Vừa vớt mấy chai nhựa và mớ lục bình, ông chú người Hậu Giang mỉm cười còn miệng thì lẩm bẩm: “Tụi Tây du lịch trên sông thấy có rác trôi là kêu chủ thuyền dừng lại nhặt liền. Người mình không làm được vậy thì mắc cỡ lắm”.
"Cần Thơ gạo trắng nước trong
Một lần ghé đến để lòng vương câu thề
Ninh Kiều gió thổi bùa mê
Đưa anh xuống bến xuôi về Cái Răng…"
Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng.
"Cắm sào" ở trạm xăng nổi, con đẻ cũng không có thời gian đi thăm
Lấy xe máy đi dọc khúc sông Cần Thơ, loanh quanh những cung đường gần chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) rồi nghêu ngao mấy câu thơ nổi tiếng về vùng đất này một hồi, xe chúng tôi bị vơi xăng gần hết.
Nhìn mãi bên đường mà không thấy có trạm xăng nào, bất giác chúng tôi ngó xuống mé sông rồi kinh ngạc. Dưới những dòng nước đang lững thững trôi là mấy trụ xăng đang đứng chễm chệ trên bè nổi, mặc cho mọi thứ xung quanh đang bồng bềnh.
Trạm xăng trên sông Cần Thơ.
Dựng xe đi bộ đến gần, chúng tôi thấy có mấy chiếc thuyền chở khách du lịch cập lại. Một ông lớn tuổi đang cầm khúc tre vớt ve chai và lục bình bên dưới sông tạm gác công việc, chạy đến cầm ống dẫn xăng đưa chủ ghe tự đổ.
Tiền trao tay xong, họ mỉm cười rồi mặc nhau trôi theo dòng nước cuộc đời định sẵn. Ông chú tại trạm xăng "nổi" ngước nhìn theo bóng thuyền xa dần, hớp vội ngụm trà đặc rồi lại tiếp tục công việc dở dang khi nãy: Vớt lục bình và ve chai.
Chú Thơ cầm sào vớt rác trên sông.
Hỏi thăm, mới biết người đàn ông ấy tên là Lê Ngọc Thơ (60 tuổi, thường gọi là Hai Thơ), quê ở Hậu Giang. Tiếp khách bằng sự nồng hậu của người miền Tây, chú Thơ tâm sự trước đây chú chở vật liệu xây dựng thuê ở quê. Cuộc sống tuy không quá khá giả nhưng đủ nuôi mấy đứa con khôn lớn nên người.
Nụ cười hồn hậu của người đàn ông mến khách.
"Hơn 1 năm trước, chủ tiệm vật liệu xây dựng thuê được trạm xăng này mà không có người coi. Họ nhờ chú xuống coi giúp, một tháng được 7-8 triệu, ngủ tại chỗ luôn. Tính mình hễ có người nhờ thì khó từ chối. Chú hỏi làm rồi có người thế khi mình bận gì không, họ kêu ban đầu làm một mình rồi sau đó sẽ kiếm người hỗ trợ. Nên chú mới đồng ý" – chú Hai Thơ kể.
Chú Thơ bán xăng trên sông hơn 1 năm nay.
Ấy vậy mà từ đó đến nay không có một người nào khác đến. Một mình chú Thơ phải quán xuyến cả trạm xăng giữa chợ nổi Cái Răng. Không đi đâu được nên ăn uống gì chú cũng nhờ người đem đến giao tận nơi.
Trái cây, thịt cá nhờ các ghe thương hồ, còn gạo mắm, vật dụng sinh hoạt thì gọi các xe máy trên bờ.
Công việc tuy hơi buồn tẻ nhưng cũng giúp chú có thu nhập ổn định.
Niềm vui của chú là khi có người ghé thăm.
"Chú ở đây suốt 1 năm trời không về nhà cũng không đi đâu hết. Đến Tết mới xin người ta cho về quê được.
