Rừng Amazon - lá phổi xanh của Trái Đất đang bị đe dọa. Cách để cứu rừng Amazon, cứu lấy sự tồn vinh của nhân loại chính là hạn chế... ăn thịt.
Theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc (UN), 80% số động vật hoang dã và loài thủy sản có vú cùng 50% loài thực vật trên thế giới đã biến mất do con người từ khi văn minh nhân loại được hình thành. Cũng theo đó, chỉ trong vòng 30 năm nữa, tác động từ thiên nhiên sẽ khiến 50 - 700 triệu người trên trái đất phải di cư tìm nơi ở mới.
Mới đây, rừng Amazon - lá phổi xanh của thế giới đã cháy liên tục trong nhiều ngày nhưng lại không được xã hội quan tâm là điều khiến nhiều nhà khoa học lo lắng. Sự tuyệt chủng của nhiều giống loài động, thực vật sẽ tác động vô cùng lớn lên hệ sinh thái.
Các cuộc nghiên cứu đã đưa ra một cách làm giảm ô nhiễm môi trường, đó là việc... ăn chay. Nói một cách chính xác, con người nên giảm thiểu ngành chăn nuôi vì chúng là tác nhân của nạn chặt phá rừng, ô nhiễm đất và nước.
Các nhà khoa học cho biết, việc hạn chế ăn thịt cũng như các sản phẩm từ chăn nuôi có thể tiết kiệm tới hơn 75% số đất nông nghiệp hiện nay, tương đương diện tích của Mỹ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và Australia cộng lại.
Việc chặt phá rừng và khai hoang lấy đất cho nông nghiệp để chăn nuôi khiến nhiều loại động vật không có môi trường sống. Ngành chăn nuôi còn đang gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn toàn bộ khí thải từ xe cộ, máy bay, tài hỏa... cộng lại.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi chỉ cung cấp 18% lượng Calorie và 37% Protein lương thực cho con người nhưng lại dùng đến 83% nguồn đất cũng như thải ra 60% lượng khí thải nhà kính. 86% diện tích đất đang sinh hoạt của động vật có vú là của các trại chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi ở các quốc gia tính theo lượng Protein (triệu tấn).
Đóng góp và chi phí của ngành chăn nuôi.
Thịt bò thải 105 kg khí thải nhà kính trên mỗi 100 gr thịt, còn đậu phụ chỉ thải 3 - 5 kg.
Chuyên gia Joseph Poore của trường Đại học Oxford, một trong những tác giả nghiên cứu về tác động của chăn nuôi đến môi trường, cho biết: "Ăn chay có lẽ là cách tốt nhất để bảo vệ Trái Đất, không chỉ làm giảm lượng khí thải nhà kính, mà còn các vấn đề ô nhiễm đất đai, nguồn nước cùng nhiều tác động khác. Nó hiệu quả hơn nhiều so với hạn chế sử dụng xăng dầu hay chuyển qua dùng xe điện để bảo vệ môi trường".
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, chăn nuôi bò ở khu vực chặt rừng làm đồng cỏ khiến khí thải nhà kính tăng 12 lần so với việc chăn thả tự nhiên. Dù khuyến khích toàn nhân loại ăn chay là điều không thể nhưng chỉ cần 50% lượng người ăn thịt hiện nay ngừng tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi cũng đã giảm 2/3 tác động xấu tới môi trường.
Trái Đất hiện nay có hơn 570 triệu trang trại chăn nuôi, chưa kể khoản tiền hỗ trợ ít nhất 500 tỷ USD/năm của chính phủ cho ngành nông nghiệp. Những trang trại nuôi trồng thủy sản cũng gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Việc chăn nuôi cũng tốn không ít nhiên liệu, lương thực cùng nhiều nguồn tài nguyên khác.
Để hiểu rõ hơn về tác hại của chăn nuôi, hãy cùng đến với ví dụ của New Zealand, quốc gia được mệnh danh là trong xanh này sau quãng thời gian phát triển ngành nuôi bò.
Câu chuyện của New Zealand
New Zealand là quốc gia nổi tiếng với ngành chăn nuôi bò sữa và đứng thứ 8 trên thế giới với khoảng 3% tổng sản lượng sữa trên toàn cầu. Thế nhưng mặt trái ngành chăn nuôi bò sữa đang khiến người dân và cử tri nước này bất bình dù chúng đem lại lợi nhuận và việc làm. Đã có báo cáo đưa ra con số cho thấy 605 nguồn nước tại nước này không còn đủ an toàn cho người dùng.
Chặt rừng lấy đất chăn nuôi sẽ hủy hoại nguồn nước.
Dân số nước này là khoảng 4,7 triệu người, số bò nuôi lên tới 6,6 triệu con. Những đồng cỏ xanh mượt tuyệt đẹp bị ảnh hưởng bởi chất thải của bò cũng là vô cùng khủng khiếp. Phân bò ngấm và đất và nước, chứa nhiều loại vi khuẩn như E.Coli và có thể lây lan cho con người. Năm 2016, 3 trường hợp tử vong đã được ghi nhận ở New Zealand do lây nhiễm vi khuẩn Campylobacter.
Mặt khác, nước tiểu của bò có rất nhiều Ni-tơ, kích thích sự phát triển của những loài vi sinh hay tảo độc hại rồi ngấm vào nước. Người dân New Zealand lại ưa thích sử dụng phân bón Ni-tơ nhằm kích thích đồng cỏ, nuôi được nhiều bò trên một diện tích hơn và làm nguồn nước thêm ô nhiễm.
Nếu như trước đây nước ở New Zealand đã được mệnh danh là sạch khi chỉ cần xử lý qua để có thể uống nhưng hiện tại đã khác. Tại vùng Canterbury - vùng chăn nuôi lớn nhất nước này, chính phủ phải đưa ra khuyên cáo lọc nước máy trước khi dùng với người dân sau khi hàng loạt những con chó tại vùng này chết do ngộ độc nước.
Chất thải từ phân bò sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.
Cùng với đó, dù có mưa nhưng việc nông dân sử dụng quá tải nguồn nước để tưới tiêu cho đồng cỏ khiến lượng nước sông bị ảnh hưởng. Cụ thể, chăn nuôi cho 2.000 con bò đã tiêu tốn lượng nước tương đương với 60 triệu người dân sử dụng, bằng tổng dân số của London, New York, Tokyo, Los Angeles và Rio de Janeiro cộng lại. Chặt phá rừng tạo khu vực chăn nuôi cũng tác động không nhỏ khiến xói mòn, đẩy lớp đất xuống các dòng sông, gây ách tắc dòng chảy.
Có thể thấy chăn nuôi khiến môi trường ngày càng tệ đi. Với dân số thế giới dự đoán khoảng 9,8 tỷ người vào năm 2050, các trang trại vẫn sẽ tồn tại và mở rộng, còn những cánh rừng sẽ ngày một ít đi và nhiều loài động vật hoang dã sẽ tuyệt chủng.
Vậy nên bảo vệ môi trường là bảo vệ tương lai không xa. Hãy cân nhắc việc thưởng thức bữa thịt trong những bữa ăn nhé!
Theo Cafebiz.vn