Các cụ nhà ta có câu “tham thì thâm” dùng trong trường hợp này thì không gì hợp lí bằng. Vốn dĩ NVIDIA đang rất vững vàng với những mảng thị phần béo bở khiến cả Inteal và AMD thèm nhỏ dãi. Nhưng sự thực mối quan hệ đối đầu 3 bên lại chính là lí do để NVIDIA có thể thảnh thơi tiếp cận và thâm nhập sâu vào thị trường hơn đối thủ.
Nước đi mới mang tên GeForce Partner Program (GPP) của NVIDIA nhằm độc bá thị trường GPU có lẽ là nước cờ dở nhất trong chiến lược kinh doanh của hãng này. Với GPP, NVIDIA muốn được trở thành nhà độc quyền GPU đối với các hãng OEMs sản xuất card đồ họa như MSI, Asus hay Gigabyte. Nếu viễn cảnh tồi tệ đó xảy ra không những AMD mà cả Intel sẽ bị ảnh hưởng nặng nề ngay cả với người tiêu dùng cũng vậy, thử tưởng tượng một môi trường không có cạnh tranh giá card màn hình sẽ ra sao và chất lượng dịch vụ sẽ như thế nào... Quả thực tôi cũng không dám nghĩ đến.
Hiển nhiên động thái cạnh tranh không lành mạnh này của NVIDIA vấp phải sự phản đối mãnh liệt mà người đi tiên phong không phải ai khác mà là Intel. Mặc dù Intel đang ở thế thượng phong trong thị trường sản xuất vi xử lí nhưng thực chất NVIDIA đang trên đà phát triển rất nhanh chóng trong thị trường Datacenter vốn là miếng bánh thị phần béo bở do Intel khai thác thời gian qua. Không chỉ vậy, nếu so về mảng GPU dùng cho AI và Deep Learning thì Intel không có cửa đấu lại NVIDIA.
Mặc dù đồng thời chịu sự cạnh tranh từ AMD do CPU Ryzen của hãng này khiến doanh thu Q1/2018 của Intel sụt mất 4% nhưng nếu suy tính kĩ càng rõ ràng bắt tay với AMD thì Intel sẽ thu về nhiều lợi ích rõ rệt. Intel sẽ được bổ sung công nghệ xử lí đồ họa từ AMD kết hợp với CPU Core i7 Kaby Lake-G tạo ra một sản phẩm hiệu năng tương đối tốt. Qua đó, Intel có thể lấn sân vào thị trường gaming do NVIDIA nắm giữ đến hơn 66% thị phần, điều mà từ trước đến nay dù muốn Intel cũng không làm được. Kế đó nhờ cung cấp giải pháp gaming kết hợp cho hiệu năng tốt, chắc chắn doanh số CPU Core i7 Kaby Lake-G của Intel sẽ được cải thiện đáng kể.Đó là chưa kể việc hợp tác này giúp Intel giải được bài toán khó giải pháp đồ họa tích hợp, thay vào đó hãng có thể dồn tâm lực hoàn thiện các bộ vi xử lý của mình đúng là “một mũi tên trúng 3 con nhạn”.
Mặt khác do vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía dư luận, chương trình GPP của NVIDIA đã bị hủy bỏ nhưng hậu quả để lại cho hãng này khá nặng nề khi hai hãng sản xuất Dell và HP bày tỏ sự đồng thuận với thiết kế CPU + Vega M GPU của Intel. Sắp tới hai hãng này sẽ cho ra những sản phẩm laptop mới sử dụng CPU Kaby Lake-G tích hợp GPU Radeon RX Vega M. Có thể nói NVIDIA đã chịu tổn thất lớn khi đưa ra GPP vừa không đạt được mục đích vừa vô tình tạo cầu nối cho 2 kẻ thù là AMD và Intel, có lẽ trong thời gian tới đây NVIDIA sẽ phải dè chừng nhiều hơn khi đưa ra những chiến lược kinh doanh như thế này.