Bài hát xẩm đầu tiên châm biếm những tật xấu trong mùa dịch Covid-19

"Tiễu trừ Corona" sử dụng lời ca, câu trend để góp thêm tiếng nói của âm nhạc cổ truyền dân tộc trong cuộc chiến chống virus Covid-19.

Nhóm Xẩm Hà Thành vừa ra mắt tác phẩm Tiễu trừ Corona, góp thêm tiếng nói của âm nhạc cổ truyền dân tộc trong cuộc chiến chống lại virus Covid-19 nguy hiểm đang hoành hành và gây xáo trộn trên phạm vi toàn cầu này. Bài xẩm được thực hiện với ekip quen thuộc của nhóm với sự xuất hiện của các nghệ sĩ: Mai Tuyết Hoa, Văn Phương, Nguyễn Quang Long, Phạm Trang, Phạm Dũng, Ngọc Xuân cùng đạo diễn Nguyễn Nhật Giang, phòng thu Ninh Kiên và biên tập Lương Ái Vân.

Bài xẩm tựa như một bức tranh âm nhạc dí dỏm và hết sức thú vị về sự đa sắc khi được sáng tác trên điệu "xẩm sai" khai thác tối đa thế mạnh tiết tấu bộ gõ do nghệ sĩ Phạm Dũng đảm nhận, sử dụng thêm tiếng kèn bầu của nghệ sĩ Ngọc Xuân.

Bài hát xẩm đầu tiên châm biếm những tật xấu trong mùa dịch Covid-19 - 1

Nhóm Xẩm Hà Thành ra mắt MV mới trong mùa dịch Covid-19

Khi thưởng thức, có thể khán giả sẽ cảm nhận một chút âm hưởng của Nhã nhạc cung đình Huế với tiếng kèn tiếng trống dõng dạc, khảng khái, một chút rộn ràng của anh hề chèo, lại một chút rap trong những câu đồng dao pha tiết tấu sai…

Bên cạnh sự hóm hỉnh, duyên dáng của giọng nam chính do nghệ sĩ Văn Phương thể hiện là sự đốp chát đầy cá tính qua giọng hát của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Hai nghệ sĩ này đảm nhiệm hai tuyến nội dung riêng biệt, nếu như Văn Phương là những vấn đề khái quát chung thì Mai Tuyết Hoa là những chỉ dẫn cụ thể của ngành y tế về việc phòng chống như thế nào, rửa tay ra làm sao, tránh tiếp xúc nơi đông người hay việc ở yên một chỗ trong thời điểm này cũng là yêu nước.

Bài hát xẩm đầu tiên châm biếm những tật xấu trong mùa dịch Covid-19 - 2

Bài hát xẩm đầu tiên châm biếm những tật xấu trong mùa dịch Covid-19 - 3

Nghệ sỹ hát chính Mai Tuyết Hoa và kèn bầu Ngọc Xuân 

Có thể khán giả sẽ bật cười khi câu trend khá dí dỏm dậy sóng cộng đồng ngay ở những ngày đầu như “corona xa ta ra” được khai thác vào trong tác phẩm, lại được sử dụng như một chất liệt chính hát tốp ca làm đảm trách chính là nghệ sĩ Phạm Trang và Quang Long được lặp đi lặp lại liên tục trong tác phẩm tạo sự gắn kết giữa hai phần nội dung mà hai giọng hát chính đảm nhận.

Trong khi đó, những từ như “toang”, “vô duyên… vãi” cũng được khai thác đưa vào tác phẩm ở những vị trí và tuyến nội dung phù hợp. Chẳng hạn như “Cái chị sồn sồn, vô duyên vãi, cái chị sồn sồn, ở đẩu ở đâu bỗng về trên đất này lại còn yêu sách, ấy là không tốt”. Hay những nội dung chỉ có ở thời hiện đại của kỷ nguyên số cũng được đưa vào âm nhạc cổ truyền như: “Không nên đi lại, tụ tập đông người, có việc quan trọng, rời nhà bước ra, cách xa hai mét”…

Bài hát xẩm đầu tiên châm biếm những tật xấu trong mùa dịch Covid-19 - 4

Bài hát xẩm đầu tiên châm biếm những tật xấu trong mùa dịch Covid-19 - 5

"Tiễu trừ Corona" sử dụng lời ca, câu trend để góp thêm tiếng nói của âm nhạc cổ truyền dân tộc trong cuộc chiến chống virus Covid-19.

Tất cả những chất liệu âm nhạc cũng như lời ca, hay câu trend được sử dụng hoàn toàn có chủ đích và chủ đích này chỉ nhằm hướng tới nội dung cần được đề cao đó là giai đoạn này dân tộc Việt Nam đang đồng sức quyết tâm cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh mà chúng ta đã và đang làm, dù còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng bất cứ ai cũng thấy hết sức tự hào về cách mà chúng ta đã và đang làm có những hiệu quả rõ rệt, được cả thế giới ghi nhận.

