1. Coi trọng giáo dục gia đình
Nhà giáo dục Thái Nguyên Bồi (Trung Quốc) nói: "Gia đình là trường học đầu tiên của cuộc đời". Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, bổn phận của mọi bậc cha mẹ là phải coi trọng giáo dục gia đình.
Giáo dục 5 buổi ở trường cần thêm 2 buổi ở nhà nữa mới thu được hiệu quả. Tại trường mỗi đứa trẻ đều có cơ hội như nhau, nhưng tại nhà thì chưa chắc. Đừng để "5 + 2 = 0", đừng để con cái thua thiệt về giáo dục tại gia.
2. Gia đình yêu thương nhau
Mối quan hệ vợ chồng tốt thì sẽ tạo ra quan hệ với con cái lành mạnh. Ông Theodore Hesburgh, Chủ tịch Đại học Notre Dame (Mỹ) từng nói: "Điều quan trọng nhất mà người cha có thể làm cho các con mình là yêu mẹ của chúng. Điều tốt nhất của người mẹ dành cho con cái là đánh giá cao và ngưỡng mộ cha của chúng".
Khi người vợ nhận được tình yêu của chồng thì sự quyến rũ của người phụ nữ tự nhiên sẽ bộc lộ. Khi người vợ ngưỡng mộ chồng, các ông bố tự nhiên trở thành "anh hùng" bảo trợ trái tim con. Lớn lên trong gia đình ngập tràn ánh sáng hạnh phúc, đứa trẻ không chỉ lạc quan mà còn tin vào tình yêu, dễ dàng thể hiện tình yêu vì chúng biết tình yêu là thứ không cần phải tính toán. Chúng cũng dũng cảm, tự tin vì biết rằng nhà luôn là nơi trú ẩn an toàn của mình.
Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình bất hòa dễ sinh ra cảm giác mất an toàn, bạo lực, bất mãn cuộc sống.
3. Gia đình có nguyên tắc
Làm thế nào để bạn có thể đứng vững trong cuộc sống nếu thiếu nguyên tắc riêng? Đây là ranh giới cần thiết nhất. Một khi gia đình không có nguyên tắc, trẻ nhỏ khi lớn lên sẽ "mất" đi đôi chân của mình.
Có một câu ngạn ngữ rất hay: "Quy tắc vừa là sự kiềm chế, vừa là để bảo vệ". Nhà giáo dục Trung Quốc Vương Vĩnh Thanh cho biết, từ nhỏ đã đặt ra quy tắc riêng cho gia đình, hình thành tính cách cho các con, trong đó không thể thiếu sự "nhẫn nhịn" và tính "kiên trì".
Người ta thường có câu: "Phú quý chỉ tồn tại ba đời". Trên thực tế, có những gia đình thế hệ sau vẫn có người tài, nhưng không tiếp tục gây dựng nổi cơ nghiệp của cha ông chỉ vì quy tắc kém. Một khi đời sau được truyền lại những quy tắc, sự phú quý có thể tồn tại qua nhiều thế hệ.
4. Gia đình thích học hỏi
Bản chất của giáo dục là trau dồi thói quen. Tất cả chúng ta đều biết rằng những thói quen tốt của một đứa trẻ cần được trau dồi từ khi còn nhỏ, nhưng có thể trẻ sẽ không hiểu được nếu chỉ nói chuyện suông.
Cách tạo thói quen cho con hiệu quả là làm gương. Cha mẹ muốn con đọc sách thì bản thân phải đọc. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình tràn ngập không khí học tập thì việc học sẽ trở thành một thói quen, chứ không phải là một gánh nặng.
5. Gia đình hay nói điều tích cực
Hoạ sĩ biếm hoạ nổi tiếng Jimmy nói: "Trẻ em thà bị đâm bởi xương rồng còn hơn là nghe lời chế giễu của người lớn. Ít nhất những vết sẹo còn được nhìn thấy, còn vết thương do la mắng là vô hình".
Bạo lực ngôn ngữ mặc dù không gây thương tích thể xác nhưng tàn tích để lại có khả năng ảnh hưởng đến hết cuộc đời đứa trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy đứa trẻ bị cha mẹ trách móc từ nhỏ đã luôn có tâm lý bất an, nhạy cảm và nghi ngờ khi lớn lên.
Một gia đình dạy con bằng lời lẽ tích cực sẽ mang đến cho trẻ môi trường tràn đầy năng lượng và hòa bình thời thơ ấu, giúp trẻ tự tin phát triển bản thân và tự do trong tâm trí.
Ảnh minh họa
6. Gia đình thích đọc sách
Theo một khảo sát của Viện Hàn lâm khoa học giáo dục Trung Quốc, trong thời gian rảnh rỗi, cha mẹ đọc sách, báo thì tỷ lệ trẻ em có điểm xuất sắc cao hơn. Xã hội hiện nay, đọc sách không phải là gì cao siêu mà là kỹ năng cơ bản mọi đứa trẻ cần. Nếu muốn con mình thành công hãy nuôi dưỡng thói quen này từ nhỏ. Những đứa trẻ trúng tuyển các đại học top đầu đều có điểm chung là đọc sách.
So với nhiều phương pháp giáo dục hiện đại, đọc sách vẫn luôn là cách hiệu quả nhất tăng kiến thức cho trẻ. Mỗi bậc cha mẹ nên đọc nhiều để tạo ra sự giác ngộ cho con. Tất nhiên không dễ để buộc một đứa trẻ ngồi xuống đọc nhưng hầu như đứa trẻ nào cũng thích bắt chước hành vi của người lớn.
7. Gia đình tôn trọng trẻ
Mỗi đứa trẻ là một món quà của thượng đế, muốn một đứa trẻ ngoan thì trước hết chúng ta phải tôn trọng tâm hồn trẻ. Hãy chấp nhận mọi thứ về con bạn, tin tưởng vào trẻ và để trẻ làm những gì muốn. Mọi thứ đứa trẻ làm hôm nay là để trở thành một bản thân tốt hơn vào ngày mai.
Tôn trọng mọi thứ về trẻ em là nền tảng của mọi nền giáo dục. Sự hiểu biết và hỗ trợ của cha mẹ quan trọng hơn việc chất vấn và từ chối. Hãy gieo vào lòng con một hạt giống và tiếp thêm cho con một chút định hướng, một chút sức mạnh, rồi đợi hoa nở.