Dưới đây là cách để hóa giải những cuộc cãi vã:
1. Đếm từ 1 đến 10
Hẳn nhiên là sau cuộc tranh cãi, thần kinh bạn sẽ trở nên căng thẳng và chỉ trực nổ tung. Thời điểm đó không nên có thêm bất cứ hành động gì. Còn nghe thêm một lời "ngứa tai" từ nửa kia ư? Cho dù bạn không thích, không đồng tình, hãy hít thở sâu, và đếm đến 10. Thật sự hiệu quả đấy, bạn không muốn làm đau hay gây tổn thương cho người kia chỉ vì phút nóng giận, phải không nào?
2. Đừng cãi nhau khi đối phương bị ốm
Cãi nhau cũng phải "có lúc". Khi vợ/chồng đang không khỏe, tâm trạng suy sụp hay gặp khó khăn trong công việc, nếu cãi nhau vào lúc này thì sẽ chỉ khiến mâu thuẫn giữa vợ chồng thêm sâu sắc, khiến sức khỏe của họ càng thêm trầm trọng, lâu bình phục, thậm chí chán nản nghĩ quẩn. Vợ chồng yêu thương nhau cũng chính là tự yêu thương bản thân mình.
3. Không xúc phạm đối phương
"Trước tôi bị mù mới lấy anh/cô". Đây gần như câu cửa miệng mỗi khi xảy ra cãi vã. Nội dung câu nói này thể hiện sự coi thường đối phương, khiến người nghe "nhức tận óc".
Gần đây trên một diễn đàn có người vợ than rằng cô sắp ly hôn chồng. "Trưa đó do con quấy quá nên tôi quên dọn bàn ăn. Đến tối về chồng bực tức mắng tôi lười biếng", người vợ mở đầu câu chuyện. Dù sau đó cô giải thích, nhưng người chồng vẫn mắng vợ là ăn hại, bởi cô chỉ ở nhà chăm con mà không đi làm. Người phụ nữ quá tức giận, đòi ly hôn: "Tôi trước đây thực sự bị mù mới lấy một người như anh". Người chồng nghe thấy vậy không kém miếng, nói rằng trước đây anh ta cũng bị mù mới lấy phải cô vợ như vậy. Cuộc chiến giữa họ kết thúc khi cả hai người xác nhận, không thể sống chung nếu như hai bên liên tục công kích đối phương.
Khi cãi nhau, xúc phạm đối phương được sử dụng như một công cụ trút bỏ sự bất mãn để dành lấy ưu thế. Những lời này sẽ chỉ phá hủy lòng tự trọng của đối phương, đẩy mâu thuẫn lên cao trào, xảy ra nhiều việc đáng tiếc. Vì vậy, vợ chồng thật sự đừng làm tổn thương nhau.
4. Không coi thường các cảm xúc
Hãy thể hiện các cảm xúc của mình nhưng cũng thừa nhận cảm xúc cho bạn đời, thể hiện sự quan tâm của bạn tới trạng thái tình cảm của họ.
5. Thỏa thuận về tín hiệu "dừng" cho cả hai
Khi cuộc tranh luận đã đến đỉnh điểm, tốt nhất là phải dừng nó lại, dựa trên một dấu hiệu đình chiến đã được thỏa thuận từ đôi bên. Đó có thể là một cử chỉ hay một lời hài hước, đó là cách gửi đi thông điệp cho nửa kia thấy bạn đang rất gần với điểm không còn giữ nổi kiên nhẫn nữa.
6. Đừng nhắc lại "nợ cũ" với đối phương
Có những cặp vợ chồng thích nhắc lại "nợ cũ" khi cãi nhau, chẳng hạn như những lỗi lầm trước đây hoặc người yêu cũ của vợ/chồng, việc này sẽ tăng mức độ kịch liệt của cuộc cãi vã, dẫn đến mâu thuẫn ngày càng sâu sắc. Điều này cũng là hành vi thiếu khôn ngoan nhất khi cãi nhau. Chuyện nào ra chuyện đó, đừng cứ hễ cãi nhau là lại nhắc lại những việc chẳng liên quan, vốn chỉ là một chuyện nhỏ mà kết quả lại càng cãi càng trở nên phức tạp hơn.
Vì vậy, chuyện gì qua đi hãy để nó qua đi, hãy để nó trở thành dĩ vãng, đừng nhắc lại nữa. Ai chẳng có lúc mắc sai lầm, hãy mở rộng tấm lòng và khoan dung đối với vợ/chồng của mình.
7. Không suy diễn
Đừng cho rằng bạn đời luôn làm điều không hay khi ở xa bạn. Điều này chỉ tạo ra các cuộc tranh cãi mới. Hãy xác định rõ động cơ từ các hành động của chồng hay vợ mình.
8. Đừng cố giành chiến thắng
Có để làm gì đâu, bạn không thực sự muốn chiến thắng, không muốn luôn luôn phải là người đúng. Trong một cuộc tranh luận, cãi vã với người mình yêu, không có cái gọi là đúng/ sai. Ngay cả khi bạn có cảm giác mạnh mẽ về một điều gì đó trong trận cãi vã, thì nó cũng chưa chắc là điều quan trọng sau cùng.
9. Không xem thường bạn đời
Đừng thể hiện mình "trên cơ" bạn đời. Hãy cùng vợ hay chồng mình tìm ra giải pháp cho các vấn đề hơn là thể hiện bạn hơn hẳn họ.
10. Có những thứ không đáng để cãi nhau
Quan điểm khác nhau là chuyện bình thường, đặc biệt khi hai người còn đang phải điều chỉnh để phù hợp với cách sống của nhau. Có những thứ không đáng để gây chiến, hãy nghĩ xa hơn, và đưa ra lựa chọn thông minh về điều gì đáng để bạn mất thời gian, điều gì không cần thiết.