Làm sao mới có thể hòa thuận với anh em nhà chồng là điều mà bất cứ một cô gái nào đi làm dâu cũng đều mong mỏi. Tuy nhiên, đôi khi chỉ bản thân cố gắng cũng không đủ "sức mạnh" để kéo đôi bên lại gần nhau được bởi tuy cùng là phụ nữ nhưng không hẳn chị chồng nào cũng đủ tâm lý hiểu cho nỗi lòng của em dâu. Giống như câu chuyện mới được chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây chẳng hạn.
Chuyện cô kể như sau: "Em đi làm dâu 4 năm rồi nhưng dù bản thân có cố gắng cỡ nào vẫn không sao có thể hòa hợp được với 2 chị chồng. Các chị ấy cũng đã kết hôn, đi làm dâu cả rồi mà sao đối với em dâu vẫn chẳng có sự cảm thông không biết.
Các chị ấy lấy chồng đều gần nhà. Người cách 5 cây số, người thì ngay cùng khu phố nên hầu như cuối tuần nào cũng kéo về nhà đẻ tụ tập. Có những hôm họ ở hết 2 ngày thứ 7, chủ nhật, ngủ lại tới sáng thứ 2 mới về nhà. Nói thật, anh em trong nhà quây quần, tập trung như thế càng tình cảm, em rất ủng hộ nhưng mọi người đều phải có ý thức, chung tay góp sức vào nấu nướng cơm nước chứ đằng này 2 chị chồng toàn đè cổ em làm 1 mình.
Ngồi chơi tới bữa đợi em dâu mời vào mâm, ăn xong em lại tự bưng bát đi rửa. Đấy là chưa nói, vợ chồng em ở với bố mẹ, ông bà không có lương, mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống chúng em phải lo hết. Các chị ấy có bao giờ đóng góp hay bảo đi chợ đỡ em dâu đâu. Em không tính toán nhưng tới ý thức đỡ việc cũng không có mới khiến em nản.
Mệt mỏi nhất là mỗi khi nhà có giỗ lễ họ toàn ì ra cho em. Cứ trước giỗ 1 ngày, người mang cân giò, người mang đôi gà sang gọi là góp giỗ coi như xong nhiệm vụ, trưa hôm sau đúng giờ ăn cỗ thì về. Mọi việc nấu nướng là em tự phụ trách, ăn xong em dọn dẹp, họ đứng dậy về.
Đợt này em đang bầu bí, thời tiết giao mùa người bình thường còn mệt chứ chưa nói tới mẹ bầu. Hôm qua nhà lại có giỗ bà nội chồng, như thói cũ, 2 chị chồng lại mang gà mang giò với hoa quả sang từ chiều trước. Biết tính các chị gái, chồng em dặn họ: 'Vợ em năm nay bầu bí không làm được hết việc như mọi khi nên mai các chị về sớm nấu nướng cùng cô ấy, cả bát đĩa cũng phải rửa…'.
Không để em trai nói hết câu, bà chị cả nguýt luôn miệng, kéo dài giọng bảo: 'Gớm, cậu cứ giỏi chiều vợ. Làm như chúng tôi chưa chửa đẻ bao giờ. Chúng tôi là phận gái về nhà là khách. Mấy việc nấu nướng, rửa bát đũa là của con dâu, chúng tôi đâu tới lượt'.
Chồng em nghe xong tím mặt không nói gì, 2 chị ấy cũng đứng lên về thẳng. Hôm sau vẫn 11h họ mới sang. Ngồi đợi 30 phút thì hạ lễ xuống ăn uống, họ sai em đi lấy bát đũa nhưng em xuống bếp cầm lên 1 nắm túi nilon đặt xuống bàn khiến họ ngạc nhiên hỏi: 'Bảo lấy bát đũa không lấy lại đi lấy túi nilon làm gì?'.
Chồng em đứng bên lên tiếng: 'Em bảo vợ em chuẩn bị túi nilon chia phần cho các chị mang về đó. Cô ấy vất vả nấu nướng thắp hương các cụ, không còn sức mà phục vụ, rửa bát đũa cho các chị đâu. Vì các chị chỉ thích ăn không thích rửa nên em chia luôn từng phần vào túi rồi ai mang về nhà người ấy cho gọn gàng'.
2 chị chồng em đơ người đỏ gay mặt định nói lại nhưng cả bố mẹ chồng em đều lên tiếng tán thành. Thậm chí họ nói thẳng nếu còn không biết ý nữa thì những ngày giỗ sau không cần về, nhà cần người làm, không cần người góp miệng ăn.Thấy bố mẹ nói vậy, hai chị mới bảo nhau xuống bếp lấy bát đũa, ăn xong tự bê đi rửa chứ không đùn lại cho em dâu như trước".
Với những ai đã từng đi làm dâu thì hẳn tình huống trên không phải là quá hiếm gặp. Thực tế, bất cứ cô gái nào đi lấy chồng, điều họ mong mỏi nhất chính là tạo dựng được 1 mối quan hệ hài hòa, tình cảm với chị em nhà chồng.
Thậm chí có những khi họ chấp nhận nhẫn nhịn để giữ hòa khí gia đình chung nhưng có những tình huống không thể "làm hòa" được như trên thì nàng dâu buộc phải chọn cách thể hiện rõ quan điểm như thế để đôi bên hiểu thấu nhau cho dễ sống.