Tôi luôn muốn có con. Đó là điều tôi chưa bao giờ nghi ngờ. Ngay cả ở tuổi 16, khi tôi và bạn trai bắt đầu gần gũi, tôi đã mơ mộng về việc làm mẹ sẽ như thế nào. Tôi thấy mình đang hạnh phúc ôm một đứa trẻ được quấn trong tã, biết cách chăm sóc nó vì tôi tin đó là điều mà tạo hóa ban cho con người.
Nhưng giờ đây, tôi có thể khẳng định một cách dứt khoát rằng việc nuôi dạy con cái là điều không dễ dàng như bản năng. Nó cần nỗ lực, sự tự nhận thức, thời gian, sự chú ý, sự tận tâm, khiêm tốn, kiên nhẫn và quan trọng nhất là tình yêu thương vô bờ bến.
Tôi có Amanda (9 tuổi) với người chồng đầu tiên nhưng sau đó tôi nhận ra anh ta không xứng làm cha của con tôi.
Sau đó, khi tôi tìm được người chồng thứ 2, người mà tôi tin là người đàn ông hoàn hảo, chúng tôi nhanh chóng kết hôn và chuyển đến vùng ngoại ô sống.
Hình ảnh cô bé Amanda.
16 tháng sau, tôi sinh em bé tại nhà. Tôi quyết tâm làm điều đó trong lần sinh nở này và tin tưởng bằng cả trái tim mình rằng Amanda rất mong được nhìn thấy em mình chào đời.
Chuyện không như tôi tưởng!
Con bé trốn dưới gầm bàn ăn, dùng ngón tay bịt tai cố gắng chặn những âm thanh phát ra từ phòng ngủ khi tôi đang gào thét trong cơn đau của ca sinh nở. Con bé không thích nhìn thấy mẹ mình khỏa thân. Amanda còn với tôi rằng có thể con bé sẽ không bao giờ có con sau lần phải nghe tôi rên rỉ vì đau đớn.
Điều tôi hy vọng sẽ là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời cho đứa con 9 tuổi hóa ra lại khiến con rơi vào ám ảnh đến thế.
Điều bất ngờ nữa xảy ra khi tôi tin rằng Amanda đương nhiên sẽ thích được làm chị cả; rằng con bé sẽ yêu thương Emma, giúp tôi thay tã cho em, bằng khuôn mặt rạng rỡ với niềm tự hào và cả hãnh diện khi đẩy xe đưa em đi dạo phố.
Tôi đã sai lần hai.
2 tháng sau khi Emma chào đời, Amanda thường đi học về với bữa trưa còn bỏ dở. Mỗi khi tôi mở hộp cơm trưa của con thường thấy vài miếng giăm bông và bánh mì kẹp mù tạt, những quả dâu tây vẫn nguyên vẹn trong hộp, và những chiếc bánh quy socola bị bóp thành bột vụn ở đáy hộp.
Ban đầu, tôi nghĩ có lẽ con đã chán những món ăn yêu thích và thay đổi thực đơn cho con. Tình trạng không cải thiện. Tôi không hiểu vì lý do gì, con bé không vứt đồ ăn vào thùng rác mà mang về nhà để tôi thấy. Khi tôi hỏi tại sao con không ăn trưa, câu trả lời của con lần nào cũng giống nhau: "Con không đói".
Trong những tuần tiếp theo, con bé trở nên ủ rũ và thu mình hơn. Buổi sáng đi học, buổi chiều đóng kín cửa ở trong phòng.
Bữa tối nào cũng trở nên nặng nề. Con bé ngồi nghịch đĩa đồ ăn, đẩy khoai tây nghiền sang một bên đĩa, và cuối cùng ăn đúng 2 hạt đậu. "Con no rồi", Amanda nói. Dù tôi có cất công chuẩn bị thế nào thì con cũng chỉ ăn được vài miếng.
Tôi đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa. Sau khi kiểm tra toàn diện, bác sĩ không phát hiện ra vấn đề gì và bảo tôi đừng lo lắng. "Con bé sẽ ăn khi đói", ông nói và đưa cho con bé một cây kẹo mút.
