Han Mou ở Tức Phong, thành phố Quý Dương (Quý Châu) từng là vợ chồng với Li Mou. Nhưng sau một thời gian chung sống không hợp đã ly hôn.
Bốn năm sau, ông Han tái hôn. Theo Sina, sau khi nhìn thấy ảnh cưới của chồng cũ từ bạn bè, trong lòng bà Li đố kị. Bà đã lên mạng tìm những hình ảnh về tang lễ kèm theo ảnh cưới của ông Han gửi qua Wechat thể hiện "chúc mừng".
Nhận được những bức ảnh ấy ông Han rất tức giận. Ba ngày sau khi tổ chức hôn lễ, ông đến tìm bà Li (hiện ở thị trấn Vĩnh Tĩnh, Quý Dương) để nói chuyện. Tại đây hai bên cãi nhau kịch liệt. Không kiểm soát được bản thân, ông Han đã đánh bà Li phải nằm viện gần 3 tuần. Ông vì thế bị công an giam giữ 3 ngày.
Sau khi ra viện, bà Li kiện ông Han, yêu cầu bồi thường cho các chi phí y tế. Sau khi hòa giải thất bại và xác định lỗi của hai bên, cuối cùng toà phán quyết ông Han phải bồi thường tổng số tiền là 3.940 tệ (khoảng 13 triệu đồng) cho bà Li.
Ứng xử văn minh sau ly hôn
Chuyện các cặp vợ chồng đã ly hôn nhưng vẫn tung tăng cùng nhau đưa con đi công viên, cùng thức đêm canh con ốm… ngày càng trở thành điều "tất, lẽ, dĩ, ngẫu (nhiên) với không chỉ những người trẻ từng một lần lỡ dở. Số phụ nữ đang sống trong cảnh cơm ấm canh ngọt cũng thừa nhận rằng: có "dở" mới coi chồng cũ là thù.
Trước đây, 90%, nếu không muốn nói nhiều hơn, các cặp vợ chồng, khi nhận giấy ly hôn đều thề rằng bầu trời này nếu có mình thì không có… nó (ý là chồng/vợ cũ). Và hiển nhiên, những gì sau đó sẽ đi theo quy luật tất yếu: thù hằn, nói xấu,… và đau khổ chồng chất như một điều không thể tránh.
Khi đã căm thù, người ta như thể đeo cho mình thêm một chiếc kính loạn thị dù mắt đang tinh tường. Mọi thứ xung quanh bỗng chốc bị biến dạng.
Khi hận thù đã sống ở trong lòng, mọi thứ đều trở nên tiêu cực và độc ác. Kể cả nếu chỉ có hai người, yêu ghét thế nào thì đơn giản chỉ là sự lựa chọn cách ứng xử. Nhưng nếu hai người đã có con chung, sự hận thù người cũ chẳng khác gì tự tay tẩm thuốc độc cho con mình.
Thứ thuốc độc đó sẽ ăn dần, ăn mòn tâm hồn của con trẻ. Lũ trẻ không còn phân biệt được đúng sai, không biết tin lời ai và những nghi hoặc về cuộc đời, những thương tổn sẽ theo chúng suốt phần đời còn lại. Nhiều đứa trẻ sống trong cảnh bố mẹ hận thù sau ly hôn đã nảy sinh tâm lý không muốn kết hôn khi trưởng thành.
Ảnh minh họa
Bởi lẽ đó, nhiều mà cặp vợ chồng trẻ, có hiểu biết một khi đã rơi vào thảm kịch ly hôn không thể cứu vãn thì sau những đêm trắng đau khổ, vật vã và thậm chí cả hận thù, họ quyết định đi đến thỏa thuận trong êm đẹp, không cùng nhà nhưng vẫn là bạn.
Họ chẳng cần phải xóa tên nhau trên facebook cá nhân, cũng chẳng dại gì thay số điện thoại, vừa tốn công, vừa ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác. Có chăng họ đổi tên lưu trong điện thoại từ chồng yêu, vợ yêu sang bố/mẹ của con gái, con trai gì đó. Kiểu lưu điện thoại của người cũ bằng những cụm từ như thằng điên, con dở hơi được xem là thô thiển mà… chỉ những kẻ kém hiểu biết mới thế.
Một người đàn ông hay đàn bà có thanh lịch đến mấy nếu lộ ra việc cư xử tệ bạc với vợ/chồng cũ sẽ bị đồng nghiệp, người xung quanh nhìn thiếu thiện cảm. Nhìn cách một người đàn ông cư xử với vợ cũ sẽ biết anh ta là mẫu người nào.
Ly hôn là câu chuyện chẳng đặng đừng nhưng vẫn xảy ra với tỷ lệ khá cao ở mỗi gia đình. Rất nhiều nguyên nhân khiến gia đình đổ vỡ, như: Không phù hợp về quan niệm sống, xuất hiện bóng dáng người thứ ba, cuộc sống về kinh tế quá khó khăn, người chồng bê tha rượu chè... Tuy nhiên, chia tay với nhau như thế nào, tâm thế ra sao lại là điều quan trọng.
Trong sự đổ vỡ, không thể tránh những mất mát, nhưng giảm thiều mất mát như thế nào là điều người trong cuộc cần suy nghĩ. Điều đó, giúp cho "những người cũ" tiếp tục cuộc sống mới, còn giúp con trẻ (nếu có) đỡ tổn thương về tinh thần. "Ứng xử văn minh" sau ly hôn là vậy.