Học người Nhật cách làm "bể nước ngầm" giúp cả thành phố Tokyo chống đỡ lũ lụt

Thành phố Tokyo của Nhật Bản sở hữu bể nước ngầm hiện đại giúp chống đỡ lũ lụt.

Cecilia Tortajada vẫn nhớ lần được bước xuống những bậc thang sâu hun hút để xuống tham quan một trong những tuyệt tác kỹ thuật của Nhật Bản, một bể nước khổng lồ nằm trong "hệ thống phòng thủ" giúp thủ đô Tokyo chống lại ngập lụt. Khi tới đáy bể, Tortajada choáng ngợp khi đứng giữa hàng chục cây cột nặng tới 500 tấn chống đỡ phần mái bên trên, khiến bể ngầm này trông không khác gì một ngôi đền.

"Bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé", Tortajada, chuyên gia quản lý nước tại Viện Chính sách Nước thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Singapore, chia sẻ. "Bạn sẽ thấy ở Tokyo họ chuẩn bị tốt như thế nào để đối phó với lũ lụt".

"Ngôi đền chống ngập" nằm ở độ sâu 22 mét dưới lòng đất có tên đầy đủ là Kênh xả nước Ngầm khu vực Đô thị (MAOUDC). Trên thực tế, bể ngầm này gồm một hệ thống đường hầm dài 6,3 km cùng những căn buồng hình trụ cao chót vót, có thể chứa lượng nước khổng lồ giúp Bắc Tokyo không bị ngập lụt.

Trong 7 thập kỷ qua, thủ đô Nhật Bản đã hoàn thiện nghệ thuật đối phó với ngập lụt và họ tự nhận hệ thống phòng chống lũ phức tạp của mình là kỳ quan thế giới. Tuy nhiên, tương lai không có gì là chắc chắn khi khí hậu và mô hình mưa đang thay đổi.

Tokyo có truyền thống chiến đấu chống lũ lụt từ lâu đời, bởi thành phố nằm trên một đồng bằng được bao quanh bởi 5 hệ thống sông và hàng chục con sông lớn nhỏ liên tục phình ra qua mỗi mùa. Quá trình đô thị hóa mạnh, công nghiệp hóa nhanh chóng và khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát đã khiến một số khu vực bị sụt lún, trở nên thấp hơn mực nước biển.

"Tôi không biết ai đã quyết định đặt Tokyo ở đây", Tortajada nói nửa đùa nửa thật.

Dù Nhật Bản đã trải qua hàng thế kỷ chống chọi với lũ lụt, hệ thống chống ngập hiện nay ở Tokyo chỉ thực sự hình thành sau chiến tranh. Cơn bão Kathleen đổ bộ năm 1947 đã phá hủy khoảng 31.000 ngôi nhà, khiến 1.100 người thiệt mạng. Một thập kỷ sau, cơn bão Kanogawa tiếp tục tàn phá thành phố khi trút xuống lượng mưa 400 mm trong vòng một tuần. Đường phố, nhà cửa và các cơ sở kinh doanh đều bị ngập.

Trước những hậu quả nặng nề của bão lũ, chính phủ Nhật Bản quyết tâm hành động. "Thậm chí vào những năm 1950, 1960, khi Nhật Bản đang trong thời kỳ khôi phục sau chiến tranh, chính phủ vẫn dành 6-7 % ngân sách quốc gia cho nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai", Miki Inaoka, chuyên gia về thảm họa tại Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), giải thích.

Các chuyên gia quy hoạch Tokyo phải đương đầu với nhiều loại lũ khác nhau. Nếu mưa lớn đổ xuống thượng nguồn, sông có thể tràn bờ và làm ngập khu trung tâm ở hạ lưu. Một trận mưa như trút đổ xuống thành phố có thể gây quá tải hệ thống thoát nước hay thủy triều dâng cao hoặc sóng thần có thể đe dọa đường bờ biển. Họ cũng phải tính trước điều gì sẽ xảy ra nếu một trận động đất làm hỏng đê hay vỡ đập.

Sau nhiều thập kỷ lên kế hoạch đối phó với những kịch bản trên và xây dựng những công trình tương ứng, Tokyo giờ đây tự hào về một hệ thống phòng chống lũ với hàng chục con đập, hồ chứa và đê. Dưới lòng đất của thành phố, một mê cung đường hầm hình thành bên cạnh các tuyến đường tàu điện ngầm và đường ống dẫn khí.

