Hãy thử tưởng tượng nếu nhà bạn có nhiều thiết bị cùng kết nối với một chiếc router. Trong lúc trận chiến lên đến đỉnh điểm nhưng chẳng may bố bạn lại đọc báo mạng với một đống các hiệu ứng động và video chồng chéo lên nhau, trong khi mẹ bạn thì lại mùi mẫn những series phim Hàn Quốc. Ngay lập tức bạn nhận ra rằng mọi chuyện trở nên không ổn khi khả năng điều khiển của bạn bị hạn chế và hình ảnh thì cứ bay tứ tung như là tele thì chắc chắn là đường truyền của bạn bị chiếm dụng khá nhiều rồi đó. Và đó là lúc mà chiếc Router Gaming trở nên cần thiết hơn bao giờ hết nếu bạn không muốn có ai đó can thiệp vào trận đấu của bạn.
Đập hộp sang chảnh
Ngay khi mở hộp, điểm đầu tiên đập vào mắt bạn là lớp đệm nhung rất là sang chảnh ở ngay mặt dưới của phần nắp hộp. Lớp đệm này nhằm bảo vệ cho phần thân chính của router. Bên dưới chiếc router này là 4 antenna, một adapter cấp nguồn và một sợi cáp mạng dùng để kết nối cổng WAN với các nguồn phát khác. Tất cả linh phụ kiện đều được sắp xếp rất gọn gàng trong một chiếc hộp trông cao cấp hơn rất nhiều các sản phẩm cùng phân khúc.
Thiết kế
Phần thân chính của router được thiết kế khá lớn và hầm hố trông khá giống một chiếc phi thuyền hay là một con cua nhưng chỉ có 4 chân. Nhận diện thương hiệu Linksys khá lớn ở ngay chính giữa và chiếm khoảng 1 nửa mặt trên. Một nửa còn lại là các lỗ thông khí đối lưu giúp thoát nhiệt cho router bởi chúng ta đều biết rằng chiếc router này là một chiếc máy tính rất nhỏ với đủ các bộ phận xử lý như CPU, Ram v.v Mặt trước của router phần lớn là dành cho chức năng hiển thị với các biểu tượng sinh động chứ không chỉ đơn giản là những dấu chấm nhấp nháy rất nhàm chán đối với người dùng là game thủ.
Toàn bộ khu vực kết nối nằm ở mặt sau của chiếc router cũng giống như hầu hết những bộ định tuyến khác. Nhưng số lượng kết nối mới là vấn đề đáng nói ở chiếc router này. Ngoài 1 cổng WAN và 4 cổng LAN như thường lệ thì chiếc router này trang bị 1 cổng USB 3.0 và 1 cổng eSATA kiêm USB 2.0 . Một nút reset, một cổng cắm nguồn 12v và một công tắc là những gì còn lại mà chúng ta có ở mặt này. Tất cả các kết nối đều được kí hiệu và có màu sắc khác nhau để người dùng dễ phân biệt.
Mặt dưới của router không có gì nhiều ngoài hệ thống thông khí, phần chân đế cao giúp phần đáy của router thoát khỏi bề mặt bên dưới giúp luồng khí ra vào lớn hơn giúp làm mát hệ thống này tốt hơn.
Cấu hình chất
WRT32x sử dụng vi xử lý dual core Marvell 88F6820 ở 1.8GHz nhỉnh hơn nhiều so với ngay cả những chiếc router AC5400 ra đời trước đó không lâu, ngay cả Nighthawk X8 của Linksys cũng tỏ ra lép vế với tốc độ xử lý tín hiệu của chiếc router gaming này.
Bên cạnh đó, WRT32x còn được trang bị 512Mb RAM và 256MB chip nhớ NAND Flash hỗ trợ xử lý các tác vụ đọc ghi dữ liệu và vận hành mạng. Linksys còn trang bị cho chiếc router này hệ thống sóng radio của Marvell 88W8964 cho từng dải tần số với tốc độ tổng là AC3200 (600Mb/s cho dải tần 2.4GHz và 2,6Gb/s cho dải tần 5GHz
Giao diện cực Pro
Là một sản phẩm cao cấp dành cho game thủ, việc thiết kế GUI sao cho đúng tinh thần game thủ cũng là việc tối quan trọng. Linksys đã mang đến người dùng một giao diện cũng ngầu chẳng kém vẻ bề ngoài. Sự trau chuốt từ các khu vực menu đến các biểu tượng cũng như phong cách hiển thị đều rất hiện đại.