Mà mới về chiều 30 Tết là chiều mùng 2 phải lên rồi. Con chú lên Bình Dương làm rồi lập gia đình trên đó. Nó mới đẻ mà chú cũng không thu xếp lên thăm được. Thôi kệ, từ từ chờ nó cứng cáp rồi chú tính sau" – chú Hai Thơ kể tiếp trong khi tay nhanh nhẹn xách trái dưa hấu dài ra cắt mời khách.
Chú Thơ cắt dưa mời khách lạ.
Không vớt rác, mắc cỡ với tụi Tây lắm!
Sống một mình trên cây xăng lại giữa dòng sông rộng lớn nên hễ có người đến thăm là chú Hai Thơ vui lắm.
Khi thì có mấy ông bạn già từ trên bờ xuống đánh cờ, khi là mấy chiếc ghe chở trái cây xin cập lại ngủ qua đêm. Chú nói có họ cũng đỡ, chứ không thì chỉ làm bạn với muỗi mòng, rắn nước và chú chó nhỏ.
Chú chó nhỏ làm bạn đồng hành với người đàn ông.
Vào bên trong tham quan "dinh thự" của ông chú miền Tây, chúng tôi thấy có xếp rất nhiều phao cứu sinh.
Chú Hai Thơ thiệt tình nói phao này để dành khi có sự cố hay tai nạn gì mình còn ứng cứu kịp. Dân sông nước thì không quá lo lắng, chỉ sợ khách lạ đi du lịch không biết bơi mà xuống sông thì nguy hiểm lắm.
Trên bè cũng trang bị phao bơi, áo phao sẵn sàng hỗ trợ người gặp nạn.
Trước khi xuống quản lý trạm xăng, chú cũng đã được trang bị kỹ kiến thức về phòng cháy chữa cháy để bảo đảm an toàn đến mức tối đa.
Chốc chốc, ghe nhỏ thuyền lớn chạy đến đổ xăng dầu liên tục. Tiếng máy vỏ lãi, tắc ráng vang động làm khúc sông ở chợ nổi vốn hiền hòa bỗng trở nên rộn ràng náo nhiệt.
Chú Thơ thống kê tiền bán xăng dầu mỗi ngày.
Lật cuốn sổ đã cũ sờn, chú Thơ ghi chép rất nhanh công việc vẫn làm mỗi ngày. Chú thống kê, ghe máy nhỏ một lần thường đổ từ 50-100 ngàn đồng, tàu lớn xài dầu thì tốn nhiều hơn, có khi đổ đến 2 triệu đồng. Còn vỏ lãi thì 20-30 ngàn đồng cũng có.
Vãn khách, chú Hai Thơ lại xách cây sào do mình tự chế ra mé bè nổi. Đó là một thanh tre dài, phía trên có một lưới vải lớn để gom rác. Hơn 1 năm nay cứ mỗi lúc rảnh là chú lại làm công việc này.
Bữa ăn trên sông lúc rảnh rang thật đạm bạc.
"Ve chai, đồ nhựa thì chú vớt lên bỏ trong bao để dành bán. Còn lục bình thì chú phụ gom lại một chỗ cho mấy anh môi trường đi xử lý. Vừa có tiền vừa làm khúc sông thông thoáng, nước không tụ lại, không bốc mùi.
Mà sao dân mình còn xả rác nhiều quá. Tụi Tây du lịch trên sông thấy có rác trôi là kêu chủ thuyền dừng lại nhặt liền. Người mình không làm được vậy thì mắc cỡ lắm" – chú Hai Thơ thắc mắc nhẹ nhàng trong khi tay vẫn loay hoay kéo một vỏ chai nước suối vào bờ.
Chú Thơ vẫn ngày ngày vớt lục bình, ve chai trên sông.
Hành động này tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa.
Buổi chiều Cần Thơ nắng tắt dần, chúng tôi đã bước lên bờ nhưng ngoái đầu lại vẫn còn thấy chú Hai Thơ lui cui vớt vỏ chai. Nhớ lại câu trả lời của chú khi chúng tôi hỏi, rằng nếu ve chai không bán được tiền thì có vớt không mà thấy thương người miền Tây quá đỗi:
"Không có tiền thì vớt cho vui cũng được. Sông quê hương mình thì mình phải thương nó chứ".
Theo trithuctre