Gió lạnh vừa về, lôi ngay cạ cứng làm ngay một vòng Hà Nội "chén" hết món ngon đi thôi còn gì nữa!

Tháng 10 luôn là dịp gây thương nhớ, không chỉ bởi thời tiết khiến con người ta gần nhau hơn, mà còn khiến hội bạn lâu ngày không gặp có thật nhiều lí do để lôi nhau ra đường đi đánh chén!

Bún ốc

Hà Nội lúc buổi sớm có lẽ là lúc mang trong mình nhiều vẻ duyên dáng và tinh tế nhất. Và sẽ không có gì hoàn hảo hơn sau cuộc dạo chơi khắp các ngóc ngách, ghé vào một quán ven đường để ăn sáng bằng một món nóng hổi.

Phở là cái hồn của Hà Nội nhưng vào những sớm thu se lạnh thì hít hà một bát bún ốc nsong hổi vẫn cứ kích thích hơn. Bún ốc giờ đã có nhiều phiên bản, thêm đủ thứ thập cẩm như một nồi lẩu với giò, trứng vịt lộn, thịt bò... nhưng chuẩn vị nhất vẫn là bát bún ốc chân phương, chỉ gồm bún và ốc. Vì như vậy, vị nước ốc chua thanh vị giấm bỗng, ngọt vị xương, miếng ốc béo giòn dai mới được cảm nhận một cách trọn vẹn.

Cốm Vòng

Mùa thu chính là mùa cốm, cốm làm từ hạt lúa non thì nơi đâu cũng có thể làm ra nhưng xưa kia, người ta chuộng nhất là cốm làng Vòng. Ngày nay, để kiếm được một gói cốm nhỏ xinh, thơm nức, gói trong lá sen thoang thoảng thì bạn sẽ phải cất công đôi chút, tìm đến các chợ trong khu dân cư hay may mắn bắt gặp một hàng cốm đi rong trên phố.

Người Hà Nội ngày nay vẫn giữ thói quen ăn cốm cùng chuối. Nên đừng quên thử nhé!

Chả rươi

Rươi vào mùa thu hoạch khoảng từ tháng 9 âm lịch, trùng với tiết trời sang thu. Một dịp nữa sau vụ lúa chiêm mùa hè nhưng theo kinh nghiệm từ thời các cụ thì rươi vụ mùa vẫn ngon hơn.

Người ta thường chế biến chả rươi với trứng, thịt, lá gừng nhưng độc đáo nhất vẫn là vỏ quýt thái mỏng để không bị đầy bụng, rươi vốn nhiềm đạm. Chả rươi thường được ăn kèm với bún, rau sống, chấm nước chấm chua ngọt như bún chả. Nếu không đủ khéo tay để tự làm thì bạn có thể ghé qua 3 quán nổi tiếng ở phố Hàng Chiếu, Lò Đúc và Gia Ngư.

Ốc

Ốc mùa này là ngon nhất, chẳng phải các cụ vẫn bảo: "Ốc tháng mười, người Hà Nội" còn gì!

Sau bao năm du nhập các phong cách ăn uống Bắc Nam Đông Tây khiến món ăn truyền thống biến tướng đi nhiều thì ốc ở Hà Nội vẫn được ăn theo cách dân dã nhất. Đó là hấp cùng lá chanh, chấm với nước chấm chua ngọt. Có lẽ hàng ốc nổi tiếng nhất xứ 36 phố chính là ốc Hà Trang ở ngã tư Đinh Liệt - Hàng Bạc. Mùa nào trong năm cũng đông nhưng tầm này thì đặc biệt đông.

Sấu dầm

Hàng sấu được người Pháp trồng ở Hà Nội từ thế kỷ trước, cứ mỗi mùa thay lá lại phủ vàng khắp các con phố thâm nghiêm. Mùa thu lại là lúc những trái sấu còn sót lại trên cây đổi màu chín vàng, nên cần gì quà vặt cầu kỳ, chỉ vài ba quả sấu cũng có thể gây thương nhớ.

Vài ba quả sấu chín được thái vòng quanh xoáy chôn ốc, chấm muối ớt, ban đầu thì chua đến kên răng nhưng ăn xong lại thấy dư vị ngọt ngào. Sấu chín ở Hà Nội giờ khó kiếm hơn trước nhưng tâm hồn ăn uống vẫn tìm ra trong các khu chợ nội ngoại thành.

Bánh trôi tàu, xôi chè, chí ma phù

Bánh trôi tàu, xôi chè hay chí ma phù đều là các món chè người Hoa phải ăn nóng hay chí ít là không bao giờ bỏ đá nên khi trời bắt đầu thu, se se lành lạnh mới thích hợp.

Ngoài quán bánh trôi tàu của cố nghệ sỹ Phạm Bằng tại phố hàng Giầy thì xôi chè bà Thìn phố Bát Đàn cũng rất nổi tiếng. Quán chè giờ đã sang tới thế hệ thứ ba, chất lượng có thay đổi ít nhiều do tay nấu nhưng nét cổ xưa, tinh thần Hà Nội của một món ăn nhuốm màu thời gian thì chưa hề mai một. Các quán chè truyền thống đều mở tới khuya muộn, hợp để ăn tráng miệng sau bữa tối và để kết thúc một ngày trải nghiệm đủ món ngon Hà Nội.

Quảng cáo trên website We25 để 20 triệu độc giả Check-in biết đến thương hiệu của bạn. Liên hệ hotline: 01696268848