Giáng sinh đến. Vì phải chăm sóc cho bé con mới chào đời, con gái 9 tuổi và đứa con riêng 10 tuổi của chồng, tôi quá bận rộn và không thể theo sát Amanda. Những chiếc bánh Giáng sinh phải nướng, những món quà cần mua và gói, những tấm thiệp Giáng sinh cần viết và gửi đi. Tôi dần quên đi chuyện bữa trưa và tự nhủ Amanda đang trải qua một giai đoạn thay đổi. Con bé sẽ ăn vui vẻ khi ở nhà nghỉ lễ Giáng sinh.
Nhưng không phải thế...
Sang năm mới, tôi nhặt lại những bức ảnh đã in mà chúng tôi đã chụp trong kỳ nghỉ và trong khi đợi Amanda tan trường trong xe, tôi ngắm nghía những bức ảnh của con bé với vẻ hoài nghi.
Tại sao trước đây tôi lại không nhận ra điều này? Đôi mắt đứa con đầu lòng của tôi có vẻ đờ đẫn, buồn rầu. Đôi má tròn hồng hào thường ngày của con giờ đã hóp lại và nước da tái nhợt. Từ phần tay của chiếc váy, đôi cổ tay gầy gò lộ rõ và đôi chân chẳng khác gì que diêm.
Tôi bắt đầu khóc. Có vẻ như tôi chưa thực sự nhìn thấy tác động của việc Amanda bỏ ăn cho đến khi xem những bức ảnh. Điều này không bình thường! Có điều gì đó rất không ổn với con tôi.
Ngày hôm sau, tôi tâm sự nỗi lo lắng của mình với mẹ. Bà đồng ý đưa Amanda đi nghỉ cuối tuần để tìm hiểu lý do tại sao con không thích ăn.
Rồi câu trả lời mà tôi nhận được từ mẹ là: "Con bé muốn nhịn đói. Bởi vì con bé tin rằng càng ăn ít thì nó sẽ càng bé nhỏ".
Tôi lắc đầu, mất kiên nhẫn. "Nhưng tại sao lại thế?".
Mẹ tôi giải thích: "Trong suy nghĩ của Amanda, con bé nghĩ rằng nó càng bé nhỏ thì sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ con như cách con dành cho Emma. Điều này hoàn toàn hợp lý nếu con nhìn từ góc nhìn của một đứa trẻ 9 tuổi".
Tôi bắt đầu cảm thấy cảm giác lâng lâng trong ngực mình. Kể từ khi Emma chào đời, mỗi lần tôi cảm thấy xúc động về những đứa con của mình, cơ thể tôi lại có cảm giác kỳ lạ đó và ngực tôi bắt đầu rỉ sữa.
"Con bé ghét việc con gọi nó là con gái lớn", mẹ tôi tiếp tục nói. "Con bé không muốn bị nhắc nhở về tuổi của mình vào sinh nhật tiếp theo. Con bé chỉ muốn được nhỏ lại".
Ảnh minh họa.
Hóa ra, đó là cách con bé thu hút sự chú ý của tôi.
Tôi đã làm mẹ đơn thân từ khi Amanda 2 tuổi. Tôi không có nhiều thời gian để làm một người mẹ đảm quan tâm đến con. Tôi còn phải làm việc kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tối đến, giây phút mẹ con thân mật là khi tôi đọc vội một câu chuyện để con ngủ và một cái hôn nhanh lên trán. Con bé không được sự quan tâm chăm sóc như cách tôi đang dành cho Emma.
Tôi ngây thơ nghĩ rằng khi trở thành một phần của một gia đình với cha dượng, người anh không cùng cha mẹ và giờ là em gái cùng mẹ khác cha, con bé sẽ vui hơn. Tôi nghĩ con bé sẽ thích sống ở khu trung lưu vùng ngoại ô và theo học tại một trường sang trọng. Tôi tự đảm bảo với mình rằng con bé sẽ cảm thấy vô cùng biết ơn. Tôi hoàn toàn bỏ mặc về mặt cảm xúc mà con đã trải qua khi lớn lên.
