Bước vào căn hộ chung cư của Đặng Huy Hoàng (32 tuổi) dễ dàng bắt gặp các mô hình Lego (viết tắt của từ Leg Gods có nghĩa xếp lại với nhau - nv) do anh tự thiết kế, lắp ráp. Anh dành riêng một phòng rộng hơn 15m2 để chứa các hộp đựng các mảnh ghép lego.
Anh Hoàng bắt đầu bén duyên với lego từ năm 2008. Sau thời gian ngắn chơi theo từng bộ có hướng dẫn lắp ráp cụ thể, anh chuyển sang tự thiết kế riêng tác phẩm và sưu tầm các bộ lego. Anh Hoàng cho biết đã mua và sưu tầm hơn hai triệu mảnh ghép Lego, sở hữu gần 70% bộ Lego sản xuất từ năm 1989 - 2000 và những bộ phiên bản giới hạn, không còn sản xuất như set mã 521 sản xuất năm 1962.
Mỗi lần thực hiện tác phẩm mới, anh lần lượt thực hiện quy trình lên ý tưởng, phác thảo thiết kế, lựa chọn tông màu tỷ lệ, lựa chọn "gạch" sẵn có và tìm những mảnh ghép còn thiếu, lắp rạp , chụp ảnh thành quả. Trong đó quan trọng nhất là quyết định tỷ lệ sản phẩm để chuẩn bị nguyên liệu. Việc bỏ cả ngày chỉ để tìm được một miếng ghép phù hợp trong số hơn hai triệu mảnh ghép "diễn ra như cơm bữa". Nhiều mảnh ghép thị trường không có hoặc đã ngừng sản xuất, anh phải lên mạng tìm kiếm từ cộng đồng sưu tầm, chơi lego trong nước và nước ngoài.
Anh Hoàng từng được cộng đồng lego quốc tế biết đến khi trình làng mô hình về tàu đánh cá của ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào năm 2014. Ý tưởng tác phẩm được anh thai nghén sau lần thăm làng chai ven biển miền Trung và quyết tâm thực hiện khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Tác phẩm tàu cá ngư dân Việt của anh Hoàng được giới thiệu trong cuốn sách của hai nghệ sĩ Lego chuyên nghiệp của Hà Lan.
Từ năm 2014 đến nay, anh Hoàng đã có thêm nhiều lần "đóng" và "xuất xưởng" thêm những con tàu cá có kích cỡ khác nhau, đường nét mượt mà hơn và chi tiết hơn. Nếu phiên bản đầu tiên phần mũi tàu còn đơn giản thì những phiên bản sau phần mũi tàu có thêm con mắt. Theo anh Hoàng, mi mắt được lấy từ chi tiết mui xe ô tô trong bộ lego chủ đề thành phố dành cho trẻ em. Lòng đen mắt thuyền lấy từ chi tiết trong bộ lego con giống.
Bằng sự sáng tạo, khéo léo sử dụng các mảnh ghép lego, anh Hoàng đã tái hiện sinh động nhiều công trình, góc không gian mang nét văn hóa Việt Nam. Anh cho biết: Từng có gần chục năm du học và làm việc ở nước ngoài nên có dịp tiếp xúc tìm hiểu để so sánh đối chiếu nét văn hóa, kiến trúc phương Tây với Việt Nam. Đặc biệt, sau hai năm về nước sinh sống anh càng thấy được nét đặc biệt, đặc sắc để yêu và tự hào hơn những công trình kiến trúc, không gian sống tưởng đã rất quen thuộc.
Anh Hoàng đã tái hiện sinh động cổng đình Cổ Vũ gắn liền cây đa cổ thụ ở phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tác phẩm có hơn tám nghìn mảnh ghép và được thực hiện suốt năm tháng. Một trong những điểm nhấn của tác phẩm là cây đa cổ thụ được thể hiện sống động. Vẻ sàn sùi của cây được anh sử dụng các chi tiết bọc ống đồng của các nhân vật siêu nhân.
Căn phòng khách những năm 1990 được tái hiện sống động với sự xuất hiện hình ảnh những vật dụng quen thuộc như chiếc phích nước nóng, tivi, quạt... hay mảng tường, nền nhà lát gạch bông đỏ.
Ngoài ra, anh còn tự lắp ráp mô hình về Tháp Rùa, tiệm tạp hóa xưa, góc cổng trong khu Đại nội kinh thành Huế, xe xích lô..
Những tác phẩm này của anh Hoàng đã ghi đậm dấu ấn trong cộng đồng chơi lego và truyền thông trong nước, nước ngoài.
Anh Hoàng đang đặt mục tiêu lắp ghép mười tác phẩm công phu gắn với những nét văn hóa, không gian Việt để giới thiệu, triển lãm. "Một trong những điều tôi cảm nhận và muốn truyền đạt qua những tạo hình của mình là trạng thái cân bằng đan xen giữa cũ - mới, tinh tế - đơn giản dù bề ngoài có thể lộn xộn, giao tranh. Qua đó tôi có thể giới thiệu hình ảnh đất nước qua chất liệu của nước ngoài", anh Hoàng nói.