Tối ưu Windows

Windows có nhiều thứ không cần đến. Bài viết giúp bạn tạo ra một bản Windows tùy biến để có thể cài đặt và dùng được ngay.

Phần mềm cài đặt sẵn (bloatware) trên máy tính khi bạn vừa mua về không phải lúc nào cũng phù hợp với nhu cầu cá nhân. Bạn cũng không thể có được một gã kỹ sư Microsoft ở bên cạnh để tạo giúp mình một phiên bản Windows như ý. Chúng ta không bàn đến chuyện dọn dẹp ổ cứng cho gọn gàng, hay "tút" lại menu Start. Sau khi cài hệ điều hành, Windows sẵn có một mớ ứng dụng có thể khiến thời gian khởi động chậm lại và máy chạy chậm hơn. Thậm chí có những ứng dụng theo dõi cả bạn đang làm gì trên máy tính và những ứng dụng gây khó chịu. Bài viết sẽ giúp bạn loại bỏ chúng, đồng thời giải thích thêm ứng dụng nào loại bỏ một cách an toàn, ứng dụng nào không.

Phải dọn dẹp mọi thứ ngay sau khi cài đặt là công việc nhàm chán và mệt mỏi. Nên cách tốt nhất là bạn tạo ra một bản Windows tùy chỉnh sẵn để dùng được ngay sau khi cài, bổ sung sẵn một vài ứng dụng thiết yếu, loại bớt những ứng dụng mặc định của Windows. Bạn cũng đừng so sánh Windows với Linux về điểm này vì chúng hoàn toàn khác nhau. Trong khi Linux có tính tùy biến cao thì Windows của Microsoft không khuyến khích bạn tùy chỉnh cho bản cài đặt. Bài viết dựa trên file ISO, bản Windows 10 Home mới nhất, được cập nhật cho Creators Update, vì phiên bản này được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Nếu bạn dùng bản Pro, có lẽ cần loại bỏ thêm một vài service khác nữa.

Tùy biến giao diện

Mặc dù giao diện của Windows 10 xem ra hợp lý và gọn gàng so với những phiên bản trước nhưng bạn có thể làm cho nó gọn, đẹp hơn nữa bằng cách loại bỏ bớt những thành phần không cần thiết. Đầu tiên là các tile trong menu Star. Windows 10 Pro có những công cụ như Group Policy Editor giúp dọn dẹp những tile này nhanh chóng, nhưng với bản Home người dùng phải làm thủ công, nhấn chuột phải lên từng tile rồi chọn "Unpin from Start", khá mất thời gian. Còn nếu bạn gỡ cài đặt ứng dụng thì cũng phải nhấn chuột phải lên từng tile và chọn Uninstall, nhưng chưa chắc bạn Uninstall được nếu không có quyền admin, mà phải gỡ cài đặt qua Powershell.

May mắn là Windows có một chỗ cho bạn tùy chỉnh diện mạo của menu Start và Taskbar một cách tiện lợi hơn. Bạn vào Settings -. Bạn có thể thay đổi màu sắc bằng cách chọn màu trong mục "Colors", sau đó chọn màu mình ưa thích cho menu Start, Action Center và Taskbar. Cũng ở trong cửa sổ ấy, bạn tắt các hiệu ứng trong suốt để có thể cải thiện một chút tốc độ máy tính, sau đó tiếp tục vào tab "Start". Bởi vì chúng ta quen thuộc với cách sắp xếp theo thứ tự alphabet nên Microsoft sắp xếp mặc định là vậy, nhưng không phải thứ tự ấy lúc nào cũng phù hợp. Nên bạn có thể sắp xếp ứng dụng lại theo thứ tự dùng nhiều nhất hoặc ứng dụng vừa mở gần đây. Ở cuối trang, bạn nhấn vào Choose which folders appear on Start để tạo đường dẫn nhanh cho thư mục mình thường mở.

Cơ bản đã xong, đến đây bạn cần làm vài chỉnh sửa chuyên sâu hơn một chút. Mở Control Panel -, sau đó nhấn vào tab Advanced. Tại đây, bạn sẽ chỉnh sửa một chút về tốc độ hệ thống, nên bạn có thể tắt mọi thứ không cần thiết khiến hệ thống chạy chậm. Bởi vì mục tiêu của chúng ta ở đây là tính hiệu quả, không phải bóng bẩy nên bài viết đề nghị bạn tắt hiệu ứng chuyển động (animation), hiệu ứng bóng mờ (fade) và bóng đổ (shadow). Lưu lại thay đổi, sau đó mở trình biên tập Registry và tìm đến khóa HKEY_CURRENT_USER\Control Panel\Desktop, mở mục "MenuShowDelay" và thay đổi giá trị cho nó. Cứ cho nó giá trị "0", menu Start sẽ hiện lên ngay lập tức khi bạn nhấn vào.

Tự mình quản lý từng dịch vụ là cách rất tốt, mặc dù bạn có thể tắt chúng hoàn toàn.
Tìm lại ứng dụng cơ bản

Đến đây, bạn mở lại Control Panel, bởi vì chúng ta sẽ chỉnh sửa một chút để phục hồi một số tính năng cơ bản nhưng hữu ích. Bạn vào Programs - và chọn Turn Windows features on or off. Ở đây không có nhiều thứ để bạn chỉnh cho PC chạy nhanh hơn, nhưng nó lại giúp bạn tránh được vài phiền toái khi sử dụng. Ví dụ, bạn bỏ Internet Explorer 11 cho “rảnh nợ” bởi vì chắc chắn là không dùng đến nó. Bạn cũng có thể tắt luôn Windows Media Player nếu không thích. Và nếu bạn muốn một chút phiêu lưu, có thể bật Windows Subsystem for Linux lên.

Tiếp đến, chúng ta cần chỉnh cho thời gian khởi động máy nhanh hơn một chút bằng cách tắt vài ứng dụng khởi chạy. Bạn vào Task Manager bằng cách nhấn Ctrl-Shift-Esc, và vào tab “Startup”. Mỗi chương trình liệt kê ở đây đều tự động chạy và được Windows đánh giá về sự tác động của chúng đến thời gian khởi động. Nếu bạn thấy chương trình nào không cần thiết hoặc ít khi dùng đến thì tốt nhất là nên tắt chúng khi hệ thống khởi động, ví dụ như bạn cần tắt dịch vụ lưu trữ trực tuyến OneDrive, nhấn chuột phải vào nó và chọn “Disabled”. Để tăng thêm khả năng quản lý, Microsoft còn có thêm công cụ Autoruns, là add-on miễn phí có cùng tính năng giống như Task Manager nhưng có thêm nhiều chức năng hơn.

Ngoài ra, trong Settings của Windows 10 bạn cũng có thể điều chỉnh thêm nhiều thứ khác. Microsoft muốn người dùng sử dụng các ứng dụng Universal của họ nên hãng thường muốn cho chúng chạy nền. Nhưng bạn cũng dễ dàng tắt các ứng dụng chạy nền. Trong “Privacy ”, bạn có thể tắt mọi thứ mình muốn.

Một tùy biến nhỏ khác có thể hữu ích nếu ổ cứng máy tính không còn nhiều dung lượng trống, đó là dọn dẹp các file tạm và xóa những phiên bản Windows cũ. Điều này cũng giúp hệ thống chạy nhanh hơn một chút trong vài ứng dụng, nhất là đối với ứng dụng nào cần dọn dẹp thư mục cache. Bạn vào File Explorer, nhấn chuột phải vào nó, chọn “Properties”, sau đó tìm mục “Disk Cleanup” trong tab “General”. Chọn các mục mà bạn muốn xóa, sau đó nhấn “Clean up system files”.

Bạn có thể tùy biến màu sắc Windows theo ý muốn.
Bỏ bớt dịch vụ

Dĩ nhiên, chúng ta đang làm lại một phiên bản Windows gọn gàng hơn. Nhưng Windows có một số dịch vụ chạy nền cốt lõi, không thể bỏ được, mà thông thường những dịch vụ ấy không liên quan đến UI nên bạn không nên tắt chúng. Microsoft nhiều năm qua dần dần cải tiến những dịch vụ ấy để giúp chúng chạy ổn định hơn, hiệu quả hơn và nội dung của các dịch vụ này nằm trong pagefile, đa phần là liên quan đến RAM hệ thống. Bạn có thể loại bỏ những dịch vụ này nhưng lúc ấy hệ thống sẽ không còn chạy ổn định nữa. Với những dịch vụ của các hãng bên thứ ba thì đây lại là câu truyện khác. Tắt những dịch vụ ấy đi có nghĩa là bạn đang thay đổi rất nhiều cho hệ thống, tác động trực tiếp đến tốc độ xử lý hệ thống nói chung.

