Không chỉ những quán quân, nhiều bạn trẻ từng thi đấu trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia có những thành tựu vô cùng đáng nể và sự nghiệp không hề thua kém.
Cách đây 21 năm, chương trình Đường lên đỉnh Olympia bắt đầu phát sóng chương trình đầu tiên vào ngày 21/3/1999. Cứ đều đặn mỗi chiều Chủ nhật, chương trình trở thành bữa ăn tinh thần, là con đường chinh phục tri thức rộng mở để biết bao thế hệ học sinh tài năng của Việt Nam viết tiếp mơ ước và hoài bão của mình.
Sau những chương trình hấp dẫn, khán giả hết sức tò mò về sự nghiệp của dàn thí sinh bước ra từ chương trình. Bởi dù có giành được vòng nguyệt quế hay không thì họ vẫn từng là những cô cậu học trò có được thành tích học tập xuất sắc nhất trường, có kiến thức sâu rộng nhiều lĩnh vực. 20 năm trôi qua, có rất nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh những cô cậu thí sinh tài năng năm ấy!
Xuất hiện trong chương trình "Siêu trí tuệ Việt Nam", Việt Hoàng để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả bằng điểm 10 tuyệt đối về độ khó và tổng điểm 145, một trong những số điểm cao nhất của chương trình từ trước đến nay. Anh chàng cũng "ghi điểm" với lối nói chuyện duyên dáng cùng kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực.
Một trong những thí sinh hot nhất "Siêu trí tuệ Việt Nam" mùa đầu tiên Hà Việt Hoàng.
Việt Hoàng là 1 trong 4 thí sinh lọt vào vòng chung kết năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2017, chỉ chịu dừng bước trước "cậu bé Google" Phan Đăng Nhật Minh. Hiện tại, cậu bạn đang là sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật điện tử - Viễn thông của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Theo mẹ của Việt Hoàng thì 2 tuổi rưỡi cậu đã có thể đọc chữ, 4 tuổi đọc báo và từng vượt qua 63 thí sinh xuất sắc để giành giải Nhất cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc "Tự hào Việt Nam" lần II năm 2017 với số điểm 391.
Bỏ ĐH Harvard về làm CEO Uber Việt Nam
Đặng Việt Dũng là thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 4. Dù không đạt thành tích cao trong chương trình nhưng anh chàng cũng đạt được vô số thành tựu ngoài đời.
Anh từng bỏ ĐH Bách khoa để theo đuổi tấm bằng Cử nhân của Amherst College in Massachusetts, khi ra trường thì làm việc cho những công ty hàng đầu thế giới, sau đó anh tiếp tục chương trình Thạc sĩ của trường Kinh doanh Harvard. Sau 1 năm, Việt Dũng quyết định bỏ ngang việc học ở Harvard để về làm CEO Uber.
Việt Dũng bỏ ngang Harvard về làm CEO Uber Việt Nam.
Thực tập sinh dài hạn của NASA
8 năm trước, chàng trai Vương Thiện Huy (trường TH Thực hành, ĐH Sư phạm TP HCM) dừng chân ở cuộc thi tháng Đường lên đỉnh Olympia. Vài năm sau đó, Thiện Huy đã xuất sắc trở thành thực tập sinh của NASA - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ.
Ở đây, Thiện Huy được xem như một nhà khoa học thực thụ khi được nhận những đề tài nghiên cứu. Công việc cụ thể là cải tiến kính viễn vọng không gian để nhìn xa và rõ hơn.
Anh chàng cũng từng xuất sắc lọt vào top 15% tại hội thảo Toán lớn nhất nước Mỹ - Joint Mathematics Meeting (JMM) với một thuật toán giải phương trình vi phân nhanh, hiệu quả. Huy còn thông thạo gần hết ngôn ngữ lập trình đương đại (C++, Matlab, Python, Java, Pascal), có khả năng quy mọi thứ trong khoa học về Toán học và nghĩ theo nó (Mathematical Modelling Thinking)...
Vương Thiện Huy là thí sinh Olympia năm thứ 12.
"Kẻ về nhì vĩ đại" làm nghiên cứu sinh tại Nhật, tiến sĩ y khoa
Kết thúc cuộc thi chung kết với số điểm 210, chỉ cách quán quân Đỗ Lâm Hoàng 10 điểm, Thái Bảo được xem là một trong những "kẻ về nhì vĩ đại" trong lịch sử Đường lên đỉnh Olympia. Sau đó, anh chàng được tuyển thẳng vào trường ĐH Y Dược Huế, là người "rung được chuông vàng" tại cuộc thi chung kết Rung Chuông Vàng của sinh viên các trường ĐH toàn quốc lần thứ 3 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
"Kẻ về nhì vĩ đại" Nguyễn Thái Bảo.
Suốt những năm ĐH, Thái Bảo cũng "giắt túi" nhiều thành tích đáng nể như phần thưởng "Sinh viên tiêu biểu xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" toàn quốc, "Sinh viên 5 tốt" toàn quốc và là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu "5 tốt" toàn quốc... Hiện anh chàng đã hoàn tất khóa học nghiên cứu sinh tại Nhật và nhận bằng Tiến sĩ Y khoa.
Theo Kenh14.vn