Giật mình với cặp lỗ đen quái vật xuất hiện gần chúng ta nhất

Trong một thiên hà mang tên NGC 7727, 2 lỗ đen quái vật gần Trái Đất nhất từng được phát hiện đang trong quá trình hợp nhất thành 1 "siêu quái vật".

Lỗ đen quái vật là biệt danh các nhà thiên văn dùng để chỉ các lỗ đen siêu khối, ví dụ lỗ đen ở trung tâm thiên hà Milky Way chúng ta. Cặp lỗ đen vừa phát hiện cũng mang tính chất tương tự.

Với khoảng cách chỉ 89 triệu năm ánh sáng, đó là cặp lỗ đen nhị phân gần nhất từng được quan sát, theo tuyên bố của nhà thiên văn học Karina Voggel từ Đài quan sát Strasbourg (Pháp), tác giả dẫn đầu nghiên cứu. Cặp lỗ đen giữ kỷ lục gần nhất trước đó cách chúng ta tận 470 triệu năm ánh sáng.

Giật mình với cặp lỗ đen quái vật xuất hiện gần chúng ta nhất - 1

Bài công bố vừa đăng tải trên Astronomy & Astrophysics cho hay các phép đo mới thăm dò tâm thiên hà phát hiện ra rằng trái tim của NGC 7727 là một "quái vật đôi".

Quan sát được 2 lỗ đen quái vật đang hợp nhất là một khoảnh khắc vô cùng quý giá, bởi đó là bằng chứng cho thấy 2 thiên hà khổng lồ và mạnh mẽ vừa mới nuốt nhau, và quá trình hợp nhất lỗ đen trung tâm là bước cuối cùng.

Theo Science Alert, các hệ nhị phân này cũng giúp các nhà thiên văn biết được làm thế nào những vật thể cực lớn, có khối lượng hàng tỉ Mặt trời này có thể đạt được kích thước và sức mạnh khủng khiếp như vậy.

Việc quan sát lỗ đen hợp nhất khá khó khăn bởi lỗ đen gần như vô hình, chỉ có thể quan sát nó gián tiếp vào những giai đoạn nó đang nuốt vật chất mạnh mẽ.

Dự kiến trong tương lai 2 tỉ năm tới, thiên hà chứa Trái Đất Milky Way cũng sẽ có cuộc hợp nhất khốc liệt với một thiên hà cũng to lớn giống vậy - thiên hà Tiên Nữ, một người hàng xóm "quái vật".