Lịch sử Táo Quân hàng ngàn năm ở Trung Quốc: Vị thần tâu những việc tốt, xấu của người trong nhà với Ngọc Hoàng

Từ thời Tần đến Minh, Thanh..., cúng tế Táo Quân là sự kiện và phong tục vô cùng quan trọng của người dân trong lịch sử Trung Quốc.

Từ lâu nay, Trung Quốc luôn được biết tới là quốc gia có tín ngưỡng đa thần. Trong số những vị thần được người Trung Quốc cổ đại tôn sùng, Thần Bếp có vị trí quan trọng nhất. Người xưa vẫn truyền nhau câu "Tam tế Táo, tứ tảo ốc" nghĩa là ngày 23 tế Thần Táo (Thần Bếp), ngày 24 quét dọn nhà cửa.

Theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc, đêm 23 tháng Chạp hàng năm, Thần Bếp sẽ về trời và mùng 4 tháng Giêng sẽ quay về nhân gian. Dân gian thường gọi Thần Bếp là Táo Vương, Táo Quân, Ông Táo, Táo Vương Gia, Thuận Diện Công, Tư Mệnh Công hoặc Ngũ Quan Thần.

Từ thời nguyên thủy, lửa được coi là đối tượng được con người sùng bái. Trong cuộc sống sinh hoạt, bếp lửa không bao giờ tắt. Trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, Táo Quân có lịch sử lâu dài.

Sau thời Ngụy - Tấn (nhà Chu), Táo Quân đã được đặt tên riêng. Tên đầy đủ của Táo Quân khi ấy là "Đông Trù Ti Mệnh Cửu Linh Nguyên Vương Định Phúc Thần Quân".

Bức vẽ Táo Quân của người Trung Quốc.

Thời kỳ Xuân Thu của nhà Chu, dân gian lưu truyền câu ngạn ngữ "Dữ kỳ mị vu Áo, ninh mị vu Táo” (nịnh Thần Áo, thà nịnh Thần Bếp). Khổng Tử đã giải thích rằng, nếu như người dân không lấy lòng, thờ cúng có tâm với Thần Bếp thì những việc xấu của nhà họ sẽ bị các thần tâu lên với Ngọc Hoàng Đại Đế. Có người lại truyền rằng, ai đắc tội với Thần Bếp nếu nghiêm trọng sẽ giảm thọ 300 ngày, nếu nhẹ thì số ngày sống sẽ giảm đi 100 ngày.

Việc thờ cúng Táo Quân ngay từ thời nhà Thương đã có, đến các triều đại nhà Tần - Hán còn quan niệm Táo Quân là một trong năm vị thần lớn mà con người phải thờ cúng cùng với Môn Thần (thần giữ cửa), Tỉnh Thần (thần giếng, thần nước), Xí Thần (vị thần liên quan đến nhà vệ sinh) và Trung Lựu Thần (thần đất).

Bên cạnh việc chăm lo về việc ăn uống của con người, Táo Quân còn mang trọng trách lớn của Ngọc Hoàng giao phó, chính là xem xét việc thiện - ác của từng gia đình ở chốn nhân gian. Đi cùng Táo Quân là 2 vị thần, một vị giữ chiếc "hộp thiện" trong khi vị thần còn lại giữ "hộp ác", họ sẽ lưu trữ lại những ghi chép về việc làm tốt xấu của các thành viên trong nhà, sau đó báo cáo với Ngọc Hoàng Đại Đế vào cuối năm.

Một bức ảnh vẽ lại khung cảnh cúng "tiễn Táo Quân" về trời.

Ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân rời khỏi nhân gian, trở về trời báo cáo mọi việc của người trần, do đó nhà nhà người người đều phải "tiễn Ông Táo". Vào ngày này tại Trung Quốc, người dân thường bày biện bàn thờ gần bếp.

Những món được đặt trên bàn cúng "tiễn Ông Táo" thường là những món ngọt như kẹo mạch nha, sủi dìn (món bánh trôi nước của Trung Quốc), bánh được làm bằng tiết heo, gạo nếp và nước dùng đậu nành, chiên hoặc hấp và có thể được phủ trong bột đậu phộng... với mong muốn "khóa" được miệng của Táo Quân để khi ông về trời sẽ nói những việc tốt đẹp, những điều "ngọt ngào", hạn chế những thông tin xấu.

Món sủi dìn (món bánh trôi nước của Trung Quốc).

Món bánh hình dạng con ngựa được cúng trong ngày 23 tháng Chạp.

Người Trung Quốc cũng quan niệm phương tiện đi lại của Táo Quân là ngựa nên họ thường đốt ngựa giấy để tiễn Táo Quân về trời. Bên cạnh đó, khi cúng họ còn bày nước và cỏ khô cho ngựa của Táo Quân ăn để chở ông.

Một bức vẽ Táo Quân về trời bằng ngựa.

Một điều khác biệt với phong tục Việt Nam là người Trung Quốc thường thay bức tranh Táo Quân mới mỗi năm. Sau khi cúng xong họ sẽ đốt vàng mã, ngựa giấy và bức tranh Táo Quân rồi thay bằng một bức tranh mới.

Theo Kenh14.vn


* Nội dung liên quan: