Theo CB Insights, Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ về ngân sách đầu tư cho các đơn vị khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo, chiếm 48% tổng đầu tư toàn cầu (tương đương 15,2 tỷ USD), trong khi đó, con số này của Mỹ là 38%. Đây là mức tăng "hết sức ấn tượng", khi so với con số chỉ là 11,6% của năm 2016.
Trung Quốc đang mạnh tay chi cho AI, vượt qua cả Mỹ. |
Mỹ và Trung Quốc hiện là hai quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển AI và điều này khiến cho sự cạnh tranh khốc liệt nảy sinh. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác mối tương quan "ai hơn ai" trong lĩnh vực AI vào lúc này là không dễ dàng, kể cả khi chúng ta có những con số định lượng nói trên.
Bởi nguồn tài chính chỉ là một trong các yếu tố để đánh giá năng lực phát triển trong lĩnh vực AI mà thôi. Nếu xét về quy mô của các thương vụ đơn lẻ, Trung Quốc hiện mới chỉ chiếm tỷ lệ 9%, trong khi Mỹ dẫn trước cả về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp lẫn nguồn vốn. Nhưng Trung Quốc lại vượt đối thủ về số lượng các bằng sáng chế mới về AI đang sở hữu, khi tăng từ 549 trong năm 2016 lên 1.293 trong năm 2017, so với các con số tương ứng chỉ là 135 và 231 của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc không chỉ dồn nguồn tài chính khổng lồ cho cuộc chạy đua này mà còn theo đuổi rất quyết liệt các chiến lược nhằm "bá chủ" về AI, vốn đã được họ tính toán kỹ lưỡng trước đó. Mặt khác, với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc có ưu thế hơn Mỹ về cơ sở dữ liệu lẫn cơ hội mở rộng quy mô các doanh nghiệp mới, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp về AI.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt và chip xử lý thông minh hiện là một trong những mảng mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang tập trung. Chẳng hạn như Cambricon - đã thu hút nguồn vốn tới 100 triệu USD trong năm ngoái, hiện đang phát triển các bộ xử lý có khả năng giải quyết các tác vụ học máy hiệu quả hơn.
Đáng chú ý là bên cạnh sự cạnh tranh, doanh nghiệp của hai nước này đã và đang có mối quan hệ hợp tác khá chặt chẽ, bất chấp nhiều kiện tụng liên quan đến bản quyền và những vướng mắc trong quy định kiểm soát thông tin tại Trung Quốc. Chẳng hạn mới đây, Google vừa đã thành lập một phòng thí nghiệm về trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc. Điều này không chỉ thúc đẩy nhau cùng phát triển mà họ còn "học lóm" được của nhau để nhanh chóng tìm ra cách vượt lên trên đối thủ, nếu đủ khôn khéo.
Giới chuyên môn cũng nhận định, chính phủ Trung Quốc thường phân phối tài nguyên cần thiết cho nhu cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo một cách nhanh chóng hơn, trong khi việc nới lỏng các quy định về thế giới số cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp thỏa sức thực hiện các thử nghiệm mà họ muốn.
Về lĩnh vực AI, ngoài Trung Quốc và Mỹ, hiện Nhật Bản cũng nổi lên như một ngôi sao trong lĩnh vực này. Trong năm 2017, Preferred Network, một công ty phát triển AI chuyên dụng cho xe tự hành đã nhận được khoản đầu tư 107 triệu USD từ Toyota cho các nỗ lực của mình.