1.000 tỷ đồng trợ giá không giúp xe buýt Sài Gòn thoát ế

Nếu xe buýt không bỏ thói chạy ẩu, cách phục vụ 'của thế kỷ 15' thì cứ trợ giá cho loại vận tải kém toàn diện không phải giải pháp.

Thông tin ngân sách TP HCM chi hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm để trợ giá cho xe buýt đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên VnExpress. Nhiều người cho rằng, việc đầu tư tiền bạc không tương xứng với chất lượng dịch vụ của loại vận tải công cộng này:

Nếu xe buýt không từ bỏ cái thói chạy như ma đuổi, chạy bất chấp, chạy kiểu đường này của ông, nếu xe buýt vẫn giữ cách phục vụ "của thế kỷ 15" và nếu chúng ta cứ trợ giá cho một loại hình kém toàn diện... thì mãi mãi không khá hơn được. Tôi không biết những người đang có quyết định trợ giá mãi cho xe buýt có bao giờ leo lên vài tuyến xe buýt để đi cho biết tiền dân bỏ ra có xứng đáng không?

Luong Huynh

Tình hình trợ giá như thế này không tương xứng với chất lượng dịch vụ mang lại. Xe buýt thì cũ nát, xả khói mù mịt, chạy ẩu chèn ép các phương tiện khác gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chưa kể xe buýt là tác nhân chính gây tắc đường vì chạy vào làn xe máy, bịt kín đường. Tôi nghĩ nên để tư nhân họ làm và chịu sự quản lý như các phương tiện tham gia giao thông khác (bị phạt khi vi phạm) thì mới khá lên được.

Lê Dương

Mỗi năm trợ giá 1.000 tỷ cho loại hình chạy xe kiểu này thì phí quá, tính đến giờ là hơn 20 năm xe buýt dạng này chạy, tức là hơn 20.000 tỷ bị mất đi. Tại sao chúng ta không xem lại mô hình này cần chỉnh lại gì để dân đi nhiều hơn? Ví dụ, nên có làn riêng dành cho xe buýt, hoặc làm xe buýt nhỏ lại (chỉ khoảng 20 hành khách) và chạy bằng điện. Kích thước xe lớn, chiếm quá nhiều diện tích mặt đường, trong khi hạ tầng chúng ta chưa đồng bộ, có chỗ đường to, đường nhỏ, xe buýt vào kẹt thêm, gây ách tắc giao thông. Nếu xe buýt nhỏ sẽ có nhiều ưu điểm hơn, chi phí đầu tư cũng không cao, tầm nhìn cũng tốt hơn, đỡ gây tai nạn đáng tiếc.

Smas AD

Nói thật, mất thêm chút tiền tôi vẫn muốn chọn dịch vụ như xe ôm hay taxi cho nhanh và tiện lợi, chứ không chịu được cảnh chen chúc chật chội, tốn thời gian trên xe buýt. Dù gì phương tiện công cộng được khuyến khích nhưng cũng là một loại hình dịch vụ (thu trả phí) nên loại hình nào tốt thì người dân ưu tiên sử dụng thôi.

Quang Bùi

8 tháng mất 500 tỷ, rồi 1 năm, 10 năm sẽ là bao nhiêu? Con số này không hề nhỏ, nên để đầu tư cho cơ sở hạ tầng chứ trợ giá cho xe buýt chỉ tăng thêm kẹt xe, vì lâu nay xe buýt luôn là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe.

Luc Nguyen

Theo vnexpress