Coi trọng giáo dục vì đây chính là nguồn gốc sức mạnh nội tại của dân tộc, Nhật Bản hướng đến đảm bảo sự phát triển của trẻ em về mọi mặt, từ trí tuệ, tâm hồn, tinh thần, thái độ đến hệ thống những giá trị nhân văn. Trong đó, tinh thần làm việc tập thể, những bài học đạo đức kèm theo những hành động, tình huống, tính tự giác tự lập là những giá trị tối cơ bản của nền giáo dục Nhật Bản. Nhật Bản cũng là một nền giáo dục hoàn thiện, bởi bất kì hoàn cảnh nào trong xã hội cũng là lớp học để giáo dục về đạo đức và bồi dưỡng nhân cách con người.
Điều bí mật nào đã khiến giáo dục Nhật Bản có sự vượt trội và trở thành hình mẫu lý tưởng cho cả thế giới như vậy?
1. Giáo dục đạo đức, học làm người trước khi học kiến thức
Giáo dục Nhật Bản gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế và đời sống văn hóa xã hội. Người dân Nhật luôn được cả thế giới ngưỡng mộ với rất nhiều phẩm chất đáng quý, không chỉ một vài cá nhân, mà là toàn xã hội. Ngọn nguồn của sự văn minh đó chính là việc chú ý giáo dục đạo đức, ‘tiên học lễ, hậu học văn’ cho học sinh ngay từ khi vừa bước vào ghế nhà trường.
Ở Nhật, học sinh không phải trải qua các kỳ thi cho tới năm lớp 4 vì người Nhật quan niệm rằng 3 năm đầu là thời điểm để trẻ rèn luyện nhân cách, xây dựng và bồi đắp những đức tính tốt, hướng trẻ trở thành những người biết đối nhân xử thế, quan tâm tới những người xung quanh, quan tâm tới cả cộng đồng. Họ nhìn nhận rằng tâm hồn trẻ em khi này thật sự như những trang giấy trắng, và những nét bút đầu tiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cả cuộc đời của các em sau này. Vì thế, cả gia đình, nhà trường và xã hội đều muốn đó là những nét bút của tình yêu thương, biết tôn trọng người khác, yêu thiên nhiên, biết cảm thông, biết chia sẻ và khiêm tốn. Không phải ngẫu nhiên mà mọi tầng lớp xã hội của Nhật Bản đều hành xử theo những tiêu chuẩn mà không hề cảm thấy gò bó hay miễn cưỡng.
2. Năm học ở Nhật Bản bắt đầu vào ngày 1 tháng 4
Phần lớn các quốc gia trên thế giới, năm học mới dành cho học sinh, sinh viên thường bắt đầu vào mùa thu, nghĩa là tháng 9, hoặc tháng 10. Tuy nhiên, trẻ em Nhật Bản lại tới trường vào tháng 4 hàng năm. Đây cũng là thời điểm hoa anh đào nở rộ trên khắp đất nước Nhật Bản. Lựa chọn thời điểm này để bắt đầu năm học, người Nhật cho rằng đó là thời điểm đẹp nhất trong năm, cảnh sắc của đất trời làm lòng người rộn rã và các em sẽ càng hào hứng, háo hức tới trường hơn. Họ cũng hi vọng rằng năm học mới của con em mình cũng nở rộ như những chùm hoa ấy, đạt được nhiều thành tựu, tiến bộ, khôn lớn, trưởng thành.
3. Các trường học ở Nhật Bản thường không thuê lao công
Là một đất nước khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, lại luôn luôn phải đối mặt với những thảm họa thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa, người dân Nhật Bản từ xưa đã biết dựa vào chính sức mình để tồn tại. Thiên nhiên khắc nghiệt đã rèn cho người Nhật tính tự lập, kiên cường. Chính bởi vậy, thế hệ những người đi trước luôn muốn con cháu của họ kế thừa được những phẩm chất tốt đẹp đó.
Ở các trường học của Nhật Bản, học sinh phải tự mình dọn dẹp lớp học, nhà vệ sinh, căng tin, có khi cả sân tập thể dục, sân bóng. Khi tiến hành quét dọn, học sinh được chia ra thành các nhóm nhỏ và được giao nhiệm vụ thực hiện luân phiên quanh năm giữa các lớp trong trường. Hệ thống giáo dục Nhật Bản tin rằng học sinh cần phải tự làm sạch môi trường học hỏi của chính mình, đồng thời đây là cách giúp các em rèn luyện khả năng làm việc nhóm, làm mọi việc bằng chính sức mình, có trách nhiệm với bản thân và cả cộng đồng. Làm những công việc vất vả sẽ giúp các em biết tôn trọng công việc của người khác, tôn trọng bất cứ ngành nghề nào trong xã hội.
4. Tiêu chuẩn hóa bữa ăn của trường
Nhật Bản luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo trẻ em được ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng. Người Nhật trước nay luôn quan niệm rằng con người là yếu tố quan trọng của đất nước, muốn đất nước phát triển không có cách nào khác ngoài đào tạo nguồn nhân lực hùng hậu và chất lượng. Bởi thế, nhà trường và xã hội luôn chú ý tới vấn đề dinh dưỡng và an toàn trong các bữa ăn.
