Câu hỏi Giáo dục công dân gây tranh cãi: Luật sư nói đề thi thiếu chặt chẽ, Bộ GD&ĐT lên tiếng

Nhiều người cho rằng, câu hỏi 117, mã đề 310 môn Giáo dục công dân có các đáp án đưa ra không thuyết phục. "Tôi cho rằng các đáp áp đưa ra chưa thật sự chặt chẽ.", một luật sư nói.

Sáng qua 10/8, thí sinh hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội với 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Kết thúc bài thi Giáo dục công dân, một số giáo viên, giảng viên luật cho rằng, câu hỏi 117, mã đề 310 có các đáp án đưa ra không thuyết phục, khiến thí sinh khó lựa chọn đáp án đúng.


Câu hỏi GDCD gây tranh cãi trong đề thi tốt nghiệp THPT 2020.

Đánh giá về câu hỏi này, cô Đoàn Thị Vành Khuyên - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân trường THPT FPT cho rằng, đây là một câu hỏi vận dụng cao và yêu cầu học sinh phải hiểu sâu vấn đề mới làm đúng được. Nội dung bình đẳng trong kinh doanh ở đây không chỉ quy định về quyền giữa các chủ thể kinh doanh mà còn về nghĩa vụ đối với các mối quan hệ khác trong xã hội (trong đó có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, thực hiện các quy định về an toàn xã hội...).

Vì thế trong tình huống này theo cô Khuyên, chị X và Y vi phạm ở nội dung bình đẳng về nghĩa vụ (không bảo đảm an toàn trong kinh doan) nên đáp án đúng sẽ là chị X, Y và ông B (đáp án C). Vì vậy, cô Khuyên khẳng định câu hỏi và đáp án trên không sai.

Trong khi đó, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội lại có ý kiến khác. Theo ông Cường, các đáp áp đưa ra của câu hỏi này chưa thật sự chặt chẽ.

Luật sư Cường phân tích cụ thể, dưới góc độ pháp lý, bình đẳng trước pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác. Bình đẳng trước pháp luật được hiểu là mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng ngang nhau trước pháp luật, không phụ thuộc vào dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội...

Về quyền bình đẳng trong kinh doanh, theo ông Cường, hiện nay chưa có khái niệm pháp lý chính thống nào được ghi nhận tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật thì có thể lý giải quyền bình đẳng trong kinh doanh chính là các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quan hệ kinh tế đều có quyền bình đẳng ngang nhau trước pháp luật, đều hưởng quyền và nghĩa vụ hợp pháp theo quy định pháp luật, không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội... Đồng thời, hành vi xâm phạm quyền bình đẳng có thể hiểu là hành vi tác động của chủ thể nhằm làm cản trở, tác động tiêu cực tạo ra sự bất bình đẳng đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khác trong cùng quan hệ pháp luật.

Cũng theo ông Cường, trong tình huống này, câu hỏi trong đề thi đưa ra với các dữ kiện nêu trên thì bà X và Y đều là các chủ thể vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo điều kiện kinh doanh khi chưa trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy cho khách sạn của mình. "Do đó, nếu có vi phạm về quyền bình đẳng trong kinh doanh, tức là hành vi xâm phạm quyền bình đẳng trong kinh doanh, theo tôi chính là hành vi của ông B khi không xử phạt vi phạm đối với trường hợp của bà Y do quan hệ họ hàng, tạo ra sự bất bình đẳng trong nghĩa vụ đối với bà Y trong việc sai phạm này.

Còn với hành vi của anh C là hành vi có dấu hiệu xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của bà Y thì cũng chưa thể xác định anh C có vi phạm bình đẳng trong quan hệ kinh doanh trong trường hợp này. Do đó, tôi cho rằng các đáp áp đưa ra chưa thật sự chặt chẽ.", ông Cường khẳng định.


Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh minh họa: Như Ý)

Trả lời phỏng vấn của báo Lao động về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, nội dung câu hỏi được lấy từ bài 4, trang 38 trong SGK môn Giáo dục công dân lớp 12 hiện hành. Theo ông Trinh, để phân tích sâu hơn về vấn đề này thì các chuyên gia sẽ có ý kiến và nếu cần thiết, Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ có thông tin thêm sau.

Theo Kenh14.vn