Là ngôi trường nơi vùng cao xa xôi của tỉnh Sơn La nhưng năm nay đỗ tốt nghiệp đạt 89,09%, xếp thứ 6 trong tỉnh, thầy trò trường THPT Tân Lang ai nấy đều rất phấn khởi.
Chắc chẳng mấy ai còn xa lạ với câu chuyện năm 2018, Sơn La là “điểm nóng” của kỳ thi THPT Quốc gia. Đúng là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, còn tại tỉnh này, nhiều trường cấp huyện, xã vùng sâu, vùng xa gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là trong thi cử. Thực địa kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tại 6 xã ở Phù Yên, Sơn La mới thấy nhiều điều đáng suy ngẫm về chuyện dạy và học của thầy trò nơi đây.
Phù Yên là huyện lâu đời nhất tỉnh Sơn La, cách trung tâm TP Sơn La khoảng 130 km. Huyện có 26 xã cùng 6 xã vùng Mường. Cả huyện Phù Yên có 3 trường THPT, riêng 6 xã vùng Mường có 1 trường cấp 3 là trường THPT Tân Lang.
Hằng ngày, học sinh ngoại trú được phụ huynh đưa đón bằng xe máy vượt qua đèo đi học THPT.
Nhiều học sinh của trường phải học nội trú vì nhà quá xa, phần lớn các em đều có hoàn cảnh khó khăn, được chính quyền hỗ trợ gạo, tiền... Học trò 6 xã vùng Mường nếu không ở nội trú thì phải giúp bố mẹ trồng ngô, hái măng, bẫy chim... để bán lấy tiền mua gạo, quần áo cùng sách vở.
Thầy Lê Quang Đạt - Hiệu trưởng THPT Tân Lang chia sẻ: “Lũ trẻ trên này cái gì cũng thiếu, có đứa mùa đông cũng như mùa hè đều nhất bộ quần áo, thương lắm. Nhà trường đã tổ chức quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cố gắng học tập”.
Để có 36 phòng bán trú kiên cố cho học sinh tại trường học này là cả sự cố gắng của chính quyền địa phương và thầy cô giáo. Thế nhưng trường vẫn còn thiếu nhiều trường học và các phòng chức năng, khu nhà vệ sinh còn rất tạm bợ.
Thời gian trước đây, giáo viên, học sinh muốn “giải quyết nỗi buồn” đều phải nên núi rất mất vệ sinh. Phòng thư viện của nhà trường cũng chưa có, thư viện tạm thời cũng chỉ tạm bợ như một cái kho chứa sách.
Thầy Lê Quang Đạt chia sẻ nỗi niềm: “Học trò trên này thiếu sách đọc lắm, nhất là sách giáo dục, sách hướng dẫn kỹ năng sống và sách giải trí. Năm học vừa qua, Nhà trường phát động chương trình quyên góp ủng hộ sách cho thư viện để có đầu sách, tài liệu cho học sinh và giáo viên tham khảo. Chương trình này được cán bộ giáo viên và học sinh ủng hộ nhiệt tình. Nhà trường cũng đầu tư một chiếc ti vi màn hình lớn đặt tại bếp ăn tập thể để phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin”.
Thầy trò vẫn học trong dãy nhà cấp bốn được xây dựng từ khi mới thành lập trường, nay đã xuống cấp
Trường THPT Tân Lang thành lập năm 2006 với đội ngũ giáo viên trẻ phần lớn tốt nghiệp từ Đại học Thái Nguyên hoặc Đại học Tây Bắc. Nhiều thầy cô nhà cách xa 30 km nhưng ngày nào cũng đi đi về về trên đoạn đường khó khăn.
Chị Lý Thị Chinh - nhân viên kế toán và là người lớn tuổi nhất trường THPT Tân Lang - chia sẻ: “Trước đây, tôi làm việc ở Trường THPT Gia Phù, gần trung tâm thị trấn, điều kiện dạy và học tốt hơn. Thấy mấy em trẻ được điều động về THPT Tân Lang, tôi sẵn sàng tình nguyện đi làm xa nhà hơn 30 km về đây chung sức”.
Thầy Lường Văn Thành, người dân tộc Thái, là một trong những giáo viên có mặt những ngày đầu thành lập trường, kể: “Hồi ấy trường lụp xụp, thiếu đủ thứ, chỉ có mấy dãy nhà cấp bốn bằng gỗ tạp, mái lợp prô xi măng. Có trường, có thầy cô giáo rồi, nhưng lại thiếu học trò. Nhà trường đã phải cắt cử giáo viên về 6 xã vùng Mường để vận động phụ huynh cho con em đi học. Riêng cái sự 'dỗ' học sinh đi học cũng là cả một nghệ thuật. Nếu đặt vấn đề không khéo là phụ huynh không ủng hộ hoặc các em bỏ học giữa chừng, ở nhà lên rừng, lên nương”.