Thật dễ dàng để tin rằng đó là tất cả những gì con bé cần để được hạnh phúc. Nhưng thực tế, đó là điều tôi cần - một ngôi nhà ổn định với một người chồng yêu thương và đáng tin cậy.
Con bé mới chỉ là một đứa trẻ 9 tuổi khao khát tình yêu và sự quan tâm của mẹ.
Sự xấu hổ cuộn lên trong tôi như từng đợt sóng. Tôi hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình và cảm giác tủi thân như thế nào lúc 8 tuổi khi em gái tôi chào đời. Tôi yêu vẫn yêu mẹ nhưng cảm xúc trong tôi cũng trở nên khô khan vì mẹ. Sau khi em gái tôi xuất hiện, tôi có cảm giác Trái đất đã nghiêng theo trục của nó và mọi thứ đột nhiên chỉ xoay quanh em gái.
Chỉ qua một đêm sinh nở của mẹ, tôi đã trở thành người giúp việc cho mẹ và không còn là một đứa trẻ nữa. Tôi lờ mờ nhớ mẹ đã nói rằng mẹ không nhận ra tôi đã lớn thế nào cho đến khi nhìn thấy tôi bên cạnh em gái bé bỏng của mình. Tôi cảm thấy mình như một gã khổng lồ xấu xí và ghét bản thân mình vì điều đó.
Sau khi biết được sự thật, trong vài tháng tiếp theo, tôi dành thời gian ngồi trên giường Amanda trước khi con đi ngủ và hỏi han về những chuyện xảy ra trong ngày. Tôi hôn lên trán con và nói với con rằng tôi yêu con vô cùng. Tôi để con chọn một hoạt động mà con muốn làm, chỉ với tôi.
Tôi không nhớ chuyện này đã diễn ra bao lâu, nhưng điều tôi nhớ là cuối cùng, sắc hồng đã đã hiện diện trở lại trên má con gái tôi, đôi mắt con bé sáng lên và con dần dần trở lại là chính mình.
Con gái lớn của tôi năm nay đã 32 tuổi. Có những lúc tôi vẫn cảm thấy dư âm tội lỗi cào xé bên trong lồng ngực mình. Tôi ước mình có thể là người mẹ chu đáo với con y như tôi đã làm với những đứa em của con.
Trong những năm sau đó, tôi vẫn nỗ lực sửa chữa lỗi lầm. Tôi thấy tổn hại từ sự thiếu vắng sự quan tâm của tôi trong những năm đầu đời của con bé đã gây ra tác động cho bản thân con, cho những mối quan hệ mà con chọn và con bé cảm thấy yêu bản thân mình khó đến mức nào.
Con gái tôi đã dạy cho tôi hiểu ra một điều rằng mặc dù chúng ta không thể quay lại sửa chữa những sai lầm trong cách nuôi dạy con cái của mình, nhưng chúng ta có thể tha thứ cho bản thân ở hiện tại, thể hiện con người thật của chúng ta và yêu như không có quá khứ, không có tương lai, chỉ có khoảnh khắc hiện tại này.
Lời tâm sự:
Trên đây là chia sẻ của một bà mẹ tên Eliza Alves trên trang Your Tango ngày 28/12/2023 nhưng nó dường như là câu chuyện của rất nhiều gia đình khác dù ở bất kỳ đâu, trong nền văn hóa nào.
Chúng ta thường có một cách suy nghĩ mặc định rằng con lớn thì phải nhường con bé. Con bé cần được che chở nhiều hơn vì bé bỏng, vì sinh sau đẻ muộn mà đôi khi quên mất rằng đứa trẻ nào cũng cần tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Đôi khi, chỉ một câu nói vô tình cũng có thể cứa nát tâm hồn của một đứa trẻ chỉ vì chúng "chót" chào đời trước em mình. Mà chúng nào đâu có lỗi trong chuyện ra đời trước hay sau.
Chỉ mong rằng, các ông bố bà mẹ hãy yêu thương các con theo cách của mình nhưng hãy thật tinh tế trong cách cư xử để không em bé nào phải chịu tổn thương.
Nguồn: Your Tango