Bạn có nghĩ chiếc ly yêu thích của mình làm cho đồ uống ngon hơn? Có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ rằng ngay cả những hành động bình thường nhất không chỉ là thói quen, mà là những mánh khóe của não bộ. Nếu bạn muốn biết về nguồn gốc của những hiện tượng này, và lý do tại sao bạn muốn trì hoãn trước mỗi sự kiện quan trọng, bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời
Dưới đây là những nghịch lý thú vị về nhận thức chắc chắn sẽ khiến bạn ‘ngã ngửa’:
Thị giác có thể thay đổi mùi vị thức ăn
Các nghiên cứu cho thấy màu sắc của các món ăn và đĩa có thể thay đổi hương vị và mùi của thức ăn. Ví dụ, sô cô la nóng có vẻ ngon hơn nếu đựng trong một chiếc cốc màu cam hoặc màu kem, và hương vị của thạch dâu hấp dẫn hơn khi được bày trên đĩa trắng thay vì đĩa tối màu. Đây là lý do tại sao nhiều người có ly và đĩa yêu thích của mình. Dưới đây là một số sự thật thú vị khác về cách nhận thức hương vị của não bộ:
Đĩa màu vàng làm cho chanh có mùi mạnh hơn.
Đồ uống lạnh được rót trong cốc có màu lạnh tạo cảm giác mát hơn
Thức ăn trở nên ngọt hơn nếu được bày trên đĩa màu hồng.
Tay phải dường như dài hơn tay trái
Các nghiên cứu cho thấy bàn tay phải dường như dài hơn tay trái ít nhất một inch. Đây là nguyên nhân của ảo giác vì dường như bạn có thể chạm đến một vật nhanh hơn bằng tay phải (nếu bạn là một người thuận tay phải). Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những người thuận tay phải, những người thuận tay trái sẽ không nhận thấy sự khác biệt.
Chúng ta nghĩ về mình trong tương lai giống một người chúng ta không hề quen biết
Bạn có thể từng trải qua cảm giác này: ngày mai là một ngày quan trọng mà bạn cần chuẩn bị kỹ càng, thế nhưng bạn lại ngồi xem bộ phim yêu thích của mình, hoặc chỉ ngồi chơi game. Tại sao lại như vậy?
Vấn đề là, khi chúng ta nghĩ về bản thân trong tương lai, bộ não của chúng ta sẽ tưởng tượng ra một người mà chúng ta không quen biết. Bộ não nghĩ rằng một người khác sẽ giải quyết các vấn đề sẽ xuất hiện do sự trì hoãn của bạn ngày hôm nay. Và người lạ này sẽ có thể xử lý tình huống. Trong mọi trường hợp, người lạ đó sẽ không phải là bạn. Đây là lý do tại sao mọi người thường có lối sống rất không lành mạnh, làm những việc phạm pháp, hay trì hoãn việc cách ly.
Bộ não không nhìn thấy những thay đổi rõ ràng nhất.
Hiện tượng này có một tên – Mù thoáng qua. Đây là cơ chế bảo vệ của bộ não cho phép nó ngừng xử lý tất cả thông tin mà nó liên tục nhận được. Ví dụ, nếu bạn nhìn vào một bức ảnh một lúc, và sau đó bị phân tâm, và sau đó nhìn lại bức ảnh, bạn có thể không nhận thấy ngay cả những thay đổi rõ ràng nhất.
Các nhà khoa học đã làm một thí nghiệm: nhiều sinh viên đã đi phỏng vấn xin việc, và có một người chào đón họ, giúp họ điền vào tất cả các tờ khai cần thiết, và giải thích những việc cần làm tiếp theo. Họ không biết rằng có một người khác trốn dưới bàn, và sau một lúc anh ta sẽ thay thế người đầu tiên. Người đến sau này có vẻ ngoài không giống người đầu tiên, và họ thậm chí trang phục cũng khác, nhưng các sinh viên này không nhận thấy sự khác biệt nào. Thí nghiệm được thực hiện nhiều lần và kết quả luôn giống nhau.