MAOUDC, trị giá 2 tỷ USD, và "ngôi đền chống ngập" của nó là một trong những công trình kỹ thuật ấn tượng nhất mà Tokyo sở hữu. Hoàn thành năm 2016 sau 13 năm thi công, đây là công trình phòng chống lũ lụt lớn nhất thế giới, là kết quả từ nỗ lực cải tiến không ngừng của chính phủ Nhật Bản.

Hệ thống này hút nước từ những con sông nhỏ và trung bình ở khu vực phía bắc Tokyo rồi lưu chuyển chúng tới con sông Edo lớn hơn. Khi một trong những con sông này bị tràn bờ, nước sẽ thoát xuống một trong 5 bể trụ khổng lồ cao 70 m nằm dọc kênh.

Mỗi bể ngầm này đủ lớn để chứa một tàu con thoi hay tượng Nữ thần Tự do và chúng được kết nối thông qua hệ thống đường hầm. Khi nước lũ dâng lên ở sông Edo, "ngôi đền chống ngập" sẽ làm giảm dòng chảy của nó, nhờ thế các máy bơm có thể đẩy nước ra sông.

"Nó giống như một cơ sở trong truyện khoa học viễn tưởng", Inaoka từ JCA cho hay.

Tuy nhiên, Inaoka thừa nhận việc mô hình mưa thay đổi do biến đổi khí hậu sẽ thách thức cơ sở hạ tầng của Tokyo, khiến việc lên kế hoạch ứng phó với lũ lụt trở nên rất khó khăn.

Dựa theo dữ liệu lượng mưa trong lịch sử, chính quyền thành phố đã thiết kế để hệ thống phòng thủ của Tokyo chịu được lượng mưa lên tới 50 mm mỗi giờ, đặc biệt là tại những nơi tập trung đông người và tài sản. Nhưng những gì được coi là bình thường ở 50 năm trước giờ đây không còn nữa.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, ở nhiều khu vực trên thế giới, số ngày mưa lớn đã tăng lên trong vòng 30 năm qua, dấu hiệu cho thấy mô hình mưa đang thay đổi. Một số chuyên gia ước tính trong thế kỷ 21, lượng mưa của Nhật Bản có thể tăng 10% và lên tới 19% vào mùa hè.

Sở Xây dựng Đô thị Tokyo khẳng định họ nhận thức được những thay đổi đang diễn ra và đã nâng tiêu chí đánh giá lượng mưa để đối phó với lũ lụt. Tại ít nhất ba khu vực trong thành phố, các dự án đang được xây dựng để chịu được lượng mưa 65-75 mm mỗi giờ. Nhưng một số chuyên gia như Nobukuyi Tsuchiya, cựu kỹ sư trưởng quận Edogawa, cho rằng chính quyền đang dành quá nhiều thời gian vào thảo luận những việc cần làm.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 2014, Tsuchiya, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sông ngòi Nhật Bản, cảnh báo Tokyo chưa sẵn sàng đối phó với những trận mưa lớn do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tại những khu vực trũng thấp như Tokyo, khoảng 2,5 triệu người có thể bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong trường hợp thủy triều dâng cao kỷ lục.

Hồi đầu năm 2018, mưa lớn ở khu vực phía tây Nhật Bản đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và thiệt hại kinh tế hàng triệu USD khi nhiều con sông bị vỡ bờ gây nên lũ lụt nghiêm trọng. Nếu tình trạng trên xảy ra với Tokyo, thành phố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, Tsuchiya cho hay.

Tại Singapore, Cecilia Tortajada cùng hàng loạt chuyên gia khác đang nỗ lực tìm cách bảo vệ quốc đảo này trước tình trạng nước biển dâng trong tương lai. Dù vậy, tất cả mọi người vẫn chăm chú dõi theo Tokyo để xem cách thành phố chống đỡ trước những cơn bão và các cơn mưa lớn.

"Nếu một đất nước được chuẩn bị tốt như Nhật Bản còn bị ảnh hưởng, nếu một thành phố như Tokyo còn bị ngập, tất cả chúng ta nên cảnh giác", Tortajada nhấn mạnh.