Dịch vụ an toàn
Có một danh sách dịch vụ mà bạn có thể yên tâm "quậy phá", như chuyển từ trạng thái automatic sang manual để cải thiện thời gian khởi động, hoặc đơn giản là vô hiệu hóa (disable) chúng. Như bạn hoàn toàn có thể loại bỏ các dịch vụ như Connected User Services and Telemetry, dmwappushsvc và Diagnostic Tracking Service để ngăn không cho Windows theo dõi; sau đó đến các dịch vụ Diagnostic Policy Service, Windows Error Reporting Service và Program Compatibility Assistance Service để bỏ vài dịch vụ làm phiền bạn. Tắt luôn dịch vụ Remote Registry để có thêm chút an toàn cho hệ thống, và nếu bạn tự tin với cách phòng chống virus của mình, tắt luôn dịch vụ Windows Defender Service (và có thể là Security Center).
Ngoài ra, còn có nhiều dịch vụ không cần thiết trong trường hợp của riêng bạn. Tắt dịch vụ IP Helper nếu bạn không sử dụng IPv6, TCP/IP NetBIOS Helper nếu máy tính bạn không hoạt động trong một mạng nội bộ workgroup nào, hoặc Distributed Link Tracking Client nếu PC của bạn không chạy trên một mạng nội bộ nào. Tắt luôn dịch vụ Print Spooler nếu bạn không có máy in, Windows Image Acquisition (WIA) nếu không có máy quét, Touch Keyboard and Handwriting Panel Service nếu bạn không có màn hình chạm, Bluetooth Support nếu không có thiết bị Bluetooth nào, và Downloaded Maps Manager nếu bạn không bao giờ sử dụng ứng dụng bản đồ tích hợp của Windows.
Bạn cũng có thể muốn chuyển vài dịch vụ sang chế độ chỉnh thủ công (Manual) thay vì tắt chúng. Có ba dịch vụ về điều khiển máy tính từ xa là tùy chọn nên nếu bạn chuyển chúng sang manual sẽ tiết kiệm được chút thời gian khởi động. Có một kiểu chung về các dịch vụ này: trừ khi bạn hoàn toàn vô hiệu hóa chúng thì những tùy chọn còn lại đơn giản là bạn chỉ trì hoãn chúng chạy mà thôi, và vô hiệu hóa không phải lúc nào cũng là giải pháp tối ưu. Bạn cứ thử nghiệm và xem mỗi dịch vụ chạy thế nào.

Trước hết, bạn cần tìm được những dịch vụ nào đang chạy. Task Manager là nơi đầu tiên cần tìm đến. Bạn chuyển sang tab Advanced, cuộn xuống các mục có chữ đầu là "service host". Mọi dịch vụ đều được liệt kê tại đây thông qua công cụ svhost.exe và được phân loại rõ ràng, hoặc bạn có thể nhấn vào mũi tên bên trái để mở rộng từng loại dịch vụ. Bạn có thể lướt qua danh sách dịch vụ theo từng nhóm. Ví dụ những dịch vụ liên quan đến CPU thường được nhóm vào "Local System", và chúng thường có nhiệm vụ cập nhật Windows. Nhưng chúng ta biết là không có bản cập nhật nào đang chờ để chạy nên chúng ta có thể tắt chúng.

Nơi thứ hai để tìm kiếm các dịch vụ đang chạy ngoài Task Manager là cửa sổ Services. Bạn gõ vào thanh tìm kiếm ở menu Start chữ "services" và mở cửa sổ Management Console của Windows. Ở cửa sổ này, bạn không tìm được "Local System" trong danh sách nhưng bạn nên tìm hai thành phần là: Windows Update và Update Orchestrator. Nhấn chuột phải vào chúng và chọn "Stop", chúng sẽ có hiệu lực khi bạn khởi động lại máy. Nếu vẫn muốn chỉnh thêm, bạn nhấn chuột phải vào "Properties" của từng dịch vụ và xem cụ thể trong tab "General". Thay đổi "Startup type" sang "Disabled" và chúng sẽ không chạy cho đến khi bạn bật chúng trở lại. Cần lưu ý là trừ Windows thiết lập mặc định thì mọi chỉnh sửa các dịch vụ này đều không được Microsoft khuyến khích người dùng thực hiện. Thậm chí nguy hại hơn nếu bạn loại bỏ một loạt dịch vụ Windows cùng lúc. Bạn cũng có thể chạy công cụ chỉnh sửa Registry bằng cách gõ "regedit" trong thanh tìm kiếm, sau đó vào mục HKEY_LOCAL_MACHINE/SYSTEM/CurrentControlSet/Service. Tìm đúng dịch vụ mà bạn muốn tắt, nhưng tốt nhất là bạn nên đổi tên chúng, không nên xóa chúng.

