Giao tiếp là một kỹ năng quan trọng trong cả công việc lẫn cuộc sống. Nhưng ngay cả người lịch sự đôi khi vẫn vô tình hỏi những câu có thể khiến người khác phật ý. Dưới đây là những câu tốt hơn là nên tránh hỏi:
Cái này giá bao nhiêu?
"Anh kiếm được ngần nào?", "Đôi giày này của chị giá bao nhiêu?"... là những câu hỏi bất lịch sự.
Ngoài ra, mọi người không thích thừa nhận mức lương của mình thấp hoặc khoe thu nhập cao với người họ chưa thân thiết. Hoặc có thể họ đang không thích công việc và muốn thay đổi nhưng chưa tìm được cơ hội thích hợp. Dù sao, các câu hỏi về tiền và thù lao, giá cả các đồ cá nhân là rất riêng tư.
Bao giờ thì chị sinh em bé?
Một số câu tương tự bạn cũng nên tránh là: "Chị có con chưa?", "Chị đang mang bầu à?", "Chị muốn có bé trai hay bé gái?"...
Những người có nhiều con cũng phát bực khi nhận được câu kiểu như: "Tất cả bọn trẻ này là con của chị à?". Câu hỏi về việc sao chưa có em bé cũng làm phiền những đôi không con và thậm chí khiến họ buồn nếu vô sinh. Ngoài ra, chủ đề về mang thai cũng như hàm ý trêu chọc về việc quá cân.
Nếu người trò chuyện cùng bạn đi với trẻ con, tốt hơn là hỏi về các sở thích của trẻ và nếu họ không có con theo, hãy tìm các chủ đề khác để bắt chuyện.
Đó có phải mẹ chị không?
Nếu bạn không chắc mối quan hệ của những người trước mặt, đừng cố đoán và đặt tên cho nó. Bạn có thể khiến người khác bối rối và bực bội nếu hỏi những câu như: "Đó có phải là bố/mẹ/chị gái/anh trai/con trai của chị?", "Hai người có họ hàng gì không?"...
Bạn có thể nhầm người chị lớn tuổi với mẹ họ hay nghĩ hai người là bố con trong khi họ là vợ chồng chỉ vì khoảng cách tuổi tác. Đơn giản và lịch sự hơn là hãy xem cách họ trò chuyện, cư xử với nhau trước khi vội hỏi.
Hai người đã ở bên nhau bao lâu rồi?
Mọi người thích trò chuyện về các mối quan hệ của họ và cả của người khác. Tuy nhiên, nếu người mình mới quen không sẵn sàng chia sẻ, tốt hơn đừng hỏi quá cụ thể như họ đã bên nhau bao lâu, tình cảm thế nào, dù họ đã kết hôn hay chưa.
Những câu hỏi về hôn nhân có thể gây khó chịu cho những đôi đang có mâu thuẫn.
Cái này sẽ giữ được mãi chứ?
Người ta ít nói về những vấn đề sức khỏe cụ thể của người đối diện nhưng họ thường hỏi những câu liên quan về vẻ bề ngoài như: "Chị xăm thế có đau không?", "Tóc này của chị là thật à?", "Chị nối mi ở đâu thế?"... Rất ít người thực sự muốn kể với người lạ về những hình xăm, khuyên tai, kiểu tóc của mình. Hơn nữa, bạn cũng đừng bao giờ nên chạm vào các thứ đó vì như vậy là xâm phạm sự riêng tư.
Hỏi người khác về các thủ thuật thẩm mỹ họ từng làm cũng là điều tối kỵ. Ngay cả khi bạn chắc chắn người đối diện từng đi tắm trắng, cũng đừng hỏi họ làm ở tiệm nào. Rất có thể họ muốn mọi người nghĩ mình có vẻ đẹp tự nhiên và câu hỏi của bạn khiến họ xấu hổ, tức giận.
Tại sao chị cần thứ này?
Các sở thích là một chủ đề hay để gợi chuyện. Tuy nhiên, có những câu cũng gây bối rối, chẳng hạn hỏi vì sao một người cần tới 5 con chó hay lý do họ chơi môn thể thao quá tốn kém. Người kia có thể nghĩ bạn đang coi sở thích của họ là trò ngớ ngẩn.
Làm thế nào để trả lời các câu hỏi khiến bạn bối rối:
Bạn có thể làm theo các bước sau: Chuyển chủ đề, đưa ra câu trả lời ngắn, từ chối trả lời.
Thường chỉ cần phớt lờ câu hỏi là đủ khiến người trò chuyện hiểu. Đổi chủ đề và trả lời ngắn cũng là tín hiệu cho thấy bạn không thích những chuyện này.
Tuy nhiên, nếu người kia vẫn cố hỏi tiếp, bạn chỉ cần nói: "Tôi không muốn nói về việc này, hãy nói về điều khác". Làm vậy tốt hơn nhiều so với việc nổi giận, căng thẳng và giữ sự bực bội trong lòng.