Thay vì nói những câu chuyện thân quen, cởi mở thì một số người lại vô tình khiến cho bàn nhậu bị biến tướng trở thành nơi công kích, móc máy nhau.
Tôi có dịp về một thị trấn vùng nông thôn tỉnh Sóc Trăng để hoàn thành công việc. Đón tiếp khách là một bữa nhậu vui vẻ. Trong bàn tiệc có năm cô giáo và hai anh phụ huynh cùng chung vui... Nếu suốt cả buổi tiệc, mọi người cùng nói chuyện vui thì không có gì đáng nói. Nhưng ở đây, tôi nhận ra một thói xấu cố hữu của người Việt trên bàn nhậu. Đó là thói khích bác, châm chọc nhau, móc máy nhau.
Khi biết tôi là thầy giáo đã về hưu, hai anh không những không tôn trọng mà còn thản nhiên bình phẩm với những lời lẽ khó nghe, từ chuyện đầu tóc cho tới ngoại hình. Chưa hết, hai phụ huynh còn mang chuyện thầy này cô kia ra để châm chọc. Là một người có gần 40 năm đứng lớp, tôi rất bình tĩnh, nói đẩy đưa cho qua chuyện bởi gặp những người có thói khích bác thế này thì "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Giả sử nếu gặp người nóng nảy, thiếu sự kiềm chế, khi rượu đã vào thì hai bên sẽ xảy ra cãi cọ, lớn tiếng rồi đánh nhau là chuyện thường.
Nhậu là một sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ có từ xa xưa. "Một ly đế thôi có khi nên nghĩa nên tình", kết nhau làm huynh đệ... Nhậu để có dịp tâm sự, cởi mở lòng mình cùng bạn bè, anh em thân thiết.
Nhưng nhậu giờ biến tướng, trở thành dịp công kích nhau, móc máy nhau. Người nhịn được thì không sao nhưng người không nhịn được thì khó tránh khỏi chuyện ẩu đả. Rất nhiều chuyện đau lòng xảy ra cũng từ bàn nhậu, từ thói xấu của người Việt là luôn châm chọc, khích bác người khác, mặc dù người đó không liên quan gì tới mình!
Bỏ thói xấu này không khó nếu mỗi người luôn sống trong sự tôn trọng lẫn nhau, hòa khí với nhau... Luôn quan niệm vào bàn nhậu thì "vui là chính", nói chuyện gì vui là được, tránh xúc phạm người khác.
Theo: VnExpress