rút được khoản lãi 1,2 triệu NDT. Song thực tế, ngay sau đó, ứng dụng này báo lỗi và màn hình hiện trắng xoá. Lập tức, cô liên lạc với người tự xưng là môi giới chứng khoán để làm rõ mọi việc thì tổng đài báo số điện thoại không tồn tại. Cô tìm lại nhóm bao gồm các nhà đầu tư thì không thấy.
Cho đến lúc này, Lý Lan phát hiện mình đã bị lừa. Cô lập tức liên lạc với cảnh sát Trung Quốc để báo cáo tình hình. Viên cảnh sát cho biết họ cũng vừa tiếp nhận hàng chục nạn nhân cũng bị lừa số tiền lớn với chiêu thức tương tự. Người này chia sẻ thêm đội cảnh sát công nghệ cao của thành phố đang tiến hành thu thập thông tin và mở rộng điều tra.
1 tháng sau, Lý Lan bất ngờ nhận được cuộc gọi của cơ quan cảnh sát Trung Quốc để thông báo về kết quả. Theo đó, đây là chiêu thức lừa đảo tinh vi. Lợi dụng lòng tham của những nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán, những kẻ lừa đảo lập ra ứng dụng giả mạo và luôn tung hô rằng được hưởng lợi nhuận cao. Từ đó, các nạn nhân nạp tiền vào ứng dụng và thực hiện đầu tư.
Ảnh minh hoạ
Sau khi các nạn nhân “cắn câu” đầu tư với số tiền lớn thì những kẻ lừa đảo này đưa ra đủ lý do để bạn không thể rút được khoản tiền vốn ban đầu nhằm chiếm đoạt tài sản. Viên cảnh sát cho biết, nhóm người được môi giới chứng khoán lập lên đều là những kẻ lừa đảo được cấu kết với nhau nhằm gây dựng lòng tin cho nạn nhân.
Thông qua trường hợp này, viên cảnh sát đã đưa ra lời khuyên, người dân tuyệt đối không nghe, không làm theo lời dụ dỗ về việc đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán, càng tuyệt đối không nên đánh cược vào sự may rủi.
Nếu bất chấp tham gia đầu tư, bạn sẽ đứng trước rủi ro rất lớn, có thể bị chiếm đoạt, mất toàn bộ tiền đầu tư. Người dân phải luôn giữ cảnh giác, chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín, đã được xác thực.
Theo 163