Cửa hàng "bán" những bộ quần áo, giày dép với giá 0 đồng. "Hàng hóa" đều được giặt sạch sẽ với phương châm "ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho".
Giữa dòng người tất bật lướt qua nhau chẳng thèm ngoái nhìn nơi phố thị, nếu bỗng dưng bạn dừng lại rồi hỏi một người đi đường ngẫu nhiên nào đó câu: "Ở đời có thứ gì đó miễn phí hay không?" thì chắc hẳn "không" là đáp án của không ít người.
Nghe qua có vẻ xót xa và đầy bi quan nhưng đó đích thị là hiện thực mà chúng ta đang phải đối mặt.
Xã hội phát triển một cách nhanh chóng kéo theo sự phát sinh của những thứ tiêu cực như một lẽ tự nhiên. Dối trá, lọc lừa và những thứ xấu xí cứ bủa vây, nhan nhản hàng ngày trên mạng xã hội và khắp các phương tiện thông tin đại chúng khiến cho tình yêu, sự cảm thông, lòng trắc ẩn mất dần điểm tựa.
Con người ta bi quan hơn và những điều tốt đẹp, tươi sáng trong cuộc sống dần trở thành những món quà quá đỗi xa xỉ mà người ta chẳng còn mặn mà mong cầu.
Tuy nhiên, cuộc sống về cơ bản vốn như một bức tranh đa sắc, muôn màu, muôn vẻ. Những gam màu tối dù có tồn tại nhưng đan xen đâu đó, những gam màu tươi sáng vẫn xuất hiện để tạo nên một tổng thể cân bằng.
Bên cạnh những thứ hàng ngày làm con người ta trăn trở rồi đau xót, vẫn tồn tại những món quà, những điều tốt đẹp và giản dị xuất phát từ tấm lòng và những yêu thương chân thành dành trao.
Đơn cử, vừa mới đây, một hội nhóm chuyên chia sẻ những câu chuyện đầy xúc cảm và chan chứa về tấm lòng của con người Sài Gòn đã có dịp đăng tải loạt ảnh ghi lại những khoảnh khắc giản dị về một cửa hàng tương đối đặc biệt mang tên "Cửa hàng 0 đồng". "Mang tiếng" là cửa hàng, ấy vậy mà nơi đây không được sử dụng vào một mục đích kinh doanh, mà chỉ đơn thuần là chỗ để "Ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho".
Và thứ để người ta "lấy" và "cho" chính là những chiếc quần áo, cũ có - mới có. Chỉ với một chiếc giá được dựng tạm bằng thanh sắt căng ngang, quần áo được treo một cách thẳng thớm, ngay ngắn khiến người đến nhận không ngại mà người đem cho cũng cảm thấy rất đỗi dễ chịu.
Ngay sau khi được đăng tải chưa lâu, câu chuyện đặc biệt về "Cửa hàng 0 đồng" đã ngay lập tức nhận được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Rất nhiều ý kiến thể hiện sự ấm lòng, niềm tin cũng như bày tỏ sự ủng hộ đã được để lại bên dưới phần bình luận:
"Sài Gòn của tôi vội vã, xô bồ là vậy, nhưng tôi biết Sài Gòn không bao giờ thiếu tình người. Người Sài Gòn sẽ chẳng ngại gì dành chút yêu thương cho những mảnh đời kém may mắn hơn mình đâu, phải không?".
"Ngày thấy được những yêu thương trong lòng chính là những ngày nắng đẹp và lòng mình cũng vì thế mà rộn rã. Cảm ơn Sài Gòn, cảm ơn những địa chỉ như thế này, cảm ơn những con người giàu lòng yêu thương luôn ngập tràn tình yêu và nguồn cảm hứng".
"Người Sài Gòn giàu tình cảm nhưng cũng rất đỗi tinh tế. Người ta vẫn nói của cho không bằng cách cho. Nhìn quần áo, mặc dù không mới nhưng được treo một cách thẳng thớm như thế này, người nhận chắc cũng ấm lòng".
Câu chuyện kể trên chỉ là một trong số vô vàn những câu chuyện đầy yêu thương về tình người của mảnh đất xô bồ và đông đúc này dành cho nhau. Nhiều người vẫn nói, Sài Gòn sống nhanh, sống vội, sống chồng lên nhau bằng mọi cách để đứng cao hơn người khác dù chỉ là vài tất.
Đó là bởi họ chưa có cơ hội được chứng kiến những khoảnh khắc Sài Gòn vươn tay ra chở che, đùm bọc lấy nhau, trao nhau hơi ấm của tình người, của lòng nhân ái, của sự tương thân.
Để rồi chẳng cần phát động, chẳng cần hô hào, cứ lặng lẽ, những con người ấy cứ làm, cứ san sẻ và cứ cho đi. Bởi đơn giản, cuộc sống vốn xoay vần, mọi thứ dần trôi, chỉ có sự cho đi là còn mãi và tình yêu thương sẽ thắp sáng trong nhau những đốm lửa sưởi ấm tâm hồn.
Ngay sau khi xuất hiện và làm dậy sóng mạng xã hội ít lâu, chúng tôi đã có mặt trực tiếp tại địa chỉ của "Cửa hàng 0 đồng" tại số 387 Lê Văn Sỹ, Phường 2, Quận Tân Bình để cùng thấy rõ hơn cái cách mà thị dân Sài Gòn trao và nhận cho nhau. Những manh áo lành tươm tất được những con người bé nhỏ sống dưới chân thành phố âm thầm đến nhận như một món quà chẳng có gì quý hơn trong cuộc đời mà dường như người người ai cũng vội vàng lướt qua nhau.
Sài Gòn là thế, chỉ cần một bàn tay xòe ra, một bàn tay khác sẽ nắm lấy. Cảm ơn Sài Gòn và những con người Sài Gòn tử tế!