Dưới đây là một số vấn đề tâm lý quan trọng mà tốt hơn hết bạn nên giải quyết trước khi trở thành cha mẹ:
Bạn đã có con, nhưng vẫn muốn sinh thêm
Có một phụ nữ đã chia sẻ chi tiết về chứng nghiện sinh con của mình. Cô đã có 5 đứa con và hiểu rằng mình đã quá già để sinh thêm, nhưng không thể ngừng nghĩ về điều đó. Nghiên cứu chứng minh rằng mong muốn lấp đầy khoảng trống nội tâm và mất mát từ một tuổi thơ bất hạnh có thể là lý do chính cho điều này. Vì vậy, nhu cầu có nhiều con không phải lúc nào cũng tốt, và rất có thể bạn nên gặp gỡ bác sĩ tâm lý để điều trị nếu cần thiết.
Bạn tin rằng con trẻ sẽ cứu vãn mối quan hệ của vợ chồng bạn
67% các cặp vợ chồng khẳng định mức độ hài lòng của họ về mối quan hệ giảm dần sau khi sinh con đầu lòng. Các vấn đề và những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh giữa hai người từ 6 tháng đối với phụ nữ, và tháng thứ 9 đối với nam giới, sau khi bé ra đời. Vì vậy, nếu bạn đang có ý định cứu vãn cuộc hôn nhân theo cách này thì đó không phải là một ý kiến hay.
Sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu của bạn.
Cha mẹ tham công tiếc việc thì không chỉ ảnh hưởng xấu đến bản thân họ, mà còn ảnh hưởng đến con cái của họ. Vì công việc bận rộn nên họ thường trở nên lơ là về mặt cảm xúc, và những đứa con cảm thấy như chúng trở nên “vô hình”. Kết quả là, con trẻ cảm thấy cô đơn, cảm thấy buồn tủi và thậm chí cảm thấy có lỗi vì sự xuất hiện của chúng trong thế giới của cha mẹ.
Bạn không hài lòng với cuộc sống của chính mình.
Theo nghiên cứu của Đại học Bang Michigan, trẻ nhỏ thường học theo cách cư xử của cha mẹ. Điều đó có nghĩa là con cái sẽ rất giống bạn, nên bạn luôn phải chuẩn bị để xuất hiện trước con trẻ như một người tự tin, một người sống có mục tiêu và hoài bão. Nếu không, trẻ con sẽ đi theo con đường của cha mẹ, luôn không chắc chắn vào cuộc sống của bản thân, và không có mục đích sống hay hướng đi của riêng mình trong tương lai.
Bản thân bạn vẫn cảm thấy mình là một đứa trẻ.
Các nhà tâm lý học thậm chí còn có một thuật ngữ đặc biệt “hội chứng trẻ sơ sinh” để mô tả những người luôn hành động như một đứa trẻ ngay cả khi đã trưởng thành. Những người này có xu hướng hành động theo cảm xúc thay vì lý trí. Việc nuôi dạy con cái đòi hỏi sự kiên nhẫn và độc lập, còn trẻ con thì thường có xu hướng bắt chước hành vi của những người xung quanh – chính vì điều này, chỉ những bậc cha mẹ ổn định về cảm xúc mới có thể là tấm gương tốt để con trẻ noi theo.
Bạn phải vật lộn với căng thẳng và lo lắng.
Nghiên cứu tiết lộ rằng những cảm xúc tiêu cực của cha mẹ có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con cái. Các chuyên gia tin rằng mức độ ảnh hưởng về cảm xúc đặc biệt diễn ra mạnh mẽ trong năm đầu đời của bé. Kết quả là, có thể trẻ sẽ tiếp thu những hành vi tồi tệ và trạng thái cảm xúc tiêu cực của cha mẹ. Vì vậy, quy tắc rất đơn giản: bạn hạnh phúc thì con bạn cũng vậy.
Bạn mong đợi sự hoàn hảo trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Chủ nghĩa hoàn hảo thường gây ra bởi nỗi sợ thất bại, thiếu tự tin và những trải nghiệm không may mắn trong thời thơ ấu. Cha mẹ nên kiểm soát vấn đề tâm lý ở bản thân, vì con cái đôi khi sẽ không nghe lời cha mẹ và không muốn làm bài tập về nhà... Chỉ cần hiểu rằng bạn sẽ luôn phải sẵn sàng lau dọn nhà cửa, hay thậm chí mất ngủ, bị gọi lên trường gặp giáo viên chủ nhiệm…bất cứ lúc nào.