Không phải ngẫu nhiên ta có thành quả như vậy, mà đó là truyền thống của dân tộc đã có từ ngàn xưa mà chúng ta đang tiếp nối và phát huy. Đó là sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống từ nhà chức trách đến nhân dân “Chính quyền kiên quyết/ Y tế tiên phong/ Truyền thông nối cánh/ Tin nhanh đến muôn nhà” hay “Doanh nhân chung sức/ Nghệ sĩ chung tay/ Nhân dân cùng góp/ Cảnh giác nêu cao/ Phòng dịch khắp nơi nơi/ Corona mà thò ra/ Là ta cùng diệt hết” và còn nữa lời dặn của cho ông ta “Thương lấy bí cùng, bầu ơi thương lấy bí cùng, nét đẹp ghi nhớ dang tay đón kiều bào, ấy là hay nhất”…

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cũng chia sẻ rằng, điệu "xẩm sai" vốn không phải điệu xẩm chính tông mà là được các nghệ nhân khai thác làm phong phú thêm cho âm nhạc của nghệ thuật hát xẩm. Dẫu được khai thác từ lâu nhưng rất ít được sử dụng, nhưng khi được sử dụng lại cho ra những bài xẩm hết sức độc đáo.

Chẳng hạn như cố nghệ nhân Hà Thị Cầu từng hát bài xẩm Thuốc phiện bằng điệu sai để dóng lên hồi chuông về chuyện này. Tuy nhiên thường gặp nhất là điệu sai được vận dụng để truyền tải các vấn đề lớn của dân tộc. Chẳng hạn như tuyên truyền ủng hộ phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1945 thì nghệ nhân Vũ Đức Sắc sáng tác bài Tiễu trừ giặc dốt, hưởng ứng phong trào chống tham nhũng đang rất nóng ở thời điểm những năm 2010 nhóm nghệ sĩ của nhạc sĩ Thao Giang sáng tác bài Tiễu trừ tham nhũng, hay như chính bản thân nhóm xẩm Hà Thành và nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã sáng tác bài Tiễu trừ cướp biển góp tiếng nói khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam năm 2014.

Đạo diễn Nguyễn Nhật Giang cho biết: “Chúng tôi dựng bài xẩm này hết sức đơn giản, nhanh nhất có thể để kịp thời góp phần cổ vũ cuộc chiến chống dịch đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng nhưng việc lấy hình ảnh nền là mái đình truyền thống làng Việt cũng là ý đồ của nhóm, bởi lẽ đình là một thiết chế xã hội xưa đại diện cho văn hóa làng xã, cho nhân dân, và cuộc chiến chống dịch này không chỉ của riêng chính quyền, ngành y tế mà là của toàn dân”. Tác giả Nguyễn Quang Long cho biết thêm: “Không phải ngẫu nhiên xuất hiện tốp hát phụ họa trong bài xẩm, đó chính là đại diện cho quần chúng nhân dân, nói lên tiếng nói và thể hiện sự chung sức chung lòng cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh”.

Bài hát xẩm đầu tiên châm biếm những tật xấu trong mùa dịch Covid-19 - 6

Bài hát xẩm đầu tiên châm biếm những tật xấu trong mùa dịch Covid-19 - 7

Nghệ sĩ Phạm HoaTrang  (trên) và Văn Phương - hát chính

Ngay từ những ngày đầu, khi Tết Nguyên đán dân tộc vẫn còn chưa qua, Nguyễn Quang Long đã muốn sáng tác một tác phẩm liên quan đến loại virus nguy hiểm này, nhằm góp thêm tiếng nói từ giới âm nhạc nói chung, âm nhạc cổ truyền dân tộc nói riêng trong cuộc chiến đầy nguy hiểm nhưng không có con đường nào khác ngoài đối đầu để chặn đứng sự lây lan của nó.

Dẫu lúc nào trong thâm tâm cũng có suy nghĩ ấy nhưng cảm hứng sáng tạo cũng như những lời hát chưa nảy lên trong tâm hồn vị nhạc sĩ gắn liền với hát xẩm, phải đến khi chứng kiến việc có thêm những ca bệnh từ châu Âu trở về, và sự lây lan càng ngày càng nguy hiểm, đồng thời là sự quyết liệt trong xử lý của chính quyền cũng như ngành y tế, sự đồng sức đồng tâm của mọi người dân. Đặc biệt, sự chung sức của các doanh nhân, nghệ sĩ cùng mọi thành phần xã hội trong xã hội.

Hình ảnh những chiến sĩ phải nhường doanh trại cho người cách ly để ngủ dưới đất, ngoài trời hay người dân tự nguyện mang đồ uống, đồ ăn đến tặng cho những người đang làm nhiệm vụ, rồi thì chữa bệnh miễn phí, cung cấp đồ ăn miễn phí cho vùng cách ly, và cả những chiến sĩ áo trắng anh hùng đã bị lây nhiễm trong cuộc chiến này…

Tất cả điều đó xảy ra và chạm vào trái tim tác giả, để rồi cho tới ngày 22/3 những giai điệu đầu tiên của bài xẩm Tiêu diệt Corona mới bắt đầu nhảy múa trong đầu tác giả, và ngay trong đêm hôm đó, bài xẩm ra đời. Dành trọn ngày 23/3 để thực hiện phần thu âm. Ngày 24/3 thực hiện phần quay hình. Ngày 25/3 hiệu đính chỉnh sửa và 26/3 Tiêu diệt Corona chính thức góp thêm một tiếng nói nhỏ của Xẩm Hà Thành vào vấn đề chung của cả dân tộc, rộng hơn là của toàn nhân loại.

Kết bài, toàn bộ các nghệ sĩ hô vang câu khẩu hiệu rất quen thuộc trong suốt cuộc chiến chống đại dịch Covid này là "Việt Nam chiến thắng". Đó vừa là tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, cũng vừa là mong muốn của nhóm xẩm cũng như của bất kỳ ai trong mỗi chúng ta.