Đã là phi thuyền thì tốc độ cũng phải rất là thần sầu
Tốc độ là điểm cốt yếu mà một router cao cấp phải có. Nhưng đó vẫn là chưa đủ với một Router được gắn mác Gaming. Để trở thành Router Gaming, Linksys đã phải trang bị cho mình hệ thống xử lý mạng của Killer để có một đường truyền đủ "trong sạch" cho mỗi trận đấu online.
Để có được bài test tốt nhất, chúng tôi đã sử dụng hệ thống thử nghiệm như sau:
Mainboard: MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC
CPU: Intel Core i7-8700K
VGA: MSI GeForce GTX 1080Ti Armor
RAM: Corsair DDR4 Dominator Platinum 16Gb bus 2666 MHz
PSU: Andyson PX1200
Lý do để chúng tôi lựa chọn MSI Z370 Gaming Pro Carbon chính là vì đây là dòng bo mạch chủ có cả card mạng tích hợp Killer LAN lẫn card Wifi để test tốc độ.
Bài test 1: Tốc độ trên mạng LAN
Tốc độ mạng LAN mà chúng tôi có được trên WRT32x là 941Mbps. Đây là con số chấp nhận được với hầu hết các dòng sản phẩm Wifi cao cấp. Tuy còn hơi thấp hơn các dòng sản phẩm của các đối thủ khác nhưng cũng không phải là quá nhiều nếu đứng trên phương diện là một game thủ với một chiếc wifi tập trung ưu tiên đường truyền cho game chứ không dàn trải như các sản phẩm khác
Bài test 2: Tốc độ và tầm xa của sóng Wifi
Ở mảng này thì hoàn toàn khác, chúng tôi đo được một tốc độ truyền dữ liệu qua mạng không dây rất ấn tượng với WRT32x, vượt trội hơn rất nhiều so với nhiều sản phẩm khác. Sự mạnh mẽ này được thể hiện nhiều ở dải tần 5GHz chứ không quá khác biệt ở dải tần 2.4Ghz nhưng dù sao Linksys cũng đã thể hiện được vị trí của mình trên thị trường thiết bị mạng đặc biệt là mạng không dây.
Tốc độ các router trên dải tẩn 5GHz
Đối với khả năng phát sóng của Wifi của Linksys chúng tôi đã test mối tương quan giữa khoảng cách từ Wifi đến thiết bị và tốc độ truyền dữ liệu. WRT32x giữ vững vàng tốc độ của mình ở khoảng cách khá xa.ở cả 2 dải tần mà không bị sụt giảm về tốc độ quá nhiều
Bài test 3: Tốc độ truyền dữ liệu qua 3.0
Đây là bài test chủ yếu nhắm vào phần xử lý của bo mạch và hệ thống vi xử lý, ram v.v... Và với bài test này, Linksys khẳng định bản thân với cấu hình rất chất lượng của mình như chúng tôi đã liệt kê ở phần trước với tốc độ đọc ghi đều nhanh.
Tổng kết
Là một game thủ hardcore với nhiều trận đấu rất cân não trong suốt quá trình chơi game của mình. Chắc chắn bạn sẽ không muốn thành tích của mình bị giảm sút chỉ vì những lý do khách quan như hệ thống mạng và đường truyền. Linksys WRT32x thật sự là một chiếc router nên có trong nhà của mỗi game thủ nếu bạn thực sự coi trọng kết quả của trận đấu của mình.
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp
- Vùng phát sóng lớn
- Tốc độ đường truyền qua router khá ổn.
- Giao diện thân thiện
Nhược điểm
- Kích thước lớn, cần không gian rộng