Trẻ con phải trải qua nhiều giai đoạn để trưởng thành, đi theo từng dấu mốc là sự thay đổi đáng kể của tâm sinh lý. Càng lớn, trẻ càng có nhiều thay đổi về tính cách, sở thích, thói quen khiến nhiều phụ huynh cảm thấy khủng hoảng khi phải xử lý những lần con "nổi loạn". Điều này khiến các bậc phụ huynh vô cùng đau đầu để tìm cách làm sao uốn nắn con cái đúng đắn mà không làm tổn thương đến tâm lý non nớt của những đứa trẻ.
Mới đây, một câu chuyện về cách dạy dỗ con cái đang thu hút đông đảo sự chú ý của cư dân mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Tại Trung Quốc, một bà mẹ có một cậu con trai ở độ tuổi tiểu học. Cậu bé đang ở độ tuổi "ẩm ương", thường xuyên quậy phá, không chịu nghe lời bố mẹ, đã vậy còn đập đồ đạc để tỏ thái độ chống đối.
Để xử lý sự bướng bỉnh của con trai, người mẹ đã gọi điện cho cô giáo trước mặt cậu bé và nói: "Cô giáo ơi, bé ở nhà không nghe lời mẹ, còn dám ném đồ đạc vào người mẹ, rồi đòi bỏ nhà ra đi. Cô xem có cách giải quyết nào không? Tôi có thể đổi đứa con này được không cô giáo?".
Ngay sau khi nghe thấy lời mẹ, cậu bé lập tức sợ tái mặt, vội khoanh tay xin lỗi mẹ, xin mẹ đừng đổi mình với đứa trẻ khác. Câu chuyện sau khi được chia sẻ đã nhận được đông đảo bình luận của cư dân mạng. Rất nhiều bình luận khen ngợi sự đáng yêu của hai mẹ con này. Tuy nhiên, một số khác lại chỉ ra cách làm của người mẹ thực chất là tai hại. Họ cho rằng việc làm này sẽ khiến trẻ có tâm lý sợ hãi, thiếu an toàn và không đem lại hiệu quả lâu dài.
Cậu bé lập tức sợ tái mặt, vội khoanh tay xin lỗi mẹ, xin mẹ đừng đổi mình với đứa trẻ khác.
Làm gì khi con bướng bỉnh, quậy phá?
Phụ huynh cần hiểu tâm lý và tìm hiểu để biết trẻ muốn gì, cần gì, có gặp khó khăn, trở ngại nào về học tập hay các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè không. Từ đó luôn đồng hành cùng con, sẵn sàng làm "quân sư" khi con cần.
Cha mẹ cần hạn chế quát mắng, chửi bới và xúc phạm hay bài xích con, cấm cản bạn bè cũng như các thú vui của con, thể hiện sự tôn trọng con bằng cách lắng nghe con bày tỏ quan điểm riêng rồi mới nói lên những suy nghĩ của mình.
Ngoài ra, mỗi ngày cha mẹ có thể cho trẻ khoảng thời gian 30 phút đến 1 giờ chơi game, giải trí sau những giờ học căng thẳng, khuyến khích trẻ chơi thể thao; thể hiện sự quan tâm nhưng không kiểm soát trẻ quá mức và nên chú ý đến các mối quan hệ bạn bè của con để kịp thời điều chỉnh nếu đó là mối quan hệ thiếu tích cực.