Tại các trường công, bữa ăn luôn được chế biến theo những quy chuẩn về dinh dưỡng bởi các đầu bếp và chuyên gia dinh dưỡng. Thực phẩm cũng phải lựa chọn kĩ càng, và nhiều trường học còn trồng rau, củ, quả trong khu vườn của trường để đồ ăn được tươi ngon và an toàn. Trước mỗi bữa ăn, các em cần phải rửa tay sạch sẽ, dùng gel khử trùng, và đeo một chiếc khẩu trang nhỏ khi đi tới nhà bếp lấy đồ ăn. Những vỏ sữa sau khi uống xong sẽ được rửa sạch sẽ để tái chế. Một lớp học ở Nhật Bản chính là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Nhật Bản, ngăn nắp, trật tự, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng điều nhỏ nhất. Chứng kiến cảnh những em học sinh chỉ mới lớp 1, lớp 2 nhưng luôn tự giác trong mọi việc, chúng ta chỉ còn biết ngỡ ngàng.
5. Các buổi ngoại khóa rất quan trọng ở Nhật Bản
Cũng như học sinh nhiều quốc gia khác, học sinh ở Nhật Bản cũng có những áp lực nhất định trong việc thi cử và chọn trường. Để vào được một trường cấp 3 tốt, học sinh ở Nhật thường đi học thêm ở các trung tâm bên ngoài, hoặc ở tham dự các buổi hội thảo sau giờ học vào các buổi tối. Việc học sinh Nhật Bản trở về nhà vào tối muộn sau những lớp học thêm là điều hoàn toàn bình thường. Các em thậm chí còn học cả vào những ngày nghỉ cuối tuần, tất cả mọi nỗ lực đều vì một tương lai tốt đẹp cho bản thân và có năng lực cống hiến cho đất nước.
6. Ngoài các môn học truyền thông, học sinh Nhật Bản phải học cả thư pháp và thi ca
Thư pháp Nhật Bản (còn gọi là Shodo) là cách sử dụng nghiên mực và bút lông để viết chữ tượng hình trên giấy gạo. Đối với người Nhật, Shodo là một nghệ thuật phát triển mạnh mẽ không kém hội họa truyền thống. Ngoài ra, Haiku là một hình thức thơ ca cũng rất nổi tiếng của xử sở hoa anh đào, sử dụng lối biểu đạt đơn giản để truyền tải những thông điệp sâu sắc. Vì vậy, học sinh Nhật phải học những điều này để thể hiện sự tôn trọng nền văn hóa và truyền thống lâu đời của đất nước. Hơn nữa, những nét văn hóa này còn giúp các em rèn luyện tâm hồn thuần tịnh, có thể vứt bỏ những tranh đấu không cần thiết.
7. Tất cả học sinh phải mặc đồng phục tới trường
Hầu hết từ bậc trung học cơ sở, các học sinh đến trường đều phải mặc đồng phục. Trong khi một số trường sẽ có đồng phục riêng, nhưng mẫu đồng phục truyền thống của đất nước này thường là bộ đồ tựa như thủy thủ cho học sinh nữ và áo vest lịch sự cho nam. Đồng phục là một yếu tố giúp gạt bỏ rào cản phần tầng xã hội giữa các học sinh, giúp thúc đẩy ý thức cộng đồng và xóa bỏ tư tưởng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài.
8. Tỷ lệ học sinh đi học đầy đủ, đúng giờ ở Nhật Bản là 99,99%
Người Nhật nổi tiếng với thói quen đúng giờ và đây cũng là một yêu cầu tối quan trọng trong cuộc sống cũng như công việc. Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được giáo dục về việc đúng giờ, tôn trọng quỹ thời gian của người khác và của chính mình. Vì vậy, 99,99% học sinh Nhật Bản đi học đúng giờ và thường không bao giờ trốn học hay bỏ học. Quả thực, việc giáo dục đạo đức và nhân cách đã giúp Nhật Bản bỏ qua được rất nhiều những quy định cứng nhắc và tập trung cho những điều thiết yếu.
9. Một bài kiểm tra duy nhất quyết định tương lai của học sinh
Vào kỳ cuối cùng ở trung học phổ thông, học sinh Nhật Bản phải trải qua một bài kiểm tra quan trọng để quyết định tương lai của các em. Mỗi học sinh có thể lựa chọn một trường đại học mà các em muốn, căn cứ vào quy định điểm số của mỗi trường. Nếu không đạt được điểm yêu cầu, các em sẽ không thể học đại học. Tỷ lệ cạnh tranh rất cao và chỉ có 76% học sinh tốt nghiệp trung học tiếp tục học lên bậc đại học. Do vậy, áp lực trước kì thi tại đất nước này rất lớn. Điều này cũng giúp lao động của Nhật Bản không phải rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” nếu ai cũng học đại học.