Bạn có thể chọn tắt những tính năng của Windows trong cửa sổ này.
Quay về đúng lúc

Nếu bạn cài đặt hệ điều hành lên một máy mới thì không có lý do gì bạn phải dùng ISO mặc định của Microsoft. Công cụ tùy biến cài đặt NTLite thực sự giúp bạn tạo bản ISO cài đặt tùy biến dễ dàng và tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Ngoài ra, một bản Windows tùy biến, được "gọt bớt" cũng giảm thời gian cài đặt và bạn cũng có thể tích hợp thêm trình điều khiển, bản cập nhật, các phần mềm cần thiết cho bản tùy biến. Hơn nữa, đây là cách rất tuyệt để thay đổi hệ điều hành hiện thời bằng hệ điều hành mới, thay vì phải nâng cấp hệ điều hành như cách thông thường bằng công cụ cập nhật của Windows.

Tùy chỉnh công cụ dòng lệnh
 Gần đây, Microsoft có vẻ muốn tiếp cận Linux khi biến công cụ dòng lệnh của họ thân thiện hơn với công cụ dòng lệnh của Linux. Nhiều chuyên gia máy tính trước nay rất chuộng sức mạnh và tính tiện dụng của công cụ dòng lệnh Bash của Linux và cho rằng cửa sổ dòng lệnh có gốc từ DOS của Windows còn quá nhiều hạn chế. Microsoft tích cực làm việc để cho phép ứng dụng Android chạy được trên Windows, để rồi cuối cùng họ có được hệ thống Linux Subsystem, không phải là công cụ giả lập dòng lệnh Linux nhưng là trình biên dịch nội tại, thực sự có thể chạy được lệnh Linux, hệt như trong Linux.
Nhưng để chạy được dòng lệnh Linux trong Windows, đầu tiên, bạn cần vào Settings -
Vậy tại sao chúng ta lại cần dòng lệnh Bash trong Windows? Đầu tiên, đây là cách đơn giản để định vị. Bạn có thể dùng lệnh ls để xem nội dung file trong thư mục, xem cây thư mục; lệnh rm để xóa file hoặc thư mục; lệnh mv để di chuyển hay đổi tên file. Một khi bạn quen thuộc với những lệnh này, công cụ dòng lệnh sẽ cho bạn thấy đây là cách rất hiệu quả và nhanh hơn nhiều trong việc quản lý file và thư mục so với Windows File Explorer. Sau đó, bạn có thể truy cập được những ứng dụng cốt lõi của Bash, mà những ứng dụng này thường trội hơn ứng dụng tương đương của Windows. Ngoài ra, bạn còn có những ứng dụng độc đáo mà chỉ có trên Linux Ubuntu như công cụ quản lý package apt-get giúp bạn cài đặt ứng dụng dễ dàng chỉ với một dòng lệnh.

 Để cắt gọt ISO, tiến trình này không có gì phức tạp với công cụ NTLite. Bạn tải công cụ này về tại www.ntlite.com và cài đặt vào máy. Bạn cũng có thể tải bản NTLite portable về từ trang web này để chạy trực tiếp trên USB mà không cần cài đặt. Trước khi chạy NTLite, bạn bật (mount) file ISO thành một ổ đĩa trên Windows bằng cách nhấn chuột phải vào file ISO và chọn "Mount", sau đó copy mọi file vào một thư mục riêng có quyền ghi (writable) để chuẩn bị mọi thứ trước khi unmount file ISO ấy. Bạn mở NTLite, nhấn nút "Add" trên thanh ribbon, và trỏ nó đến thư mục cài đặt Windows mà bạn vừa copy. Bạn nhấn vào phiên bản Windows mà mình muốn chỉnh sửa, chờ NTLite xử lý (có thể mất vài phút), sau đó chọn "Components" bên dưới "Remove" ở cột bên trái, và chấp nhận các cảnh báo xuất hiện.