Trước kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa qua, ngày làm thủ tục thi, có em còn quên ngày thi, thầy giáo phải gọi điện nhờ công an xã đến tận nhà thông báo và đón học sinh đi thi.
Hiệu trưởng Lê Quang Đạt cùng cán bộ, giáo viên nhà trường trao quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Kết quả đẹp từ nỗ lực của thầy và trò
Vào một ngày đầu tháng 7/2019, thầy Đạt đứng trên đỉnh núi, chỉ xuống phía thung lung , bảo: “Dưới kia là trung tâm xã Mường Lang, xa nữa là các bản đặc biệt khó khăn. Học sinh từ dưới đó sang bên Tân Lang học THPT, nếu không ở nội trú, hằng ngày phải đi bộ (không đi được xe đạp) theo đường mòn vắt ngang núi mới sang bên này. Gia đình nào mua được chiếc xe máy thì đón đưa con sang đây học, nhưng số nhà có điều kiện ít lắm”.
Cán bộ, giáo viên nhà trường thường xuyên phải vượt đèo dốc xuống các xã, bản để vận động phụ huynh cho con em đi học
Chị Phùng Thị Quang - Bí thư Đảng ủy xã Mường Bang - người rất quan tâm tới chuyện học hành của trẻ em trong xã. Ngày trước khi thi THPT Quốc gia 2019, chọ đi xe máy một mình vượt tới hàng chục km để thăm hỏi, động viên học sinh. Học sinh ở đây nhiều em có gia cảnh rất khó khăn. Tuy vậy, các em đã khắc phục mọi khó khăn, kiên trì theo học và đạt được kết quả tốt.
Em Lý Thị Nhất (lớp 12C) nhà ở bản Suối Lèo, xã Mường Cơi, bố mẹ già đau yếu, kinh tế khó khăn, ngoài giờ học, Nhất phụ giúp bố mẹ làm nương, chăn nuôi. Hai chị em Hà Thị Uyên (lớp 12C) và Hà Thị Ánh (lớp 10E), ở bản Bang, xã Mường Bang. Trận lũ lịch sử năm 2018 đã cuốn trôi nhà cửa, tài sản, ruộng nương bị tàn phá, tuy vậy hai chị em vẫn đến trường, chăm chỉ học tập đạt kết quả tốt.
Em Phùng Mạnh Phóng (lớp 12D), nhà ở bản Bang, xã Mường Bang, nhà nghèo, mồ côi bố, mẹ đau yếu. Trận lũ năm ngoái cũng cuốn phăng ngôi nhà tạm của mấy mẹ con. Hằng ngày ngoài giờ học, em phải đi làm thuê để kiếm sống. Em Phùng Thị Duyên (lớp 12E), nhà ở bản Chùng, xã Mường Bang, mồ côi bố, mẹ đau yếu, nhà rất nghèo, tuy vậy em vẫn vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực học tập, đóng góp tích cực vào các hoạt động văn hóa văn nghệ của trường...
Các em đều thuộc diện gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhà trường thăm hỏi, động viên kịp thời. Cũng bởi những sự động viên này mà người dân, học sinh các xã rất quý mên và tin tưởng thầy cô, động viên con em theo học.
Thí sinh làm thủ tục thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường THPT Tân Lang, ngày 24/6/2019
Năm học 2018 - 2019, trường THPT Tân Lang có 220 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển cao đẳng, đại học. Trước đợt thị nhà trường đã phân loại học sinh để có phương pháp củng cố kiến thức, ôn tập phù hợp. Ngày thi chính thức, 100% học sinh đăng ký đều đến dự thi. Nhiều em dự thi môn Toán và Địa lý, do không có điều kiện mua máy tính để tính toán, phải mượn máy tính của bạn để làm bài.
Hôm 14/7, Bộ GD&ĐT chính thức công bố kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Thầy Lê Quang Đạt - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi báo tin: “Học sinh THPT Tân Lang đỗ tốt nghiệp đạt 89,09%, xếp thứ 6 trong tỉnh". Kết quả thi THPT năm nay so với mặt bằng chung cả nước, trường THPT của 6 xã vùng Mường chẳng thua kém là mấy. Thế nhưng cùng với niềm vui, sự phấn khời ấy còn là nỗi lo, sự trăn trở của những người làm giáo dục bởi liệu sau khi đỗ tốt nghiệp các em có tiếp tục dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và theo học thế nào?
Theo Vietnamnet.vn
Nữ sinh vùng cao được tuyển thẳng vào đại học nhưng có nguy cơ không thể đi học vì quá nghèo