Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Nathan Hara từ Đại học Geneve (Thụy Sĩ), ngoài hành tinh gần sao mẹ nhất, 5 hành tinh còn lại đi theo một chuỗi cộng hưởng 18:9:6:4:3 hoàn hảo.
Sci-News giải thích chuỗi này có nghĩa là hành tinh thứ 2 từ sao mẹ quay 18 vòng thì trong cùng thời gian hành tinh thứ 3 quay được 9 vòng; và cùng lúc đó hành tinh thứ 4 quay 6 vòng... "Vũ điệu hành tinh" của chúng thêm nhịp nhàng khi một số hành tinh thẳng hàng sau vài quỹ đạo.
Hiện tượng cộng hưởng quỹ đạo là rất hiếm hoi trong vũ trụ. Ở hệ Mặt Trời của chúng ta, chỉ có Sao Hải Vương và hành tinh lùn Sao Diêm Vương là có sự cộng hưởng quỹ đạo 3:2. Chuỗi cộng hưởng 5 hành tinh nói trên là chuỗi dài nhất từng được biết đến.
Điều này còn cho thấy hệ sao 7,1 tỉ năm tuổi này là thế giới bình lặng trong vũ trụ. Nếu như từng xảy ra những va chạm khốc liệt trong những ngày đầu hệ sao hình thành, đã không thể có chuỗi cộng hưởng quỹ đạo hoàn hảo nói trên. Lấy ví dụ, nhiều bằng chứng cho thấy hệ Mặt Trời sơ khai có nhiều vụ va chạm hành tinh trước khi bình yên như ngày nay: hành tinh Theia cỡ Sao Hỏa đâm vào Trái Đất, một hành tinh bí ẩn đã từng bị văng khỏi hệ Mặt Trời...
Bài công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics còn cho biết các hành tinh trong hệ sao lùn cam nằm trong chòm Sculptor (Ngọc Phu) này có kích thước 1-3 lần Trái Đất, khối lượng gấp 1,5 đến 30 lần. Có 3 loại hành tinh. Một là dạng hành tinh dày đặc giống Trái Đất, và mật độ này cho thế nó có lẽ cũng là hành tinh đá như địa cầu, một dạng hành tinh mịn với mật độ bằng một nửa Sao Hải Vương và dạng cuối cùng là các "tiểu Hải Vương Tinh".