Có thể toàn bộ danh sách tính năng sẽ khiến bạn rối mắt. Trừ khi bạn cần tạo một bản ISO Windows chỉ chạy một ứng dụng cụ thể nào đó thì có lẽ không có lý do gì bạn tìm hiểu cặn kẽ từng dịch vụ ở đây. Nhưng tại đây, bạn có thể loại bỏ những dịch vụ như đề cập bên trên, cộng thêm một vài phần cứng mà bạn biết chắc mình không có. Điều này làm giảm kích thước file ISO rất nhiều. Bạn sẽ thấy một lô mục ở màu xanh dương, đó là những thành phần mà bạn không thể loại bỏ được trừ khi bạn bỏ khoảng 47 USD mua bản NTLite hoàn chỉnh.

 Bạn cũng nên kiểm tra các mục "Settings", "Services" và "Extra Services". Mục "Settings" cho bạn cấu hình ISO về giao diện theo ý thích, tiết kiệm cho bạn chút thời gian chỉnh sửa ở màn hình Settings và Control Panel sau khi cài đặt, còn hai mục còn lại cho bạn tùy biến toàn bộ dịch vụ của Windows. Cụ thể hơn, mục "Extra Services" cho bạn chỉnh sửa một loạt dịch vụ mà bạn khó có thể truy cập trực tiếp được từ Windows. Bạn có thể chuyển một vài dịch vụ từ trạng thái "Boot" sang "Manual" để giảm thời gian khởi động, mặc dù bạn sẽ không biết được tác dụng của điều chỉnh này cho tới khi cài đặt xong hệ điều hành. Còn mục "Integrate" và "Automate" là nơi bạn có thể thêm phần mềm và trình điều khiển bạn muốn để tích hợp vào file ISO, hoặc bất kỳ ứng dụng bên thứ ba nào cần để bổ sung vào mục "Post-setup".

Khi chỉnh sửa xong đâu đấy theo ý thích, bạn vào mục "Apply" ở cuối danh sách để nhấn hoàn tất. Tốt nhất bạn nên chọn tùy chọn "Save and trim" để cắt bỏ mọi thứ rườm rà, trừ đúng phiên bản Windows 10 mà bạn đang chỉnh sửa. Bởi vì hầu hết bản ISO đều có nhiều phiên bản Windows, nhưng chỉ ít người dùng phiên bản Windows 10 S, N… Đây là cách rất hay để thu nhỏ kích thước file ISO.

Xóa bỏ hoàn toàn
Tùy biến Windows theo ý thích không chỉ bổ sung những ứng dụng mà bạn thích, mà còn loại bỏ hoàn toàn những ứng dụng mà bạn không muốn ra khỏi Windows, nhất là những ứng dụng mà Microsoft muốn giữ, không cho người dùng xóa. Những ứng dụng này không phải là “rác”, đôi khi chúng lại rất quan trọng đối với Windows. Nhưng tại đây, quyết định chọn hay từ bỏ chúng là ở bạn.
Trong khi những thành phần "bên trên" Windows không cho bạn gỡ bỏ thì bộ công cụ bên dưới lại cho phép làm điều này. Bạn mở Powershell lên bằng cách nhấn phải chuột vào nút "Start"", và chọn "Windows Powershell (Admin)". Tại đây, bạn chạy lệnh Get-AppxPackage (Powershell có phân biệt viết thường và viết hoa) để liệt kê danh sách ứng dụng lõi mà Windows đã cài đặt. Bạn cuộn xuống, có thể danh sách này khá dài, cho đến khi bạn tìm thấy được ứng dụng cần tìm. Cũng có thể ứng dụng ấy có tên đầy đủ cũng dài, có cả số phiên bản. Sau đó, bạn chỉ việc gõ Remove-AppxPackage để gỡ bỏ nó ra khỏi hệ thống.
Một lưu ý ở đây là: đừng gỡ ứng dụng Windows Store. Bởi vì đa phần ứng dụng đều có thể cài lại được nếu bạn có lỡ xóa bỏ chúng, nhưng nếu bạn gỡ Windows Store thì cũng giống như việc bạn gỡ bỏ luôn khả năng cài đặt ứng dụng của mình. Và cho dù bạn có suy nghĩ rằng Windows Store chẳng có gì hay ho thì trong lúc này, Microsoft đang từng ngày cải tiến nó hơn cho bạn. Những bản cập nhật tương lai có thể tự cài đặt lại những ứng dụng bạn đã gỡ bỏ trước đây và cũng có thể Windows cài thêm vài ứng dụng mới vào. Nhưng lúc này, bạn đã biết cách gỡ bỏ chúng, bất kể Windows có cập nhật thế nào đi nữa.

PC WORLD VN, T4/2018