Hãy nghĩ xem chúng ta đã bỏ qua bao nhiêu điều khác biệt mỗi ngày vì não bộ không chịu xử lý thông tin?
Thành công được dùng làm lý do để nuông chiều bản thân
Trong một nghiên cứu, 2 nhóm người đã được tập hợp. Những người này đều đã ăn kiêng trong một thời gian dài, và đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhóm đầu tiên được khen ngợi vì đã giảm cân thành công, còn nhóm thứ 2 thì không được khen. Sau đó, cả hai nhóm đã được lựa chọn món ăn nhẹ tùy thích: một quả táo hoặc một thanh sô cô la. 85% những người được khen ngợi đã chọn sô cô la, và trong nhóm thứ hai, chỉ có 58% trong số họ chọn sô cô la.
Bộ não của chúng ta thích tìm lý do cho sự nuông chiều, có thể dẫn đến thất bại. Hãy tưởng tượng người mắc chứng nghiện đang ở trong tình huống này: khi bạn khen ngợi họ, họ rất có khả năng ‘ngựa quen đường cũ’. Bộ não luôn thích các hoạt động hay quy trình đòi hỏi tiêu thụ ít năng lượng, ngay cả khi nó có thể rút ngắn thời gian sống của chúng ta
Bạn càng thiếu tự tin, người khác càng hấp dẫn.
Một thí nghiệm đơn giản được tiến hành: mọi người được xem ảnh của những người nổi tiếng. Một trong những bức ảnh là thật, bức ảnh thứ hai được chỉnh sửa để làm cho họ trông béo hơn, và bức thứ ba được thay đổi để làm cho họ trông mảnh mai hơn. Sau khi xem xong ảnh, những người tham gia được yêu cầu tìm ra bức tranh thật. Kết quả khá thú vị: nếu một người (giới tính không quan trọng) hài lòng với ngoại hình của chính họ, họ có thể dễ dàng chọn sai ảnh. Nếu một người lo lắng về cân nặng hoặc thân hình quá gầy của mình, họ sẽ chọn bức ảnh trái ngược với những vấn đề mà họ đang gặp phải. Thí nghiệm tương tự có thể được tiến hành với bất kỳ vấn đề nào khác. Kết luận là sư thật bị bóp méo tùy thuộc vào sự bất an của chính chúng ta, bởi vì chúng ta tin rằng những người khác không gặp phải vấn đề giống của mình.
Bộ não không thể tìm ra sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng.
Bộ não có cùng phản ứng với những gì bạn đang nghĩ và những gì bạn đang làm, và có một số điều chứng minh quan điểm này:
Các nhà khoa học đã làm một thí nghiệm, trong đó một nhóm người được yêu cầu chơi piano và nhóm còn lại được yêu cầu tưởng tượng rằng họ đang chơi piano. Phản ứng của bộ não của 2 nhóm là như nhau.
Trong một thí nghiệm khác, các nhà khoa học đã yêu cầu một nhóm người tưởng tượng thực phẩm vô hình và ăn nó. Những người tham gia đã nhai và những miếng thức ăn mà họ tưởng tượng. Kết quả là họ cảm thấy bớt đói.
Suy nghĩ của chúng ta và cách mà chúng ta cảm nhận có mối liên kết với nhau. Các phản ứng hóa học trong cơ thể xảy ra bất kể tình huống là thật hay ảo. Ví dụ, nếu bạn lo lắng quá nhiều, hàm lượng cortisol (hormone gây căng thẳng) trong máu sẽ tăng cao. Tin tốt là điều tượng tự cũng sẽ xảy ra với serotonin (hormone hạnh phúc). Vì vậy, nếu bạn tưởng tượng rằng bạn đang hạnh phúc, bạn thực sự có thể cải thiện cảm xúc của mình.