Hà Nội mù mịt trong không khí ô nhiễm, chuyên gia lý giải do phương tiện giao thông quá nhiều và hiện tượng "nghịch nhiệt"

Những ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động, đường phố bị bao bọc bởi lớp sương dày đặc khiến người ta cảm thấy nôn nao, ngộp thở.

Ảnh chụp khoảng 13h chiều qua 27/3 tại Hà Nội.

Trong chiều qua 27/3, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội đã lên mức báo động khi chỉ số thấp nhất là 102, cao nhất 197. Đây là mức ô nhiễm cao nhất châu Á, cao hơn cả những thành phố công nghiệp, đông dân nhất thế giới là Bắc Kinh, Delhi, Mumbai...

Những ngày gần đây, các điểm quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội đều cho thấy kết quả ở ngưỡng kém và xấu vào đầu giờ sáng. Hơn hết, tình trạng trời mù mịt còn kéo dài tới đầu giờ chiều, có khi là 18h tối mới kết thúc.

Tình hình chất lượng không khí lên mức báo động ngày 27/3 ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ Văn Trung ương, Hà Nội đang trong những ngày không khí lạnh suy yếu, dẫn tới hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí chuyển biến nghiêm trọng. Dự báo 2 - 3 ngày tới sẽ còn sương mù, mưa lất phất, nhất là khoảng 4 - 8h sáng, kéo dài tới chiều tối, chất lượng không khí sẽ chưa thể cải thiện.

Sương mù dày đặc khiến tầm nhìn khi tham gia giao thông bị hạn chế, đồng thời khiến cho mọi người cảm thấy khó thở, ngột ngạt. Khu vực quận Long Biên, Hà Đông, Tây Hồ, Cầu Giấy... luôn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Theo chuyên gia, người dân nên thường xuyên theo dõi chất lượng không khí trên các trang thông tin. Chuyên gia cũng cảnh báo, mức độ ô nhiễm không khí những ngày này có thể ảnh hưởng không tốt đối với sức khoẻ, đặc biệt liên quan đến các bệnh lý về hô hấp, hen suyễn.

Những toà nhà mờ ảo, mặt nước hồ không còn đủ sáng trong để soi chiếu.

Đường Yên Phụ kéo dài (quận Tây Hồ), dòng người chìm trong lớp không khí ô nhiễm.

Tình trạng này kéo dài khoảng 2 ngày nay tại Hà Nội.

Trao đổi với PV, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, hiện tượng trời mù tại Hà Nội hiện nay khá giống thời điểm cuối tháng 1/2019, khi ô nhiễm không khí ở thủ đô lên đến mức cao. Ông Tùng nhận định, loại bụi PM2.5 hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM 2.5 khả năng cao có thể luồn lách vào túi phổi hoặc tĩnh mạch phổi dẫn tới nhiều căn bệnh hiểm nghèo như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch.

"Theo quan điểm của tôi, có thể có 2 nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm như trên. Thứ nhất là do lượng người tham gia giao thông tăng cao, khói bụi, xăng từ các phương tiện thải ra quá lớn. Thứ hai có thể do hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra, có khả năng làm chất lượng không khí xấu đột ngột.”, ông Tùng phân tích.

Dù hai bên trồng nhiều cây xanh, con đường này cũng không thoát khỏi cảnh mù mịt.

Số lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn là một trong những nguyên dân gây ô nhiễm.

Trời ô nhiễm khiến tầm nhìn của người dân bị hạn chế.

“Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao (trái với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao.", ông Tùng nói thêm.

Thời tiết Hà Nội hiện tại khá hanh khô và lạnh. nhiệt độ và độ ẩm thấp, ít nắng, sáng sớm có sương mù, ít mưa vào sáng sớm và gió nhẹ, không có sự chuyển động rối trong lớp khí quyển sát đất. Điều kiện khí tượng này đã tác động khiến chất ô nhiễm không được khuếch tán lên cao mà tích lũy lại ở lớp khí gần mặt đất.

TS. Tùng cũng chia sẻ thêm, bản chất của việc ô nhiễm này là chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, một vài ngày, không kéo dài lâu. Tuy nhiên, cũng không có biện pháp ngắn hạn nào để hạn chế được việc ô nhiễm này.

Theo Kenh14.vn